MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ Nhi khuyên các sản phụ khi chọn dịch vụ sinh thì hãy đặt sự an toàn của mẹ và bé lên hàng đầu - Ảnh: D.T

Bất chấp nguy hiểm, nhiều sản phụ lựa chọn sinh con theo ý mình

Diệu Thuần LDO | 16/10/2017 06:30

Kinh tế eo hẹp, sức khỏe mẹ không tốt, con không được quan tâm đúng mức nhưng nhiều sản phụ vẫn quyết sinh con theo kiểu khẳng định đẳng cấp. Các bác sĩ cho rằng, nhiều sản phụ đã tự rước họa vào thân.

Bất chấp hiểm nguy

Chị N.T.L (30 tuổi, ở huyện Bình Chánh, TP.HCM) đang làm nhân viên truyền thông. Chị lập gia đình năm 2015. Vợ chồng chị ở trọ, thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng 20 triệu đồng. Sinh con lần thứ nhất, chị chọn sinh mổ dịch vụ tại một bệnh viện quốc tế với gói 50 triệu đồng. Con trai chị chào đời khỏe mạnh. Nhưng vết mổ của chị bị tụ dịch. Đau, không đi lại được, nhân viên y tế phải đến nhà chăm sóc vết mổ, hút dịch cho chị liên tục.

Con trai được 6 tháng, vết mổ chưa lành, chị mang thai lần hai. Các bác sĩ cho biết, sức khỏe chị không đảm bảo, vết mổ chưa lành nên sẽ ảnh hưởng đến cả mẹ và con. Các bác sĩ cũng khuyến cáo, khi thai được 7 tháng, chị phải đến bệnh viện để mổ bắt thai, nếu không sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe người mẹ, vì có thể vết mổ cũ sẽ rạn khi bụng bầu lớn. Nhưng, vợ chồng chị L quan niệm, con phải sinh đúng ngày, đúng giờ sau này mới sướng, bố mẹ làm ăn mới thuận lợi và phát triển được sự nghiệp, gia đình mới hạnh phúc nên vợ chồng chị quyết chọn ngày tốt, giờ tốt mới mổ bắt con.

Thai được 40 tuần, chị tiếp tục chọn bệnh viện tư lần trước để mổ bắt con. Chị cho biết, dù biết bệnh viện mình chọn không tốt bằng những nơi khác nhưng vẫn chọn, vì được sinh đúng ý mình. Hơn nữa, chị tiếp xúc với nhiều người nổi tiếng thì phải chọn nơi sinh có đẳng cấp và không bị lép vế, dù kinh tế gia đình đang khó khăn, chị đang nghỉ làm ở nhà trông con, mọi chị tiêu trong gia đình phụ thuộc vào mức lương 12 triệu đồng/tháng của người chồng. “Kiếm tiền cả đời, sinh con chỉ một hai lần thôi thì sao không chọn sinh cho có đẳng cấp một chút. Do da tôi độc nên vết mổ lâu lành mà thôi”, chị L nói. Con gái chị khỏe mạnh, bụ bẫm. Thế nhưng, vết mổ của chị lại tụ dịch, sưng phù, chị phải nhập viện điều trị.

Nhiều sản phụ nhập viện vì băng huyết, thuyên tắc ối

Bác sĩ BS-CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho biết, hiện nay có bệnh viện chuyên dành cho diễn viên, ca sĩ, người mẫu, bệnh viện chuyên dành cho người nước ngoài, dân trí thức, bệnh viện chuyên dành cho người dân buôn bán, kinh doanh…. Có sự phân loại như vậy là do quan niệm của khá nhiều phụ nữ trẻ, thường là những phụ nữ sinh con đầu lòng phân loại đẳng cấp sinh đẻ thông qua dịch vụ, giá tiền, thương hiệu của các bệnh viện tư. Tâm lý chung của các bà mẹ này là dễ hoang mang, dễ nghe lời mách bảo của người này, người kia dẫn đến cố chấp, bảo thủ. Có sản phụ, có thể sinh thường được nhưng vẫn kiên quyết sinh mổ để được chọn ngày sinh đẹp, hợp với đường làm ăn của bố mẹ. Có sản phụ lại sinh theo sự mách bảo của người đi trước, rằng bệnh viện A tốt, bệnh viện B sinh không đau, bệnh viện C được sinh theo ý mình…

Tuy nhiên, bác sĩ Nhi cảnh báo rằng, muốn sinh kiểu gì, khẳng định đẳng cấp như thế nào thì cũng phải đặt sự an toàn của mẹ và em bé lên hàng đầu. Nếu sản phụ có sức khỏe, điều kiện kinh tế gia đình cho phép thì họ có thể lựa chọn dịch vụ sinh theo ý mình. Nhưng, cũng cần phải chọn nơi sinh có dịch vụ tốt, bác sĩ có tay nghề, chuyên môn cao. Còn sức khỏe sản phụ không tốt, kinh tế eo hẹp mà cứ “đua đòi” sinh kiểu khẳng định đẳng cấp là không nên một chút nào. “Chẳng ai có thể đoán trước được, lúc người phụ nữ lâm bồn sẽ xảy ra điều gì. Vì thế, tất cả phải đảm bảo sự an toàn, sức khỏe cho cả mẹ và bé”, bác sĩ Nhi nói.

Được biết, mỗi năm, tại Bệnh viện Từ Dũ có khoảng 60.000 ca sinh thì có 20-30% sản phụ yêu cầu sinh mổ. Bệnh viện cũng đã tiếp nhận nhiều sản phụ sinh dịch vụ chuyển đến, nguyên nhân là do thuyên tắc ối, băng huyết, nhiễm trùng vết mổ, tụ dịch ở vết mổ…

An toàn là điều cần quan tâm cho cả mẹ và bé

Mới đây, Tổ chứcYy tế Thế giới đã thay đổi một số tiêu chuẩn trong sản khoa để hạn chế tỷ lệ mổ lấy thai lần đầu. Theo đó, nếu trước đây, có quy định cổ tử cung mở 4cm là hoạt động chuyển dạ thì bây giờ cổ tử cung mở 6cm mới được xem là hoạt động chuyển dạ. Trước đây, sản phụ 40 phút vẫn chưa chuyển dạ được thì can thiệp mổ lấy thai, thì hiện nay thời gian rặn đối với con so phải từ 1-2 giờ. Sau thời gian này mới can thiệp mổ lấy thai. Sở dĩ có sự quy định như vậy là để hạn chế các can thiệp sản khoa quá sớm, từ đó hạn chế những biến chứng cho mẹ về sau như: Thai bám sẹo mổ, nhau cài răng lược….

Tuy nhiên, tỷ lệ sinh mổ tại một số bệnh viện ngày càng gia tăng. Tại một bệnh viện phụ sản ở TPHCM, tỷ lệ sinh mổ chiếm 35-40%, thậm chí gần 100%. Theo bác sĩ Nhi, lựa chọn dịch vụ sinh mổ giúp người mẹ không đau khi lâm bồn, tránh được những rủi ro cho cả mẹ và bé (như bé bị ngạt, khó sinh…). Nhưng các bà mẹ phải nên hiểu rằng, các em bé sinh mổ thường có nguy cơ ứ đọng dịch phổi (dù tỷ lệ thấp, nhưng trẻ rất dễ tử vong). Vì thế, an toàn là điều cần phải quan tâm nhất đối với mẹ và bé. Chính vì điều đó, tại bệnh viện Từ Dũ, các sản phụ sẽ được các bác sĩ tìm mọi cách an toàn nhất cho việc sinh thường.

Bác sĩ Nhi cũng khuyên các sản phụ rằng, nếu có điều kiện kinh tế, ngoài việc lựa chọn các bệnh viện tư với dịch vụ sinh đa đạng, nên quan tâm đến cơ sở y tế có đủ các điều kiện như: phòng mổ và có bác sĩ trực tiếp mổ cấp cứu không, có bác sĩ nhi chuyên trách không, cơ sở y tế có đơn vị nhi sơ sinh... Bởi nếu em bé sinh ra cần hỗ trợ khẩn cấp thì không thể chờ đợi hoặc chuyển sang bệnh viện khác được. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn