MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Theo đại diện NHNN thì cơ cấu tín dụng 5 tháng đầu năm vẫn chủ yếu rót vào các lĩnh vực ưu tiên và vào hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Cân nhắc “nới room” tín dụng

Vi An LDO | 18/06/2017 07:01
Trong 5 tháng đầu năm, tín dụng cũng có mức tăng “nóng” cao nhất trong vòng 8 năm trở lại đây. Nhiều ý kiến cho rằng, để đảm bảo tăng trưởng GDP 6,7%, có thể dùng giải pháp tăng trưởng mức tín dụng thêm 2%, lên 20%.

Tín dụng tăng “nóng”

Nhìn lại những tháng đầu năm 2017, tín dụng cả nước đã có mức tăng khá “nóng”, đây cũng là mức tăng cao nhất trong 8 năm qua. Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đầu năm, NHNN đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 18%. Qua theo dõi, NHNN nhận thấy tín dụng có sự tăng trưởng mạnh. Cụ thể, tính đến ngày 25.5, tăng trưởng tín dụng ở mức 6,53%, cao hơn cùng kỳ năm 2016 là 5% và năm 2015 là 4,5%.

Trước đó, cuối quý I, nhiều ngân hàng tỏ ra lo lắng vì NHNN “hãm” tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ dưới 18%. Dù vậy, thời gian gần đây, do lạm phát, tỷ giá, lãi suất diễn biến thuận lợi, nhiều khả năng, NHNN sẽ nới lỏng cung tiền theo chỉ đạo của Chính phủ.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5.2017, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu NHNN tăng trưởng tín dụng vượt kế hoạch (18%). Trong bối cảnh giải ngân vốn đầu tư công tăng trưởng chậm, việc Chính phủ “đẩy” vốn tín dụng sẽ giúp kích thích tăng trưởng kinh tế và cũng tạo cơ hội để ngân hàng mở rộng cho vay.

Báo cáo mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho thấy, với tình hình lạm phát hiện nay, khả năng NHNN sẽ nới lỏng tiền tệ ở mức vừa phải. Theo đó, nếu lạm phát các tháng tới tiếp tục trong vòng kiểm soát, NHNN có thể sẽ nới thêm 1-2% tăng trưởng tín dụng so với mục tiêu ban đầu, nhằm hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh GDP đạt mức khá thấp trong quý I/2017.

Cũng theo BVSC, tăng trưởng tín dụng cao là tín hiệu tích cực, thể hiện sự hấp thụ tốt nguồn vốn của nền kinh tế, tuy nhiên cũng làm dấy lên lo ngại về rủi ro xuất hiện bong bóng tín dụng, như những gì đã xảy ra giai đoạn năm 2009 khi tín dụng tăng trưởng nóng.

Nhìn chung, tín dụng tăng trưởng “nóng”, tập trung vào các lĩnh vực phù hợp là tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, BVSC cho rằng, vấn đề này cần được giám sát và theo dõi chặt chẽ. Các cơ quan quản lý cần đảm bảo nguồn tín dụng hoạt động hiệu quả, chảy vào đúng nơi, đúng chỗ, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn không để bong bóng tài sản xảy ra.

Tín dụng đã hỗ trợ cho hoạt động sản xuất

Tín dụng chảy mạnh trong 5 tháng đầu năm, lo ngại dòng vốn ngân hàng đang chảy vào các lĩnh vực “nóng” như giao thông, bất động sản. Tuy vậy, trả lời về vấn đề này, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, cơ cấu tín dụng 5 tháng đầu năm vẫn chủ yếu rót vào các lĩnh vực ưu tiên và vào hoạt động sản xuất - kinh doanh. Dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản đã tăng trưởng chậm lại so với năm 2016.

Đại diện NHNN cho hay, trong chỉ đạo hàng ngày, Thống đốc rất kiên quyết yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) phải rà soát đảm bảo kiểm soát rủi ro, đặc biệt cho vay BOT bất động sản. Tăng trưởng tín dụng bất động sản đã chậm lại so với 2016 đúng chủ trương Thống đốc. Tuy không cấm các TCTD nhưng luôn nhắc nhở về cân đối nguồn vốn.

Riêng tại TPHCM, mặc dù tín dụng 5 tháng đầu năm tăng rất mạnh (8,3%), song ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TPHCM cho biết, tín dụng bất động sản tăng chậm và chỉ chiếm hơn 10% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn. Tín dụng bất động sản không còn tăng nóng như giai đoạn trước. Các ngân hàng đã kiểm soát chặt hơn cho vay lĩnh vực này để hạn chế rủi ro.

Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, tăng trưởng tín dụng cao đã hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhất là trong điều kiện giải ngân đầu tư công chưa được cao. Giải ngân tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo đúng định hướng của Chính phủ.

Ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo NHNN phải điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô gắn với nâng cao chất lượng tín dụng.

Có thể thấy, điều đáng mừng là tín dụng tăng trưởng “nóng” nhưng vẫn giữ được sự ổn định cho toàn hệ thống. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn cần được nhìn nhận một cách chặt chẽ hơn, để hướng dòng tín dụng vào tăng trưởng bền vững, tăng số lượng nhưng phải tăng cả chất lượng, phải đi vào “đúng nơi, đúng chốn”, tạo sự phát triển chung cho nền kinh tế.

Ở phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại kỳ họp Quốc hội mới đây, đã có nhiều đại biểu có ý kiến về việc điều chỉnh tăng trưởng tín dụng nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế.

Đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) đã đề nghị để đảm bảo tăng trưởng GDP 6,7% có thể dùng giải pháp tăng trưởng mức tín dụng thêm 2%, lên 20%. Theo quan điểm của bà Hà, Chính phủ cần tạo ra đột phá để trong 3 quý cuối năm đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 7%/quý, bảo đảm cả năm đạt 6,7%, đồng thời tạo đà cho năm 2018.

Cụ thể, là tăng khối lượng tiền tệ so với kế hoạch đề ra, tương ứng với việc tăng thêm khoảng 2% tổng dư nợ tín dụng. “Mức tăng tín dụng thêm 2% sẽ không gây lạm phát tiền tệ. bởi lạm phát cơ bản cho đến nay vẫn diễn biến thuận lợi. Quý I/2017, lạm phát cơ bản chỉ tăng 1,66% so với bình quân năm 2016. Ngay cả tình huống năm 2017, CPI tăng bình quân cao hơn 4% so với năm 2016 nhưng dưới 5% cũng chỉ có tác động kích thích tăng trưởng không đáng lo ngại. Tuy nhiên, kèm theo giải pháp này phải không điều chỉnh tăng giá điện và giá cả các loại dịch vụ công khác như y tế, giáo dục từ nay đến cuối năm”, đại biểu Lê Thị Thu Hà nói.

Tuy nhiên, có rất nhiều ý kiến tranh luận cho rằng, nên cân nhắc thận trọng giải pháp này. Nên chăng ưu tiên nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ cho nền kinh tế hiệu quả hơn, sẽ tốt hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn