MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa

Cây ngô (bắp) có thể thay thế một phần cho cây lúa

Hoàng Huy LDO | 06/01/2017 10:57
Bộ NNPTNT dự kiến sẽ chuyển diện tích trồng lúa từ 500.000 – 700.000 ha để trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế hơn. Một trong những cây trồng có hiệu quả, được các nhà nông nghiệp khuyến cáo là cây bắp. Bởi cây bắp ngoài việc lấy hạt, còn có khả năng lấy thân cây để phục vụ cho ngành chăn nuôi.

Hiệu quả không thua trồng lúa

Cây bắp có thể trồng được quanh năm, tuỳ theo điều kiện tự nhiên của vùng miền, tập quán canh tác, điều kiện sản xuất của nông hộ mà bố trí mùa vụ sao cho thuận lợi để sản xuất đạt được lợi nhuận cao nhất. Thực tế sản xuất cho thấy, trồng bắp vào mùa khô (đủ nước tưới) cây ít bị sâu bệnh và ít đổ ngã, cây cũng phát triển nhanh, cho năng suất cao ổn định hơn và chất lượng hột cũng tốt hơn so với mùa mưa.
Gần đây tại Đồng Nai, người dân ngoài việc thu nhập từ trái, còn thu hoạch cây bắp tươi để phục vụ cho ngành chăn nuôi. Theo tính toán của người trồng, 1 ha cho thể thu về trên 10 triệu đồng/vụ từ thân bắp. Hiện nay bắp được làm nguyên liệu cho ngành chế biến thức ăn gia súc với giá ổn định. Chính vì vậy, hiệu quả kinh tế mang lại của bắp không hề thua kém trồng lúa.  
Tại ĐBSCL, bắp thường được trồng vào 2 vụ chính, vụ Đông – Xuân gieo hạt từ tháng 11 – 12 dương lịch, khoảng cuối mùa mưa khi đất còn ẩm, và vụ Hè – Thu gieo hạt khoảng tháng 4 – 5. Ngoài ra, ở những vùng thiếu nước vào vụ Xuân – Hè bắp thường được chọn làm cây trồng chính thay lúa. Bắp được trồng trên vùng đất cao, đất hai bên bờ đê. Nhìn chung cây bắp không kén đất dù mỗi loại, mỗi vùng có cách chăn sóc khác nhau. Quan trong nhất là khâu chọn giống. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại giống, nhưng nên chọn dòng F1 giống tốt, cho năng suất cao, chống chịu được một số sâu bệnh chính, phù hợp với điều kiện sinh thái, tập quán sản xuất và yêu cầu từ thị trường tiêu thụ của địa phương. Một số giống được nhiều người chọn như: Pacific 848,  đây là giống bắp lai đơn, có thời gian sinh trưởng từ 90 – 95 ngày tuỳ mùa vụ; chiều cao cây trung bình 180 – 200 cm, chiều cao đóng bắp 90 – 100 cm; bộ lá gọn; bắp hình trụ dài 18 – 20 cm, đầu múp, kín lá bi, số hàng hột trên bắp từ 14-16 hàng, khối lượng 1000 hột 295 – 300 gr, dạng hột bán đá, có màu vàng cam đẹp; năng suất trung bình 6,5 – 7,5 tấn/ha. Giống Pacific 848 chống chịu sâu bệnh hại tốt, nhiễm nhẹ bệnh khô vằn, chống đổ tốt, chịu ẩm. Giống Pacific 963 là giống bắp lai đơn, thuộc nhóm giống trung ngày, thời gian sinh trưởng từ 90 – 95 ngày; chiều cao cây từ 190 – 220 cm, chiều cao đóng bắp 70 – 100 cm, cây mập khoẻ, dạng hình gọn; bắp dài 17-18 cm, đường kính bắp 4,5 – 4,7 cm, bắp có 14-16 hàng hột, khối lượng 1000 hột 295 – 300 gr, dạng hột bán răng ngựa, có màu vàng; năng suất trung bình đạt từ 6,5 – 7,5 tấn/ha/vụ. Giống Pacific 963 chống chịu tốt với sâu đục thân và đục trái; bệnh khô vằn cháy lá và gỉ sắt. Ngoài ra các giống bắp lại lai G49, C919 .VN 25, V – 2002,  HQ2000, bắp lai đơn LVN10, DK-888… được nhiều người chọn.

Kỹ thuật bón phân và chăm sóc

Bắp thuộc loại cây 1 lá mầm, rễ chùm. Bộ rễ chùm của cây bắp rất phát triển, có thể lan rộng với bán kính trên 0,5 m và ăn sâu khoảng 1 - 2 m. Do vậy, đất trồng bắp cần đựợc cày sâu (10 - 20 cm), bừa kĩ, dọn sạch cỏ dại, tàn dư thực vật từ vụ trước. Sau đó, tiến hành đánh rãnh, rãnh rộng, sâu khoảng 30 cm, cách 5 m đánh một rãnh. Trước khi gieo cần kiểm tra tỷ lệ nảy mầm để tính lượng hạt giống cần gieo trên ruộng.
Nhu cầu phân bón của cây bắp lai khá cao, đặc biệt là nhu cầu đạm và kali. Tuy nhiên, liều lượng phân bón còn tùy thuộc vào đặc tính của đất, giống bắp, thời tiết trong vụ trồng và năng suất cây trồng mong muốn đạt tới. 
Để tạo ra 1 tấn hạt, cây bắp lấy đi trong đất từ 25 – 30kgN, 12 – 14kg P2O5, 28 – 30kg K2O (tỷ lệ N; P2O5; K2O tương đương 2; 1; 2). Vì vậy, muốn  đạt năng suất bắp trên 6 tấn/ha nông hộ cần bón khoảng 150 kg N + 60 kg P2O5 + 100 kg K2O, tương đương 300kg Urea + 150 – 200kg DAP + 100 - 150 kg KCl. Ngoài lượng phân vô cơ, nếu có điều kiện nên bón thêm phân chuồng với lượng từ 5-10 tấn/ha hoặc phân hữu cơ vi sinh với lượng khoảng 2 tấn/ha. Bón phân nên bón vùi theo hàng hay theo hốc để tránh mất đạm. Số lần bón phân có thể thực hiện như sau: Bón Lót: trước khi làm đất bón toàn bộ lượng phân chuồng (hoặc phân hữu cơ vi sinh), toàn bộ phân lân + 1/3 lượng Urê (tuỳ tính chất đất có thể bón hoặc không bón lót Urea). Riêng đất chua nên bón thêm 0,5-1 tấn vôi/ha, nên bón trước khi bón lót phân. Bón thúc lần 1: khi cây bắp có 4-5 lá thật (10-15 ngày sau gieo) bón 1/2 lượng đạm còn lại sau khi bón lót và 1/2 lượng kali. Để rễ tiếp xúc được phân nhanh nên rạch một rãnh nông 5 cm cách gốc hàng bắp 5 cm, rắc phân rồi lấp đất lại. Vì, rễ giai đoạn này chưa phát triển mạnh và không có tính hướng phân. Bón thúc lần 2: khi cây bắp có 9-10 lá (sau gieo 35-40 ngày), bón hết lượng phân bón còn lại (1/2 lượng đạm và 1/2 lượng kali còn lại). Thời điểm này chỉ cần rải đều phân theo hàng cách gốc 5 cm trên mặt đất rồi kết hợp vun gốc lấp phân. 
Một số loại côn trùng và bệnh gây hại chủ yếu trên bắp thường thấy: sâu xám (Agrotis ypsilon), sâu xanh (Heliothis armigera), sâu đục thân (Ostrinia furnacalis), rệp hay rầy mềm (Rhopalosiphum maydis). Các loại bệnh hại chính như: bệnh đốm vằn (Rhizoctonia solani), bệnh đốm lá lớn (Helminthosporium turcicum), đốm lá nhỏ (Helminthosporium maydis), bệnh bạch tạng (Sclerospora maydis), bệnh gỉ sắt (Puccinia maydis), bệnh virus khảm lá bắp, bệnh virus sọc lá... 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn