MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hết quý I/2017, nợ xấu của 10 ngân hàng (từ nhóm 3 đến nhóm 5) đã là 50.695 tỉ đồng. Ảnh PV

4 điểm nhấn đáng chú ý trong Dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu

H.M - Xuân Hải LDO | 22/05/2017 17:44
Ngày 22.5, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIV, dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu được trình lên Quốc hội. Các quy định được phép bán tài sản đảm bảo thấp hơn giá trị khoản nợ trước, kể cả bán nợ giá thấp hơn thì người bán không chịu trách nhiệm, mở rộng đối tượng mua nợ xấu… là những điểm đáng chú ý nhất tại dự thảo này.

Trong dự thảo Nghị quyết mới có 4 nội dung đáng chú ý: Dự thảo đưa ra những cơ sở, điều kiện để tháo gỡ những nút thắt quan trọng đang cản trở việc đẩy nhanh hoạt động mua bán nợ xấu.

Thứ nhất, về nguyên tắc, giá bán nợ và giá bán tài sản bảo đảm phản ánh giá trị thị trường tại thời điểm xử lý, giá đó có thể cao hoặc thấp hơn giá trị của khoản nợ trước đây. Quan trọng hơn, người bán theo đúng quy định pháp luật, kể cả việc bán thấp hơn giá ghi số thì người bán không phải chịu trách nhiệm. Người gây ra hậu quả dẫn tới nợ xấu vẫn phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật.

Thứ hai, về đối tượng mua bán nợ xấu. Mở rộng đối tượng được mua nợ xấu VAMC bao gồm pháp nhân, cá nhân không có chức năng mua, bán nợ. Việc mở rộng này được kì vọng sẽ giúp thị trường mua bán nợ hình thành và hoạt động hiệu quả. Trước đây, VAMC mua được nợ xấu từ các TCTD, nhưng không thể bán nợ cho bên thứ ba (ngoài DATC, AMC của các TCTD), nếu bên thứ ba không đăng kí kinh doanh về ngành nghề mua bán nợ.  

Thứ ba, dự thảo nghị quyết khẳng định và đảm bảo cho quyền thu giữ tài sản đảm bảo của các TCTD. Thực tế các vụ việc qua tòa án liên quan đến nợ xấu được ngành ngân hàng thống kê lại mất tới hai năm. Thêm vào đó, nếu được thông qua, nghị quyết cho phép áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản đảm bảo. Từ đó, kỳ vọng nghị quyết mới giúp rút ngắn thời gian và chi phí đối với các TCTD trong quá trình xử lý nợ xấu.

Thứ tư, dự thảo đề cập cơ chế hỗ trợ phân bổ lãi dự thu, chêch lệch khi bán khoản nợ xấu của TCTD. Cụ thể, dự thảo mở ra hướng hỗ trợ, cho phép phân bổ số lãi dự thu đã ghi nhận của các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng của tổ chức tín dụng chưa thoái theo quy định giãn ra trong lộ trình không quá 10 năm.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các TCTD, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, cần giới hạn phạm vi các khoản nợ xấu và đề nghị thời điểm xác định các khoản nợ xấu cần xử lý đến ngày 31.12.2016. Đối với các khoản nợ tiềm ẩn có thể trở thành nợ xấu, chiếm 4,56%, chủ yếu các khoản nợ đã được TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, Ủy ban Kinh tế đề nghị giao Ngân hàng Nhà nước tiến hành các biện pháp cần thiết để hạ thấp và chỉ đạo các tổ chức tín dụng quyết liệt thu hồi. Trường hợp các khoản nợ trên thành nợ xấu, cho phép áp dụng nghị quyết để xử lý.

Theo tờ trình của Chính phủ, đến 31.12.2016, tỉ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý chiếm 5,8%, nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, thì chiếm 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế. 

Thống kê kết quả kinh doanh chỉ riêng 10 ngân hàng bao gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, MB Bank, VIB, Sacombank, Eximbank, Techcombank, Kienlongbank, BacABank tính đến hết quý I/2017 cho thấy tổng nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5) đã là 50.695 tỉ đồng, tăng 6% so với cuối năm ngoái.

Sacombank là ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu cao nhất trong số các ngân hàng niêm yết hiện nay với 4,89%. Đứng thứ hai là Eximbank với khoảng 3%. BIDV là “ông lớn” duy nhất nằm trong top 3 có tỉ lệ nợ xấu cao với 2,14%, đồng thời cũng tăng so với con số 1,99% vào cuối  năm 2016.

Tin bài liên quan

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn