MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một phần trong số hơn 2,5 tấn hóa chất, tiền chất ma túy mà Ban chuyên án thu giữ từ đường dây sản xuất, mua bán ma túy do ông trùm Hoàng “béo” cầm đầu. Ảnh: C.A

Cảnh báo lỗ hổng trong quản lý tiền chất ma túy

Trường Sơn LDO | 12/06/2017 06:35
Sau khi phá được đường dây sản xuất, mua bán ma túy lớn nhất Việt Nam của ông trùm Văn Kính Dương (tức Trần Ngọc Hiếu, SN 1980 biệt danh Hoàng “béo”), lãnh đạo Công an TPHCM đã chỉ ra lỗ hổng về quản lý tiền chất ma túy một cách chồng chéo như hiện nay.

Hành trình triệt phá đường dây sản xuất ma túy lớn nhất nước

Giữa năm 2016, Công an quận Bình Thạnh phát hiện một đường dây buôn bán thuốc lắc và ma túy tổng hợp quy mô nhỏ trên địa bàn. Qua điều tra, Công an bắt được một đối tượng với tang vật là 100 viên ma túy tổng hợp. Qua phân tích, công an phát hiện đây là nguồn ma túy mới, được sản xuất ngay trong nước, cần phải làm rõ để sớm ngăn chặn.

Theo đại tá Nguyễn Hoàng Thắng - Trưởng Công an quận Bình Thạnh - nhận thấy đây là đường dây sản xuất ma túy có qui mô lớn nên Công an quận đã báo cáo đề xuất lên Công an TPHCM lập chuyện chuyên án triệt phá. Sau khi nhận báo cáo đề xuất của Công an quận Bình Thạnh, Công an TPHCM thống nhất nâng chuyên án này thành chuyên án cấp thành phố. Trong quá trình đó, công an phát hiện ra nguồn, địa điểm cung cấp ma túy và các trinh sát bắt đầu được tung vào cuộc.

Ban đầu, tuy khu biệt thự do Hoàng “béo” thuê trong khu Trung Sơn quận 7 rất khó tiếp cận do có lắp hệ thống camera nhưng bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát đã phát hiện ra nơi này có biểu hiện của việc tồn trữ hóa chất, sử dụng điện rất lớn nên đi đến khẳng định đây là nơi sản xuất ma túy.

Tiếp đó, các đối tượng này lại di chuyển dây chuyền sản xuất về một xã miền núi của tỉnh Khánh Hòa. Các trinh sát lại tiếp tục đeo bám và phát hiện được xưởng sản xuất của chúng tại đây. Sợ bị công an phát hiện, các đối tượng lại di chuyển về một địa điểm khác ở phường Bửu Long, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai để lập xưởng. Dù đã tìm thuê mặt bằng nhưng do thấy không an toàn, bọn chúng lại đi tìm một địa điểm khác ở xã Trà Cổ, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai và tiến hành sản xuất trong một khu nhà có diện tích 200m2 nằm lọt thỏm giữa hàng chục ha rừng tràm tại đây.

Trong thời gian này, những đối tượng dưới quyền của Hoàng “béo” đã được xác định danh tính, lai lịch. Theo các trinh sát thì hầu hết 15 đối tượng tham gia đường dây này đều có quan hệ họ hàng hoặc là người thân thích của ông trùm Hoàng “béo”. Đối tượng nắm công nghệ sản xuất ma túy - được xem là cánh tay phải của Hoàng là Nguyễn Đức Kỳ Nam (49 tuổi - anh họ của Hoàng), dưới Hoàng “béo” là các đối tượng khác chuyên vận chuyển hóa chất, hàng bán thành phẩm và thành phẩm về các điểm tập kết ở quận 5, quận 1; người nắm khâu tiêu thụ tại TPHCM là Vũ Ngọc Hoàng Anh (24 tuổi, ngụ quận 5 - người tình của Hoàng) và Nguyễn Thu Huyền (29 tuổi, quê Hà Nội, trú tại quận 10); kẻ chuyên phân phối ma túy cho Hoàng ở Hà Nội là cô bạn gái khác tên là Lê Hương Giang (29 tuổi, quê Hà Nội).

Đặc biệt, nguồn hóa chất để bào chế ma tuy do đích thân Hoàng ra tận phía Bắc để mua rồi áp tải vào miền Nam để sản xuất, tuyệt đối không giao cho ai. Kể từ khi sản xuất mẻ đầu tiên đến khi bị bắt, nhóm của Hoàng đã cho ra lò 4 mẻ ma túy tổng hợp cung cấp cho các đầu mối đặt hàng trước. Để đảm bảo an toàn, Hoàng giám sát các xưởng sản xuất bằng camera và qua mạng xã hội. Luật bất thành văn của Hoàng là sau khi đã sử dụng các loại hóa chất trên, các đàn em bên dưới phải nhanh chóng mang các vỏ chai lọ, bao bì đi tiêu hủy hoặc thả trôi sông để xóa triệt để dấu vết.

Sau khi nắm hết toàn bộ các địa điểm sản xuất, nơi cất giấu ma túy thành phẩm và bán thành phẩm cũng như vai trò của từng tên, đến chiều ngày 6.4.2017, khi Hoàng vừa đặt chân xuống sân bay Tây Sơn Nhất đã bị các trinh sát chặn bắt. Đồng thời, 13 địa điểm có liên quan cũng bị khám xét, các đối tượng còn lại cũng phải tra tay vào còng.

Tiền chất ma túy từ đâu ra?

Sau khi chuyên án kết thúc một cách ấn tượng, báo cáo lên lãnh đạo TPHCM, thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó Giám đốc - Thủ trưởng Cơ quan CSĐT - Trưởng ban chuyên án - cho rằng, sau chuyên án này, vấn đề quản lý tiền chất ma túy lại được đặt ra: “Chỗ hở của chúng ta trong quản lý tiền chất hiện nay là có nhiều bộ ngành quản lý giống như vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Trận chiến này gian lao, ác liệt nhưng các nước người ta ngăn chặn được thảm họa ma túy thì mình cũng làm được chứ không để vấn đề càng lớn như hiện nay, đe dọa đến giới trẻ, sự phát triển bền vững của thành phố nói riêng và cả nước nói chung”.

Trở lại với câu hỏi tiền chất ở đâu ra để ông trùm Hoàng “béo” có thể cho ra lò hàng trăm kg ma túy tổng hợp ở trên, thượng tá Dương Ngọc Danh - Phó trưởng Công an quận Bình Thạnh cho biết, qua khai thác ban đầu, các đối tượng khai nhận một trong những thành phần quan trọng để sản xuất ma túy chính là chất methylamine dưới dạng lỏng. Loại hóa chất này được các đàn em của Hoàng nhập lậu từ biên giới phía Bắc về Hà Nội rồi được tuồn vào các xưởng sản xuất ma túy ở TPHCM, Đồng Nai, Khánh Hòa bằng đường bộ trên các xe tải. Tuy nhiên, hai loại hóa chất này chưa đủ để tạo ra ma túy tổng hợp mà Hoàng còn cho các đàn em mua thêm các loại hóa chất khác trên thị trường. Đặc biệt, Hoàng còn khai đã có mua nhiều loại hóa chất ở chợ Kim Biên (quận 5).

Theo Công an quận Bình Thạnh, trong quá trình phối hợp với công an các địa phương trong chuyên án, trước khi bắt toàn bộ đường dây, Ban chuyên án đã tiếp nhận từ Công an huyện Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp) tổng cộng 1.400 vỏ chai hóa chất chứa khoảng 700 lít acetone và methanol vứt bỏ trên địa bàn. Khám xét tại các xưởng sản xuất trong đường dây sản xuất của Hoàng ở các địa điểm trên, công an thu giữ được 5.080 chai chứa khoảng 2.540 lít hóa chất. Riêng tại xưởng sản xuất ma túy ở xã Phước Đồng (TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), công an thu giữ được 5 can hóa chất chứa khoảng 500 lít methylamine.

Qua số lượng hơn 2,5 tấn hóa chất và tiền chất mà Ban chuyên án thu giữ được từ đường dây sản xuất, tiêu thụ ma túy của Hoàng “béo” cũng như nhận định của Công an TPHCM về vấn đề quản lý tiền chất còn lỏng lẻo, trong cuộc họp báo Chính phủ vào ngày 3.6 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng tiền chất rất quan trọng trong ngành y tế, không có tiền chất thì không làm được gì. Ông Tiến cho rằng việc lợi dụng tiền chất để sản xuất ma túy không phải chỉ có ở Việt Nam mà trên thế giới cũng xảy ra tình trạng này. Chính vì thế, để quản lý tốt hơn, chúng ta cần siết visa nhập khẩu và quan trọng nhất là công tác quản lý. Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Công an phát hiện những cơ sở lợi dụng tiền chất để sử dụng trái mục đích, khi phát hiện sẽ xử lý rất nghiêm. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn