MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
BS Thái Hữu Dũng khám cho cụ ông 73 tuổi bị tắc lỗ rò vì chân nhang. Ảnh: K.Q

Cụ ông 73 tuổi sống chung với chân nhang dài 2 cm trong lỗ rò tai

Khương Quỳnh LDO | 25/06/2017 17:27
Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM vừa thực hiện phẫu thuật lỗ rò luân nhĩ cho một cụ ông 73 tuổi. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ phát hiện que chân nhang dài 2cm trong lỗ rò. Hóa ra, cụ ông đã sống với dị vật này hơn một năm trời.

Gặp họa vì dùng chân nhang ngoáy lỗ rò

“Làm việc ở Bệnh viện Tai Mũi Họng 37 năm trời, nhưng đây là lần đầu tiên tôi gặp một ca bệnh hiếm gặp như vậy” - BS CKII Võ Quang Phúc, Phó Giám đốc, Cố vấn chuyên môn của Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM thốt lên như vậy khi nói về ca bệnh của cụ ông 73 mới được phẫu thuật lỗ rò luân nhĩ.

Mới đây, cụ ông 73 tuổi (ở Long An) được đưa đến Bệnh viện Tai Mũi Họng vì có lỗ rò chảy dịch phía trước và sau tai phải, sưng tấy. Lỗ rò được xác định là rò luân nhĩ bẩm sinh theo dõi hở khe mang nên được chuyển đến điều trị tại Khoa Nhi Tổng hợp. BS CKII Thái Hữu Dũng - Phó Trưởng khoa Nhi Tổng hợp, Bệnh viện Tai Mũi Họng cho biết, qua thăm khám thấy bệnh nhân có một lỗ rò trước tai phải bẩm sinh. Đường rò của bệnh nhân thường xuyên gây tiết dịch hôi, ngứa ngáy xung quanh lỗ rò.

Cụ ông cho biết, vì lỗ rò thường xuyên gây ngứa nên nhiều năm qua, cụ ông có thói quen dùng chân nhang ngoáy cho “đã ngứa”. Tuy nhiên, một lần không may, chân nhang đã bị gãy và lọt vào phía sâu bên trong lỗ rò. Bệnh nhân để suốt 1 năm trời mà không can thiệp gì. Khoảng 1 tháng nay, phía trước và phía sau vành tai bệnh nhân chảy dịch hôi, sưng nề nên mới nhờ người nhà đưa đến bệnh viện.

Tại Bệnh viện Tai Mũi Họng, bệnh nhân được điều trị ổn định tình trạng nhiễm trùng. Sau đó, bác sĩ thực hiện phẫu thuật lấy đường rò luân nhĩ. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ phát hiện trong vùng mô xơ nhiễm trùng có dị vật chân nhang dài đúng 2cm và đường rò đi từ phía trước ra sau vành tai. Chính cây tăm nhang làm tắc đường rò khiến dịch không có chỗ thoát, tràn ra ống tai và xì ra phía sau tai.

Sau khi phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân ổn định. Tại bệnh viện, cụ ông 73 tuổi cho biết: “Hồi đó đến giờ chỗ rò lỗ tai tui ngứa lắm. Tui thường lấy chân nhang bỏ vô lỗ rò ngoáy cho đã ngứa. Bữa đó đang ngoáy, thằng cháu chạy lại xô vào tay nên cây chân nhang gãy nhưng tui cũng không nhớ. Hơn 1 năm qua tui sống với chân nhang trong tai mà quên mất sự tồn tại của nó”.

Lỗ rò luân nhĩ ở trẻ nhỏ bị bít tắc vì tích tụ dịch. Ảnh: H.H

 

Nên “chung sống hòa bình” với rò luân nhĩ

Theo BS Thái Hữu Dũng, lỗ rò luân nhĩ là dị tật bẩm sinh do khe mang thứ nhất khép không kín trong thời kỳ phôi thai, mang tính chất di truyền. Đây là lỗ nhỏ ở khu vực tai, thường gặp gờ tai, dái tai, vành tai… thường thấy ở 1 bên, rất ít người có lỗ rò ở cả hai tai. Thông thường, tỷ lệ có lỗ rò ở bé gái bị nhiều hơn bé trai.

Bên trong đường rò là một ống được lát bởi các lớp biểu mô, nang lông, tuyến mồ hôi, tuyến bã… nên ống này hay bị bít tắc gây nhiễm trùng, chảy nước hôi. Rò luân nhĩ hoàn toàn chỉ là vấn đề vệ sinh ngoài da, không ảnh hưởng đến thính lực, do đó, tốt nhất là nên “chung sống hòa bình” với lỗ rò. Nếu có lỗ rò luân nhĩ chỉ cần vệ sinh lỗ rò bên ngoài, tuyệt đối không dùng tăm, vật nhọn để ngoáy vào lỗ rò, không bóp, day ấn để lấy dịch. Theo thống kê, 1/3 bệnh nhân có lỗ rò không có triệu chứng và không cần điều trị, khi rò luân nhĩ đã nhiễm trùng thì phải bắt buộc phẫu thuật.

BS Võ Quang Phúc cho biết, đa phần những bệnh nhân có biến chứng lỗ rò luân nhĩ là trẻ em. Rất ít có trường hợp nào lớn tuổi như cụ ông 73 tuổi kể trên. Biến chứng lỗ rò chủ yếu đến từ việc chăm sóc không đúng. Bệnh nhân đã vô tình biến lỗ rò thành ổ chứa vi trùng gây nên những biến chứng buộc phải phẫu thuật.

Một số biến chứng lỗ rò điển hình là nhiễm trùng, áp xe, chảy mủ, biến dạng tai. Tùy mức độ mà có cách điều trị khác nhau, có thể phẫu thuật loại bỏ toàn bộ đường rò, tuy nhiên tỷ lệ tái phát có thể lên đến 45%. BS Thái Hữu Dũng cho biết, 80 – 90% trường hợp điều trị tại khoa Nhi tổng hợp đều đã trong tình trạng nhiễm trùng nặng, rò luân nhĩ biến chứng.

Trước khi phẫu thuật rò luân nhĩ, bệnh nhân phải được điều trị quá trình viêm và ápxe. Việc phẫu thuật rò luân nhĩ hiện nay khá đơn giản, vì đường rò nằm dưới da. Bệnh nhân trên 15 tuổi, phẫu thuật chỉ cần gây tê. Các bé nhỏ tuổi không hợp tác được thì buộc phải gây mê. Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể xuất viện ngay trong ngày.

Việc cần hay không cần phẫu thuật rò luân nhĩ phụ thuộc rất nhiều vào thói quen của bệnh nhân. Các bác sĩ khuyên bệnh nhân có lỗ rò tuyệt đối không nên nặn bóp hoặc dùng tăm bông đưa sâu vào đường rò. Cách tốt nhất để vệ sinh là dùng bông thấm nước muối sinh lý, nhẹ nhàng lau sạch dịch nhầy tiết ra bên ngoài lỗ rò. Nếu thấy lỗ rò có phản ứng viêm thì nên đến khám ở các chuyên khoa Tai mũi họng để được điều trị đúng cách. Tuyệt đối không tự điều trị ở nhà khi lỗ rò đã bị viêm. Theo thời gian, phản ứng viêm sẽ gây biến chứng áp xe, phẫu thuật giải quyết khối áp xe sẽ tạo ra những vết sẹo, gây mất thẩm mỹ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn