MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh nhân chữa bệnh bằng truyền miệng cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Bao giờ chấm dứt cảnh tự trị bệnh rồi rước hoạ?

Hà Lê LDO | 11/03/2018 09:15

Mới đây, nhiều người nguy kịch vì nghi uống “thần dược” trị tiểu đường không rõ nguồn gốc tại TP.Cần Thơ. Nguyên nhân ban đầu được cho là trong loại thuốc đông y mà các bệnh nhân sử dụng có chứa chất gây nhiễm acid lactic, gây toan chuyển hóa nặng, dễ dẫn đến tử vong. Vụ việc này không phải là lần đầu tiên được đưa ra cảnh báo việc nhiều người dân trị bệnh theo kiểu truyền miệng, rỉ tai.

Sốc và bức xúc

Đó là cảm giác các bác sĩ phải chứng kiến cảnh nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau đớn, bệnh nặng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng vì tự chữa bệnh hoặc chữa bệnh kiểu truyền miệng.

TS.BS Lê Mạnh Cường, Phó giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương kể chính ông đã điều trị cho nhiều trường hợp tự điều trị bệnh rồi gánh hậu quả nặng nề. Trong đó, có bệnh nhân mà khiến ông nhớ mãi.

“Bệnh nhân nữ 68 tuổi, ở Gia Lâm, Hà Nội cấp cứu trong tình trạng toàn bộ hậu môn hoại tử tím đen, bắt buộc phải mổ gấp. Bệnh nhân thú nhận: bị trĩ đã lâu nhưng ngại đi khám. 7 ngày trước khi phải vào cấp cứu tìm đến ông lang gần nhà để mua thuốc về đắp nhưng cứ thấy ngày một đau thêm. Đến khi không chịu được mới đến bệnh viện kiểm tra. Các bác sĩ đã phải mổ cấp cứu, xử lý rất phức tạp do phần hoại tử lan rộng, nguy cơ biến chứng hẹp hậu môn rất lớn”, TS.BS Lê Mạnh Cường nhớ lại.

TS.BS Lê Mạnh Cường cho biết thêm, có tới 60% bệnh nhân mắc trĩ đều đến bệnh viện khám khi đã ở giai đoạn 3, 4, trĩ thò dài ra ngoài. Khi đó bắt buộc phải phẫu thuật. Ở giai đoạn nhẹ, người dân thay vì đến bệnh viện thăm khám lại tìm đến các lang băm để chữa. Người đắp, người xông, khỏi chưa thấy đâu nhưng để lại hậu quả nguy hiểm. Xông không có hiệu quả, tất cả chỉ là quảng cáo.

Tại Bệnh viện K, đã có rất nhiều bệnh nhân ung thư từ bỏ điều trị, hoặc làm trễ điều trị chỉ vì tin theo những tin đồn thất thiệt. Kết quả là những lời giới thiệu có cánh rằng bệnh sẽ khỏi hoàn toàn chỉ sau vài liệu trình đắp hay uống thuốc thì mãi chẳng thấy đâu mà hậu quả lại nhãn tiền. Nhiều bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng khiến phần vú chứa khối u bị hoại tử, lan rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng của bệnh nhân.

Bà T.T.H, 56 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội phải chịu đựng những cơn đau chưa từng có khi một bên ngực phải của bà bị sưng phồng, lở loét. Nguyên một vết lõm dài, rộng và sâu; đầy mủ và dính bết. Bà H cho biết chỉ vì trót tin theo những lời đồn đại, chữa bệnh kiểu truyền miệng mà bà phải gánh chịu nỗi đau đớn này.

“Tôi cứ nghĩ đó là cái nhọt. Tôi không bao giờ nghĩ đấy là ung thư cả. Tôi đắp cao khoai sọ, cứ chín sọ, một gừng xay sống lên đắp. Rồi tôi uống nấm lim xanh, bồ công anh, rồi xạ đen, rồi nona nghệ, nói chung là ai bảo cái gì thì tôi làm cái đấy. Suốt 8 tháng cần mẫn đắp cao, không những chẳng thấy khối u tiêu được chút nào, tôi thấy ngực mình ngày càng phồng rộp lên, nổi to như bong bóng” bà H ân hận.

PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K cho biết: những trường hợp như bà H đến Bệnh viện K không phải hiếm gặp. Các bác sĩ bức xúc nhất là người bệnh biết mình mắc bệnh nhưng không điều trị mà nghe theo các bài thuốc truyền miệng như đắp các loại lá, cây, thậm chí cả rễ cây lên khối u khiến da bị lở loét, nhiễm trùng nặng. Thậm chí, người bệnh còn bỏ ra rất nhiều tiền mua thuốc không rõ nguồn gốc về sử dụng.

"Hiện chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh được là việc đắp lá có thể điều trị có hiệu quả các ung thư. Các bài thuốc khi đưa vào điều trị cho người bệnh cần có kiểm chứng khoa học. Điều trị ung thư là vấn đề rất lớn, rất phức tạp và đòi hỏi chuyên môn sâu, kết hợp đa mô thức, đa chuyên khoa mới có thể hiệu quả. Người dân cũng như bệnh nhân ung thư cần tìm hiểu và tham khảo các nguồn thông tin, tài liệu chính thống về phòng chống căn bệnh này từ các bác sĩ chuyên khoa và các cơ sở y tế khám chữa, các hiệp hội ung thư uy tín”, PGS.TS Thuấn cho hay.

Chấm dứt cách chữa bệnh hoang tưởng phải từ người bệnh

Một thực tế khác, trên các trang mạng xã hội lan truyền các mẹo chữa bệnh, các bài thuốc chữa bệnh tràn lan, không được kiểm soát. Đơn cử, rất nhiều chị em bị tình trạng viêm nhiễm phụ khoa nhưng ngại đến bác sĩ điều trị đã lên mạng xem chia sẻ trên các diễn đàn, mạng xã hội... để điều trị. Bài thuốc các chị em thu về được là dùng tỏi, lá trầu không, thậm chí cả sữa chua chữa bệnh viêm nhiễm. Những bài thuốc được các bác sĩ cho là phản khoa học, không có cơ sở khoa học nào nói đặt những chất này vào âm đạo chữa được bệnh phụ khoa.

Không hiếm trường hợp, một người khi thấy các triệu chứng bệnh của mình giống với của người khác là sẽ mua thuốc giống hệt như của người đó hoặc mua theo "kinh nghiệm" họ mách.

Theo đánh giá của các bác sĩ, nếu là các chứng bệnh nhẹ, không gây xáo trộn trầm trọng đến các chức năng trong cơ thể, không gây tổn thương đáng kể thì người bệnh có thể tự dùng các loại thuốc thông thường. Kết hợp với việc ăn uống bồi dưỡng tăng sức đề kháng của cơ thể, bệnh sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, người bệnh có thể nhầm lẫn triệu chứng của bệnh này với bệnh khác, dẫn đến việc tự chẩn đoán sai bệnh và mua thuốc về uống không những không có tác dụng, mà còn xuất hiện phản ứng như: buồn nôn, dị ứng mức độ nặng hoặc nhẹ, phù nề, ngộ độc… Hoặc nghiêm trọng hơn là làm cho các triệu chứng của bệnh thực sự bị lu mờ và khó phát hiện.

PGS.TS Trần Văn Thuấn cho biết thêm: Hiện nay, các phương pháp điều trị ung thư vẫn là phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và miễn dịch sinh học. Việc các bài thuốc truyền miệng lan tràn trên mạng xã hội đã khiến không ít bệnh nhân đang ở giai đoạn đầu của bệnh bỏ lỡ cơ hội chữa trị bài bản khi tìm đến phương pháp chữa bệnh không có cơ sở khoa học. Chữa theo "tin đồn" không hiệu quả, quay lại bệnh viện thì tế bào ung thư đã di căn rồi.

Thông tin truyền miệng về phương pháp khám, chữa bệnh là rất nguy hiểm. Vì vậy, ngành y tế cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, không để người dân đặt niềm tin vào các phương pháp chữa bệnh được truyền tải tràn lan trên mạng xã hội. Mặt khác, cần cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân về các cơ sở y tế đáng tin cậy để họ có cơ sở lựa chọn khi cần khám, chữa bệnh.

Riêng về vấn đề tìm kiếm thông tin liên quan đến chăm sóc sức khỏe, khi bị bệnh, người dân cần đến bệnh viện, gặp bác sĩ để khám. Nếu muốn có thêm kiến thức, hiểu biết về y khoa thì cần tìm những trang thông tin uy tín, có địa chỉ rõ ràng. Những người giỏi ngoại ngữ có thể tìm kiếm trang thông tin của các trường đại học, các tổ chức nghiên cứu có uy tín và được thế giới công nhận; tuyệt đối không nghe theo thông tin trên các trang mạng không có địa chỉ rõ ràng. Mặt khác, các cơ quan chức năng cần tích cực vào cuộc, tìm giải pháp loại bỏ những cơ sở khám chữa bệnh “chui”, hoạt động không phép, những “thần y... tự xưng"...

Hậu quả của việc tự chữa bệnh đã thấy nhưng bao giờ tình trạng này mới chấm dứt?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn