MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Đàn bà lái xe thì đã sao?

Vi Lê LDO | 20/09/2016 13:00
Có lần, một anh bạn hỏi: “Sao nhà có xe mà em không học lái, có gì cũng chủ động, chả nhẽ đi đâu cũng nhờ chồng chở?”. Tôi cười bảo, tôi thích được người khác chở hơn, thích cảm giác được dựa dẫm, nương nhờ ai đó, thích được ai đó bảo bọc, chở che, nhất là cảm giác được người khác (nhất là người khác giới) mở cửa xe đợi sẵn thay vì hình ảnh đàn bà ngồi sau tay lái, trông… “gấu” thế nào. Anh bạn cười trầm tư: “Giá mà vợ anh được mềm mại một chút như em…”.

Tôi hơi bất ngờ, bởi anh đâu biết tôi cũng từng thích học lái xe, từng muốn trải nghiệm cảm giác ngồi sau vô-lăng trông mình “ngầu” thế nào và hơn hết thảy, cũng muốn xem mình có trở nên sành điệu hơn khi trở thành “tài nữ” nhưng rốt cục đành bỏ ý định vì không muốn căng thẳng khi phải cầm lái, lớp lo căng mắt nhìn đường sá, biển báo, lớp lo đối phó với những người chạy xe máy bạt mạng, chưa kể còn phải nơm nớp canh chừng các anh cảnh sát giao thông vốn rất tinh tường trong việc “trông mặt mà bắt hình dong” các tài xế lơ mơ, trong khi tôi thì ngán học thuộc Bộ luật Giao thông. Tôi thích cảm giác thảnh thơi, thư giãn mỗi khi lên xe, chỉ việc ngả lưng, lên mạng đọc báo, chát chít cho khỏe thân, đỡ… hại não!

Một anh bạn khác khoe, dù anh không khuyến khích nhưng sau khi hăm hở đi học lái, vợ anh cũng chỉ “thực hành” ở mức chở con đi học những khi anh bận chứ chẳng dám đi đâu xa hơn, vì… nhát và không thuộc luật. Rốt cục, tấm bằng lấy xong đành… xếp xó.

Một chị bạn kể, chồng chị vốn không thích chị học lái xe, cũng không rõ vì lý do gì. Tuy nhiên, sau lần anh bị tai biến mà đợi mãi xe cấp cứu mới đến, anh mới thay đổi thái độ và bảo vợ học lái để khi hữu sự có người lái “sơ-cua”. Mới hay, học lái xe với đàn bà không giống như… trang điểm, chỉ để làm đẹp là chính!

Không ít lần, tôi muốn nổi cáu mỗi khi chứng kiến một phụ nữ nào đó bị va chạm xe máy với người khác trên đường là y như rằng một ông/anh trai nào đó đang đứng gần liền lên tiếng ngay: “Thấy chưa, đàn bà chạy xe lúc nào cũng vậy, sợ nhất là chạy xe gần mấy bà!”, ngay cả khi vụ va chạm là do một gã đàn ông say xỉn hay một cậu thanh niên choai choai vừa liều lĩnh băng ngang đường, giọng điệu của họ cứ như thể phụ nữ mới là nguyên nhân gây ra mọi tai nạn xe cộ.

Đôi khi tôi tự hỏi, những người đàn ông không thích phụ nữ lái xe (hơi) kia nghĩ gì, lo sợ điều gì khi chiếc xe chỉ đơn thuần là một phương tiện để di chuyển, sợ vợ chân yếu tay mềm nên dễ gặp rủi ro, nguy hiểm hay họ “ngại” một điều gì khác khó gọi thành tên nhưng rõ ràng và có thật: Sợ bị vợ “trên cơ”, vợ qua mặt hay tệ hơn là vợ mạnh mẽ, tự chủ quá thì sẽ bớt lệ thuộc vào họ khiến vai trò trụ cột (về tinh thần, dĩ nhiên) trong gia đình của họ dần mờ nhạt đi? Nghĩ cũng thật buồn cười nếu đúng là họ “ngại” những điều này bởi tôi thật không hiểu tại sao việc lái xe lại được đánh đồng với quyền lực trong khi chiếc xe chỉ là một vật dụng vô tri không hơn không kém!

Tôi không đặt nặng việc phụ nữ hay đàn ông lái xe an toàn hơn vì phái nào cũng có điểm mạnh và điểm yếu riêng. Tuy nhiên, đáng tiếc là không chỉ trong suy nghĩ của các quý ông mà không ít phụ nữ cũng “hả hê” trong việc mỉa mai, thậm chí “lên án” phụ nữ lái xe khi cho rằng đàn bà con gái lái xe chủ yếu để “lấy le”, đua đòi, để theo kịp trào lưu, muốn chứng tỏ mình mà quên đi những tiện ích không hề nhỏ của xe hơi đối với phụ nữ khi đi đường: Tránh mưa nắng, tiện cho các trang phục tế nhị (váy, áo dài, quần short…), không ảnh hưởng các kiểu tóc, trang điểm, chở được nhiều (khi đi chợ), an toàn khi chở vài đứa con cùng lúc, không phải gồng lên như khi một mình dắt những chiếc xe máy nặng nề…

Thế nên, khi thấy một chiếc xe nào đó vô tình lướt qua trên đường mà sau vô-lăng là một bóng hồng, tôi không khỏi ngưỡng mộ người phụ nữ ngồi sau tay lái bởi cô ấy không chỉ mạnh mẽ để có thể điều khiển cả hộp sắt to oạch ấy theo ý mình mà còn là sự kiên cường khi cô ấy “lái” được cả người đàn ông của đời mình theo cách mà cô ấy muốn!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn