MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vẫn còn nhiều rào cản với doanh nghiệp trong việc phát triển loại hình bất động sản xanh. Ảnh: H.Triều

Bất động sản xanh - chiếc áo đẹp nhưng không dễ mặc

T.Vy - G.Miêu LDO | 07/10/2017 15:43

Hiện nay, rất nhiều dự án bất động sản đang gắn “mác” công trình xanh cho các dự án của mình để quảng cáo cho dự án. Tuy nhiên, để thật sự trả lời đúng về khái niệm này thì dường như ngay cả các chủ đầu tư cũng khá mù mờ.

Hiểu thế nào cho đúng

Theo thống kê, số lượng công trình xanh tại Việt Nam hiện chỉ có khoảng 100 công trình, đang phát triển ở các giai đoạn khác nhau. Tuy nhiên, trên thị trường đang có quá nhiều dự án tự nhận mình là công trình xanh, gây hoang mang cho người mua nhà.

Giáo sư Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, các tiêu chí để đánh giá một dự án bất động sản xanh hiện nay ở Việt Nam vẫn còn đang trống. Trong Luật Kinh doanh Bất động sản, tiêu chí và yêu cầu quy định về bất động sản xanh đều không có.

Hiện nay, một công trình được gọi là xanh thì phải được Hội đồng Công trình xanh chứng nhận. Trong khi đó, có nhiều dự án được đặt tên nhằm gắn mác xanh theo trào lưu bằng cách gắn vào dự án các chữ như eco, xanh, green,… Tuy nhiên, muốn biết dự án đó xanh hay không cần soi chiếu vào tiêu chí. Hiện có 3 tiêu chí phổ biến tại Việt Nam là Leed của Mỹ, Lotus của Việt Nam và Green Mark của Singapore. Các dự án muốn được cấp chứng chỉ xanh sau khi hoàn thành công trình xây dựng đều phải nộp hồ sơ lên hội đồng công trình xanh xem xét sau đó mới được cấp chứng nhận. Do đó, người mua nhà nên hỏi chứng nhận này, tuy nhiên hầu như chưa có do chỉ khi dự án hoàn thành thì chủ đầu tư mới có thể hoàn thiện hồ sơ từ thiết kế, xây dựng, hoàn công,… để xét duyệt nên rất khó.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của các nhà chuyên môn, phát triển bất động sản xanh ở Việt Nam hiện này vẫn còn ở dạng trào lưu nhất thời. Rất nhiều dự án bất động sản sử dụng mác xanh như một cách để tạo sự quan tâm của khách hàng mua nhà, nhưng phần nhiều trong số này lại không đạt, hoặc mỗi dự án lại tự đặt ra một tiêu chuẩn riêng.

Ông Trần Trọng Nghĩa – Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ và Đầu tư năng lượng Xanh cũng nhận định, một trong những tiêu chí quan trọng nhất của các bộ tiêu chí đánh giá chứng nhận công trình xanh hiện nay là sử dụng năng lượng hiệu quả. Trong đó, việc sử dụng năng lượng chiếu sáng, sưởi ấm và phát điện trở thành các ứng dụng vô cùng quan trọng. Song, các dự án bất động sản ở Việt Nam hiện nay còn thiếu những tiêu chí này.

Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư Công ty Savills Việt Nam, dự án đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng chỉ Leed là cao ốc President Place tại TP.HCM, vào năm 2012. Đây là dự án do nhà đầu tư nước ngoài thực hiện chứ không phải doanh nghiệp Việt. Những dự án xanh ở Việt Nam đang trong quá trình học hỏi, đi sau rất xa so với các nước. Do đó, nếu thực hiện một dự án cùng tiêu chí thì doanh nghiệp trong nước vẫn yếu thế hơn. Lý do là bên cạnh để thực hiện các tiêu chí xanh đã không đơn giản thì việc vận hành dự án trong tương lai cũng rất quan trọng. Trong khi đó, chúng ta đang có những hạn chế trong việc quản lý.

Đừng chỉ là chiếc áo bề ngoài

Hiện trên thị trường bất động sản có nhiều dự án tự nhận mình là xanh, tuy nhiên thực chất đó chỉ là chiêu trò quảng cáo của chủ đầu tư nhằm bán hàng. Điều này đang khiến cho khái niệm về một công trình xanh ngày càng trở nên “đáng sợ” trong con mắt khách hàng.

Theo nhận định của ông Đỗ Hữu Nhật Quang – Đồng sáng lập viên GreenViet, Phó Chủ nhiệm CLB Kiến trúc xanh TP.HCM đây là thực tế có thật, điều này khiến cho công trình xanh thời gian qua thiếu minh bạch. Lý do là có một thời gian công trình xanh nằm trong giai đoạn khởi động nên chưa có những chế tài hay quy định về quảng cáo công trình xanh.

Ngoài ra, một nguyên nhân khiến số lượng công trình xanh tại Việt Nam còn rất thấp do đây là vấn đề mới, thường tạo tâm lý lo ngại làm tăng chi phí đầu tư. Chưa kể, các dự án bất động sản xanh còn kéo dài thời gian triển khai dự án và làm tăng chi phí bảo dưỡng công trình về sau nên nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà.

“Thách thức lớn nhất đối với các dự án bất động sản xanh là ban đầu phải đầu tư với khoản tiền lớn. Trong khi đó, chủ đầu tư không được phép vận hành, quản lý sau khi bàn giao. Đồng thời, đối tượng khách hàng của phân khúc này lại hẹp do chi phí mua nhà cao”, ông Phạm Việt Bách - Giám đốc thiết kế Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia chia sẻ.

Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng Giám đốc Phúc Khang Corporation cho biết, làm công trình xanh chi phí ban đầu tăng thêm khoảng 10% để thỏa mãn các tiêu chí đặt ra (tiêu chuẩn của LEED) nhưng tiết kiệm về lâu dài. Trong đó, hiệu quả giảm 30% sử dụng nước và tối thiểu 20% năng lượng. Theo bà Mẫu, thực hiện công trình xanh sẽ có 4 thách thức vô cùng lớn gồm: “Sự cô đơn” của những nhà tiên phong trong phát triển công trình xanh; chi phí đầu tư nguồn lực ban đầu cao hơn; thời gian phát triển dự án, thủ tục phức tạp; nguồn nhân lực có kinh nghiệm phát triển công trình xanh chưa nhiều.

Đồng quan điểm trên, bà Lê Thị Tú Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đồi Xanh Nha Trang cho biết, bất động sản xanh ngoài việc sử dụng vật liệu kiến trúc, xây dựng thân thiện với môi trường thì còn phải biết tái chế để giảm khí thải…Công trình xanh giúp giảm được khoảng 14% lượng nước sinh hoạt, 40% vật liệu xây dựng và 39% năng lượng so với các công trình thông thường.

Bên cạnh đó, bà Tú Anh cũng đưa ra dẫn chứng bất động sản hiện nay với nhiều loại hình như: Biệt thự, nhà riêng lẻ… tiêu hao nguồn tài nguyên với một mức độ “kinh khủng” dẫn đến tiêu thụ 14% lượng nước sinh hoạt, 40% vật liệu xây dựng (chủ yếu từ tài nguyên thiên nhiên)… Đồng thời, bà Tú Anh mong muốn Chính phủ cần có những ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp để khích lệ làm bất động sản xanh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn