MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thuốc Đông y được bày la liệt bên trong nhà một hộ dân ở Ba Vì. Ảnh: P.Đ

Quản lý thuốc đông y đang bị bỏ ngỏ

LONG NGUYỄN - PHẠM ĐÔNG LDO | 04/08/2018 15:26

Theo ông Lê Văn Cuông - nguyên Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, tình trạng buông lỏng quản lý trong việc buôn bán đông y là rất nghiêm trọng. Thanh tra ngành y tế cần phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nếu nghiêm trọng cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hết sức nghiêm trọng

Liên quan đến vấn đề các cửa hàng thuốc đông y không phép tồn tại đã lâu nhưng không bị xử lý, những người hành nghề y không có chứng chỉ hành nghề và cả những người mạo danh là lương y để bán thuốc chữa bệnh mà Báo Lao Động vừa có loạt bài phản ánh. Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Lê Văn Cuông - nguyên Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho biết, vi phạm trong vấn đề thuốc đông y rất nghiêm trọng vì nó liên quan đến sức khỏe, tính mạng của con người.

“Có một thực tế là lâu nay Nhà nước buông lỏng quản lý về vấn đề này. Vẫn còn nhiều cơ sở khám chữa bệnh chui, không có giấy phép, không đăng ký và nộp thuế. Gây ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhân. Nhiều nơi vẫn xuất hiện tình trạng giả danh thầy lang để lừa người bệnh, làm cho tình hình càng phức tạp. Tình trạng này xảy ra ở nhiều nơi, Nhà nước vẫn xử lý nhưng chưa triệt để được” - ông Cuông nói.

Nói về những thông tin quảng cáo mang tính lừa dối không đúng sự thật, mị dân khiến người dân tin tưởng thì ông Cuông cho rằng, để xảy ra những vấn đề này trách nhiệm thuộc về các cấp chính quyền nói chung và cán bộ ngành y tế nói riêng. Vấn đề này đã được Quốc hội cũng như Hội đồng Nhân dân các cấp qua những lần giám sát, ý kiến cử tri phản ánh cần có biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn, chấm dứt vấn đề này trong hoạt động khám chữa bệnh.

Cần xử lý nghiêm

Ông Cuông cho biết, cần tăng cường các hoạt động thanh tra chuyên ngành, hoạt động giám sát, kiểm tra của cơ quan chức năng. Phải xử phạt nghiêm những cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân. Nếu vi phạm nghiêm trọng cần phải truy tố trước pháp luật, không thể phạt cho có lệ hoặc buông lỏng quản lý.

“Nếu cán bộ cơ sở, thanh tra chuyên ngành phụ trách địa bàn để xảy ra tình trạng cửa hàng đông y không phép, người khám chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề thì những cán bộ đứng đầu ở những đơn vị phải chịu trách nhiệm. Phải có chế tài xử lý riêng chính quyền cơ sở, nơi để xảy ra các vi phạm trong lĩnh vực y dược. Phải quy trách nhiệm cho thanh tra ngành y tế trên địa bàn được phân công, đặc biệt là những người đứng đầu” - ông Cuông bày tỏ.

Cũng nói về vấn đề này, đại tá Phạm Trường Dân - nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho rằng, ngành y tế cần thắt chặt kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Bởi lẽ hiện tại vẫn còn rất nhiều sai phạm, những hoạt động ngoài luồng, không có sự kiểm soát của Nhà nước, của ngành y tế.

“Lỗi này trước hết thuộc về ngành y tế vì đang để xảy ra nhiều sai phạm. Việc kiểm tra xử lý vi phạm là của ngành y tế, chứ không phải của Công an. Công an chỉ vào cuộc khi xảy ra sai phạm nghiêm trọng, phải xử lý về mặt hình sự. Bên cạnh đó, khi xử lý cũng cần phải có giám định của ngành y tế, chứng minh thuốc đông y vi phạm đến mức độ nào, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng” - đại tá Dân nói.

Theo đại tá Dân, thanh tra ngành y tế cần phải mạnh tay hơn nữa với những người hành nghề đông y không có chứng chỉ hay không được cấp phép. Cần nâng mức phạt cao hơn nữa mới làm giảm được các vi phạm, công khai những trường hợp vi phạm để người dân cùng biết, cùng tránh.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, theo quy định tại Luật Khám chữa bệnh năm 2009, đối với các cơ sở khám chữa bệnh hoạt động không phép thì theo quy định tại khoản 6 Điều 29 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế thì mức xử phạt trong trường hợp này là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng và bị đình chỉ hoạt động từ 6 đến 12 tháng.

Cụ thể, đối với cá nhân hành nghề không có chứng chỉ, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động trong thời hạn từ 3 tháng đến 6 tháng theo quy định tại khoản 5, khoản 7 Điều 28 Nghị định 176/2013/NĐ-CP.

Điều 28 Nghị định 176/2013/NĐ-CP: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với việc hành nghề không có chứng chỉ hành nghề. Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động trong thời hạn từ 3 tháng đến 6 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 5.

Điều 29 Vi phạm quy định về điều kiện hoạt động và sử dụng giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động trong thời hạn từ 6 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 6 Điều này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn