MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Để không thiệt hại lúc lũ cao đổ về

Lê Quốc Phong LDO | 24/06/2017 14:00
Vụ Thu Đông ở ĐBSCL, hàng năm dù lũ về ít hoặc nhiều thì các cơ quan nông nghiệp địa phương cũng như bà con nông dân đều chuẩn bị phương án sạ lúa né lũ, để tránh thiệt hại không đáng có. Rút kinh nghiệm những năm bình thường lũ cao đổ về vào khoảng tháng 9 dương lịch trở đi, lúc này lúa ở An Giang, Đồng Tháp, Bắc Long An... nếu chưa gặt kịp thì bà con chạy lũ rất vất vả.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, một phần do biến đổi khí hậu, phần do nhiều đập cao ở thượng nguồn nên nước đổ về ĐBSCL rất ít và trễ, như năm 2016 lũ về khá trễ và thấp hơn nhiều so với các năm trước đó. Vụ Thu Đông năm nay được cảnh báo là lũ có khả năng về sớm, mức lũ có thể không cao. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu nên khó dự đoán được chính xác, vì vậy bà con vẫn phải chủ động.

Thực tế các năm cho thấy, những vùng có đê bao cải tiến (đê bao kín nhưng có cống để chủ động cho nước ra, vào thì dù lũ cao vẫn yên tâm, những nơi không có đê bao mà mặt ruộng thấp thì rất bấp bênh. Vì vậy, bà con nên làm theo khuyến cáo của địa phương để không bị thiệt hại lúc lũ cao đổ về. Bà con cần kết hợp kinh nghiệm các năm gần đây và lấy mốc đỉnh lũ cao để quyết định khu vực nào nên gieo sạ, khu vực nào nên tận dụng trồng cây màu ngắn ngày để vừa có thêm thu nhập vừa không lo lắng về lũ.

Đặc điểm của vụ Thu Đông là vừa thu hoạch vụ Hè Thu sớm vừa làm đất gieo sạ nên bà con chú ý xử lý đất và gốc rạ để hạn chế ngộ độc hữu cơ. Theo kết quả nghiên cứu của GS Nguyễn Bảo Vệ, đất phải được cày ải phơi ruộng ít nhất là 3 tuần thì mới tránh được ngộ độc hữu cơ. Vì vậy, những ruộng vừa thu hoạch xong vụ trước mà phải làm đất gieo sạ ngay thì cần phải phun nấm trichodenma kết hợp bón thêm vôi bột và phân lân rồi cày vùi, bừa trục thật kỹ mới sạ. Một số bà con đốt đồng, rơm rạ chưa cháy hết, không làm đất mà sạ thẳng cũng cần bón thêm vôi và tăng cường bón thêm lân nung chảy, để cây lúa có khả năng vươn nhanh. Ở những vùng có loại phân Đầu Trâu hạ phèn thì bà con nên bón từ 30-50kg/công rồi cày trục kỹ để sạ, không nên sạ quá dày, chỉ cần sạ mức trung bình khoảng 10kg/công mà lúa vẫn lên tốt, năng suất cao.

Việc bón phân cho lúa sau sạ, theo tài liệu tổng kết 3 năm liên tục của 13 tỉnh ĐBSCL trong chương trình ''sản xuất lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu" thì nơi nào sử dụng loại phân Đầu Trâu TE-A1 và TE-A2 bón cho cây lúa thì nơi đó tiết kiệm được 30% chất N năng suất cao hơn ruộng sử dụng các loại khác bình quân từ 400-500kg thóc/ha lợi nhuận cao hơn bình quân từ 3,5-7 triệu đồng/ha, có vùng trên 11 triệu đồng/ha. Vụ Thu Đông tuy có những diễn biến khó lường do biến đổi khí hậu, nhưng nếu bà con có sự chuẩn bị tốt, biết cách sạ né lũ và chuyển đổi trồng cây màu ngắn ngày ở vùng thấp và tuân thủ theo khuyến cáo của cơ quan nông nghiệp địa phương thì bà con có thể yên tâm để chờ một mùa bội thu.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn