MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nghề chiếu Cẩm Nê - làng chiếu trứ danh phục vụ vua Nguyễn - được các nghệ nhân dệt để phục vụ khách tham quan trải nghiệm. Ảnh: Xuân Hậu

Đà Nẵng mang làng nghề đến gần với người dân, du khách

X.Hậu - N.Thuỳ LDO | 27/11/2017 07:04
Nước mắm Nam Ô, bánh tráng Tuý Loan, mộc Kim Bồng,... là những cái tên làng nghề nổi tiếng của xứ Quảng (cả tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng).

Thế nhưng nay không cần phải đi đâu xa, lặn lội về các thôn quê, hàng nghìn du khách và người dân Đà Nẵng có thể tận mắt nhìn và tham gia quá trình làm nên những sản phẩm truyền thống tại liên hoan làng nghề xứ Quảng ngay ở Đà Nẵng.

Trải nghiệm làng nghề xứ Quảng giữa lòng thành phố

Giữa tháng 11 vừa qua, “Liên hoan làng nghề truyền thống xứ Quảng năm 2017” đã diễn ra lần đầu tiên tại  khuôn viên sân vườn của Bảo tàng Đà Nẵng. Đây là hoạt động nhân kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam. Hàng nghìn du khách, các em học sinh, sinh viên tại đây đã được xem các nghệ nhân điêu khắc gỗ, dệt chiếu, đan nón,...

Quảng Nam – Đà Nẵng là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa truyền thống lâu đời. Những nét đặc sắc trong văn hóa lao động được nhiều người dân nơi đây đúc kết truyền qua các đời và dần dần trở thành nghề truyền thống. Dịp liên hoan lần này được xem là cơ hội để những làng nghề truyền thống ở Quảng Nam, Đà Nẵng tìm lại những giá trị văn hóa lâu đời đã đang dần mai một và cũng là nơi để công chúng tìm hiểu, khám phá những nét đẹp, giá trị văn hóa làng nghề.

Vượt hơn 100 cây số, mang những thành phẩm là niềm tự hào của làng nghề dệt thổ cẩm dân tộc Cơ Tu, huyện Nam Giang, Quảng Nam đến tham gia liên hoan, chị Nguyễn Thị Kim Hoa không giấu được niềm vui: “Chúng tôi mang đến buổi liên hoan những tấm vải thổ cẩm, những chiếc ví hoàn toàn làm bằng tay. Cả trang phục mà tôi đang mặc trên người hôm nay cũng là do tôi tự dệt thành”. Nhiều du khách thích thú với những chiếc túi được dệt bằng thổ cẩm. Các bạn trẻ còn tỷ mỷ hỏi chuyện những nghệ nhân để tìm hiểu cả văn hoá của họ.

Bên cạnh gian hàng chị Hoa, nhiều tấm chiếu được xếp ngay ngắn. Những chiếc chiếu được bày biện ở đây đều được làm ra từ bàn tay khéo léo của chị Dương Thị Thông, một trong số những người còn lưu giữ nghề làm chiếu truyền thống Cẩm Nê, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Chiếu Cẩm Nê nổi tiếng với độ dày nên nằm rất êm và rất bền.

Chị Thông chia sẻ: “Tôi đến đây từ rất sớm. Bà con trong nhà ai cũng động viên. Dù hơi cồng kềnh nhưng khung đan, các sản phẩm của mình tôi đều cố gắng mang đến làng nghề để mọi người được trải nghiệm”.

Ngay tại buổi khai mạc, có du khách đã trổ tài dệt chiếu tận 20 phút và hoàn thành một đoạn sản phẩm trong sự tán thưởng của nhiều người. Anh Hoàng, người dân Đà Nẵng chia sẻ: “Tôi đưa các con theo tham quan và các cháu rất thích. Từ chiếc nón, chiếc đèn lồng đến món bánh khô mè đều khiến chúng tôi thấy thú vị khi được nhìn thấy cả quá trình lao động của người dân quê mình”.

Tất bật đón các khách đến trải nghiệm công việc đan nón, chị Huỳnh Thị Lệ Huyền, người làng nón truyền thống Duy Xuyên, Quảng Nam cũng bộc bạch: “Làm ra cái nón truyền thống nhiều công đoạn và đòi hỏi kĩ thuật lắm. Người tham quan hay du khách chưa chắc làm được ngay nhưng mỗi công đoạn thì hoàn toàn có thể học nhanh, qua đó họ hiểu thêm về chiếc nón lá truyền thống người Việt”.

Phụ nữ Cơ Tu (Nam Giang, Quảng Nam) mang đến bảo tàng sản phẩm của nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Những chiếc khăn, túi đeo được chào bán khiến nhiều du khách thích thú ghé thăm. Ảnh: TT

Thêm cơ hội để phát triển làng nghề

Lưu giữ và phát triển các làng nghề truyền thống Việt Nam lâu nay là vấn đề khá nan giải khi chúng ta đang càng hội nhập, sản phẩm hàng hoá nhiều. Chị Hoa, chị Thông đều là những người được lớn lên với nghề và nuôi tình yêu mãnh liệt đối với nghề truyền thống của địa phương mình. Cả hai chị đều thừa nhận cuộc sống bộn bề những khó khăn với gánh nặng cơm áo gạo tiền, nhiều người trong làng đã bỏ nghề để làm công việc khác, riêng các chị vẫn bám trụ với mong muốn lưu giữ được cái nghề cha ông.

“Hiện nay, các làng nghề đang phải đối mặt vợi sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm mới. Điều này kiến cho các nghề truyền thống ở Việt Nam nói chung và xứ Quảng nói riêng không tránh khỏi mai một dần”, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện - Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng chia sẻ. Vì vậy, sự kiện “Liên hoan làng nghề truyền thống xứ Quảng năm 2017” được xem như một nỗ lực để mang những giá trị truyền thống đến gần hơn với giới trẻ và đồng thời mang sự truyền thống bắt kịp với nhịp sống hối hả hiện nay.

Bên cạnh các hoạt động về tham quan, giải trí, liên hoan còn là nơi quảng bá và nâng tầm uy tín thương hiệu làng nghề địa phương. Nhiều công chúng được biết đến với làng nghề là lại thêm cơ hội để làng nghề “thay da đổi thịt”.

Là người lưu giữ làng nghề chiếu Cẩm Nê, chị Thông vẫn luôn nhận được sự hỗ trợ và động viên của chính quyền địa phương với nghề làm truyền thống này: “Muốn gầy dựng lại làng chiếu thì không thể ngày một ngày hai được. Nhưng tôi cũng mừng lắm, địa phương quan tâm tôi mới có thể làm chiếu mà mang ra được ở chợ. Nhiều thì không nhiều, nhưng tôi thấy đó cũng là hy vọng cho làng nghề của mình. Một người khó nhưng nhiều người cùng cố gắng thì bảo tồn được thôi”.

Trong suốt những ngày diễn ra ngày hội các làng nghề, cùng với sự tham gia nhiệt tình của không ít du khách và người dân Đà Nẵng, các làng nghề đã thêm nhiều cơ hội để quảng bá mình hơn. Sự bảo tồn sẽ thật sự có hiệu quả khi những làng nghề có thể tồn tại cùng xu thế phát triển như việc thay đổi để phù hợp như dịch vụ du lịch trải nghiệm.

Với quyết tâm của những nhà bảo tồn, cùng sự nỗ lực ở chính những người dân thì đây một ngày không xa, các làng nghề truyền thống sẽ “sống” khoẻ và đồng hành cùng sự phát triển của đất nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn