MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
NLĐ là cán bộ CĐ được gia hạn HĐLĐ cho tới khi hết hạn nhiệm kỳ CĐ. Ảnh: NAM DƯƠNG

Có phải ký HĐLĐ với người cao tuổi?

Nam Dương LDO | 01/04/2018 14:42

Trong tuần qua, Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động nhận được một số câu hỏi liên quan đến chế độ thai sản, ký HĐLĐ với NLĐ cao tuổi, miễn giảm tiền điện với gia đình chính sách xã hội. Báo Lao Động trích đăng câu hỏi và trả lời.

Có được chấm dứt HĐLĐ với người đang nghỉ thai sản?

Bạn đọc có email lephienxxx@gmail.com gửi email đến Văn phòng Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động hỏi: Nhân viên A ký HĐLĐ từ 1.1.2017 đến 31.12.2017 và nghỉ thai sản từ 25.9.2017 đến 25.3.2018. Công ty muốn chấm dứt HĐLĐ với nhân viên này khi quay trở lại làm việc được không?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Cty của bạn hoàn toàn có thể chấm dứt HĐLĐ với NLĐ này từ thời điểm 31.12.2017, vì pháp luật hiện hành không bắt buộc NSDLĐ phải ký tiếp HĐLĐ với NLĐ đang có thai hay nuôi con nhỏ dưới 12 tháng. Tuy nhiên, xin lưu ý, khoản 6, điều 192 BLLĐ quy định: Khi NLĐ là cán bộ CĐ không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ CĐ mà hết hạn HĐLĐ thì được gia hạn HĐLĐ đã giao kết đến hết nhiệm kỳ. Theo quy định tại điều 5 Điều lệ CĐ Việt Nam hiện hành thì cán bộ CĐ gồm: 1. Cán bộ CĐ là người đảm nhiệm các chức danh từ tổ phó CĐ trở lên thông qua bầu cử tại đại hội hoặc hội nghị CĐ; được cấp CĐ có thẩm quyền chỉ định, công nhận, bổ nhiệm vào các chức danh cán bộ CĐ hoặc được giao nhiệm vụ thường xuyên để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức CĐ. 2. Cán bộ CĐ gồm cán bộ CĐ chuyên trách và cán bộ CĐ không chuyên trách. Cán bộ CĐ chuyên trách là người đảm nhiệm công việc thường xuyên trong tổ chức CĐ, được đại hội, hội nghị CĐ các cấp bầu ra hoặc được cấp có thẩm quyền của CĐ bổ nhiệm, chỉ định. Cán bộ CĐ không chuyên trách là người làm việc kiêm nhiệm, do đoàn viên tín nhiệm bầu vào các chức danh từ tổ phó CĐ trở lên và được cấp có thẩm quyền của CĐ công nhận hoặc chỉ định. Do đó, nếu NLĐ này đang là cán bộ CĐ mà hết HĐLĐ nhưng chưa hết nhiệm kỳ CĐ thì Cty bạn buộc phải gia hạn HĐLĐ với họ cho đến khi hết nhiệm kỳ CĐ.

Nghỉ việc vì thai yếu, có được hưởng chế độ thai sản?

Bạn đọc có email loanvuxxx@gmail.com gửi email đến Văn phòng Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động hỏi: Tôi đơn phương chấm dứt HĐLĐ và có đóng BHXH từ tháng 9.2017 đến tháng 2.2018. Bây giờ tôi có thai đươc 5 tháng, dự sinh vào tháng 7.2018, nhưng do thai yếu nên tôi phải nghỉ việc. Tôi có được hưởng chế độ thai sản không?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điều 31 Luật BHXH quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau: 1. NLĐ được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Lao động nữ mang thai; b) Lao động nữ sinh con; c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; d) NLĐ nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi; đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, NLĐ thực hiện biện pháp triệt sản; e) Lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con.

2. NLĐ quy định tại các điểm b, c và d, khoản 1 điều này phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. 3. NLĐ quy định tại điểm b, khoản 1 điều này đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. 4. NLĐ đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 điều này mà chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các điều 34, 36, 38 và khoản 1, điều 39 của luật này.

Dự kiến tháng 7.2018 bạn sinh con, tính ngược lại 12 tháng là tháng 8.2017. Trong khoảng thời gian này, bạn đã đóng BHXH được 6 tháng (từ tháng 9.2017 đến tháng 2.2018), do đó, bạn đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản.

Không cần ký HĐLĐ với người cao tuổi?

Bạn đọc có số điện thoại 0903210XXX gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961.360.559 hỏi: Mẹ tôi đã về hưu, đi làm thêm. Cty nơi mẹ tôi làm việc nói do mẹ tôi là người cao tuổi nên không cần ký HĐLĐ nữa. Như vậy có đúng không?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điều 167 BLLĐ 2012 quy định về sử dụng NLĐ cao tuổi như sau:1. Khi có nhu cầu, NSDLĐ có thể thoả thuận với NLĐ cao tuổi có đủ sức khỏe kéo dài thời hạn HĐLĐ hoặc giao kết HĐLĐ mới theo quy định tại chương III của bộ luật này. 2. Khi đã nghỉ hưu, nếu làm việc theo HĐLĐ mới, thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, NLĐ cao tuổi vẫn được hưởng quyền lợi đã thoả thuận theo HĐLĐ. 3. Không được sử dụng NLĐ cao tuổi làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ NLĐ cao tuổi, trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ. 4. NSDLĐ có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khoẻ của NLĐ cao tuổi tại nơi làm việc.

Như vậy, việc Công ty nơi mẹ bạn cho rằng do mẹ bạn là người cao tuổi nên không cần ký HĐLĐ khi nhận vào làm việc là không đúng. Cty và mẹ bạn vẫn phải thoả thuận và thực hiện các nội dung trong HĐLĐ, trừ việc phải đóng BHXH, BHYT, BHTN.

Mẹ 82 tuổi, nhà có được miễn tiền điện?

Bạn đọc có email doanphuxxx@gmail.com gửi email đến Văn phòng Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động hỏi: Mẹ tôi 82 tuổi, được hưởng bảo trợ xã hội. Mỗi tháng lượng điện sinh hoạt của gia đình khoảng 100 KWh. Gia đình tôi có được miễn giảm tiền điện không, hoặc giảm bao nhiêu?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điều 1, Quyết định 60/2014/QĐ-TTg quy định về tiêu chí hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện như sau: 1, Hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện quy định tại khoản 7, điều 3 Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ tiền điện là hộ có một trong những tiêu chí sau: a) Hộ có thành viên đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng không thuộc diện hộ nghèo theo quy định của pháp luật và có lượng điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt trong tháng không quá 50 KWh ở vùng có điện lưới; b) Hộ có thành viên đang hưởng trợ cấp xã hội theo quy định của pháp luật sống ở vùng chưa có điện lưới; c) Hộ đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng chưa có điện lưới. 2. Trường hợp hộ có nhiều thành viên hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng hoặc thuộc diện được hỗ trợ tiền điện theo các chính sách khác nhau thì chỉ được hưởng một mức hỗ trợ tiền điện cao nhất.

Do đó, gia đình bạn có được miễn tiền điện hay không còn phụ thuộc vào gia đình bạn có thuộc hộ nghèo không, có ở vùng có lưới điện hay không nữa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn