MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Con cái luôn là động lực to lớn để bố mẹ cố gắng - Ảnh:L.TUYẾT

Chắt chiu cho con cái Tết đủ đầy

Mỹ Uyên LDO | 06/01/2017 11:11
“Tết năm nay mẹ ở lại Sài Gòn nha con. Ra Tết mẹ về. Mẹ đã mua áo ấm mới, giày mới, mẹ sẽ sớm gửi về cho con” – chị Nga tắt cuộc điện thoại đã hơn 15 phút mà mắt còn đỏ hoe. Năm nay lại một cái Tết nữa chị không về, tất cả là để dành tiền, lo cho con một cái Tết đủ đầy hơn.

Chị Nga quê ở Hà Tĩnh, vào Nam làm công nhân đã được 5 năm. Trước khi vào Nam, chị đã có con gái 5 tuổi, cuộc điện thoại chị vừa gọi là gọi cho con gái. Năm nay, con gái chị lên 10, chị thường hay bảo “chắc con chị đã dậy thì, bao nhiêu điều bỡ ngỡ mà thương quá không có mẹ bên cạnh”. 5 năm vào Nam, chị về quê ăn Tết đúng một lần, còn lại chị đều ở lại Sài Gòn, ra năm, chị xin nghỉ phép về nhà vài hôm. 4 năm ăn Tết xa nhà, tưởng đã quen, ai ngờ, mỗi khi gọi điện về cho con gái, chị lại ngậm ngùi, mắt đỏ hoe, rồi cứ vậy mãi cho đến Tết, chị khó lòng vui được.
Còn nhớ, năm đầu tiên vào Sài Gòn, vì là năm đầu tiên xa nhà, nhớ con chịu không thấu nên chị quyết tâm về quê với con. Cơ mà về một năm là chị sợ. Chị bảo, tiền lương hàng tháng đã để dành để gửi về cho con và bố mẹ, đến khi nghỉ Tết, cả lương, thưởng được hơn 5 triệu, tàu xe hai lượt đã mất hơn một nửa. Về quê, thấy con gái, mẹ già co ro vì thiếu áo lạnh, chị khóc ngon lành. Bởi số tiền lương, thưởng còn lại nếu mua áo ấm thì không đủ sắm Tết, nếu sắm Tết thì mẹ và con chịu lạnh… Từ đó về sau, để tiết kiệm chi phí chị không về Tết mà để dành tiền sắm Tết cho con và mẹ già.
Đã quyết tâm rồi, đã ở lại Sài Gòn 4 năm rồi nhưng mỗi lần đến Tết, đi mua cho con cái áo, mua tặng mẹ cái khăn, lòng chị lại bồi hồi. Đi với mấy đứa em trong phòng, chị luôn mồm kể về con gái, về mẹ già, và cả mối tình mà anh với chị đã không may mắn được đi cùng với nhau hết đoạn đường… Mua được cái áo, đôi tất, cái khăn, chị lại tất tả ra bến xe gửi về quê. Có hôm xe Tết khó khăn, chị đón xe buýt xuống tận bưu điện trung tâm thành phố để gửi cho nhanh. Chị luôn nghĩ, chỉ cần áo về trễ một ngày, bà và cháu sẽ lạnh thêm.
Năm nào xóm trọ cũng có vài ba gia đình hoặc mấy phòng ở lại Sài Gòn ăn Tết. Giao thừa, chị em chúng tôi tụ tập lại một phòng trọ đầu dãy, nấu một vài món ăn, đứa nào tự hào về món ăn quê mình thì trổ tài nấu nướng, không thì bày biện, phụ dọn, liên hoan. Lúc đông vui nhất, chị em bật điện thoại gọi điện về cho gia đình, mở loa ngoài, nói chuyện oang oang để gia đình biết, chị em tôi ở lại Sài Gòn cũng vui vẻ, gia đình không phải bận tâm.
Năm nay chúng tôi quyết định sẽ làm tất niên trực tuyến các “đầu cầu” Hà Tĩnh, Bắc Giang, Cà Mau… mà điểm đặt là gia đình của mỗi đứa ở lại, gia đình sẽ thấy nhau. Chị Nga nghe chúng tôi bàn thì mừng lắm, chị vui ra mặt nhưng chị sực nhớ, nhà chị chẳng ai có điện thoại thông minh để có thể đón giao thừa “trực tuyến”. Nhìn chị buồn, tôi thương làm sao!
Cuối tuần tới, xóm trọ chúng tôi sẽ họp bàn tổ chức tiệc tất niên. Tôi sẽ mạnh dạn đề xuất hoàn cảnh của chị Nga và cái mơ ước về một cái điện thoại thông minh để chị và con gái đón giao thừa. Tôi nghĩ xóm trọ chúng tôi sẽ đồng ý ngay, trích một phần tiền, góp với chị để mua điện thoại, hy vọng, Tết năm nay, chị sẽ được nhìn thấy con gái khi giao thừa đến, thấy con mặc áo đẹp, do chính tay chị lựa chọn, nghĩ đến thế, lòng tôi đã thấy vui!  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn