MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bao giờ học sinh nơi đây được học bài dưới ánh điện quốc gia? Ảnh: H.T

Dự án đi qua, dân vẫn mỏi mòn chờ... điện

T.Lâm - H.Thu LDO | 16/06/2017 11:59
Nằm cạnh QL 15A, cách trung tâm huyện chỉ hơn 4km, nhưng 500/1.384 hộ với khoảng 2.500 nhân khẩu ở xã Tân Phúc (huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa) ngày ngày vẫn đang trông chờ ánh điện của Nhà nước. Những trụ điện của dự án đứng trơ trơ 6 năm qua trước cảnh đèn dầu tăm tối của người dân.

Mỏi mòn vì… điện

Chúng tôi về Tân Phúc vào giữa tháng 5 để được “mục sở thị” câu chuyện “lạ” nơi đây. Cách trung tâm huyện không xa nhưng bao năm qua 5/5 thôn, bản của xã Tân Phúc hàng ngày đang phải sống trong cảnh không điện, đường, và nước sinh hoạt. Theo chân cán bộ xã, chúng tôi dừng lại ở thôn Tân Biên -thôn xa nhất của xã giáp với xã Văn Nho (huyện Bá Thước) đến bây giờ vẫn chưa có điện lưới quốc gia để sử dụng. Dù cách trung tâm xã chỉ khoảng 8km, nhưng phải mất hơn 1h mới vào được đến nơi. Quệt ngang mồ hôi nhễ nhại trên trán, nhìn con đường gập ghềnh đá sỏi lẫn đất đỏ, ông Lê Văn Phú – Phó Chủ tịch UBND xã trần tình: “Mấy năm trước muốn vào đây là phải đi bộ. Trời nắng còn đỡ, trời mà mưa không biết khi nào mới vào được đến đây. Thương nhất là các cháu học sinh ngày nào cũng phải đạp xe hơn chục km để được đến trường. Có nhiều hôm trời mưa, đường lầy lội không thể đi được lại phải bỏ học”.

Bên những con đường ngổn ngang đất đá, lẫn trong những khóm luồng xanh mướt là những cây cột điện đứng ngạo nghễ. Cỏ và đủ các loại dây leo chằng chịt trên cột, chỉ duy nhất cái cần là dây điện thì chưa bao giờ được mắc. Nhìn hàng cột điện đứng trơ đó, anh Hà Văn Chất – thôn Tân Biên buồn rầu nói: “Từ năm 2007 – 2009, thực hiện dự án cho các xã nghèo (dự án 30a), Nhà nước đã đầu tư 32 cây cột điện kéo dài hơn 4km qua các thôn: Tân Sơn, Tân Cương và Tân Biên. Bà con ai cũng vui mừng, phấn khởi vì điện sắp về, thế nhưng không hiểu vì lý do gì đến giờ cột vẫn đứng trơ đó mà không có đường dây chạy qua”. Anh Chất cho biết: “Ngày nào cũng phải nấu cơm từ lúc 4h chiều. Ăn sớm để cho khỏi phải thắp đèn dầu, vừa tối vừa tốn kém. Chúng tôi sống ở đây từ nhỏ, lớn lên rồi lập gia đình, sinh con, đẻ cái mà đến giờ vẫn chưa có điện. Cuộc sống vất vả, tối tăm, giờ chỉ mong có điện để thay đổi cuộc đời”.

Câu chuyện với anh Chất vừa dứt cũng là lúc trời nhá nhem tối. Lác đác một vài nhà, mấy chiếc bóng đèn phát ra một thứ ánh sáng yếu ớt. Quanh đó, những đèn dầu ở những hộ khó khăn hơn cũng được thắp lên. Như thấy được sự băn khoăn của chúng tôi, ông Hà Ngọc Trí - Trưởng thôn chia sẻ: “Cả thôn có được vài gia đình có điện, nhưng không phải điện lưới quốc gia. Những hộ gia đình này là họ dùng máy tua-bin. Tuy nhiên, các bóng đèn cũng chỉ sử dụng được một thời gian ngắn thì lại bị cháy bởi nguồn điện chập chờn, còn gia đình nào có ti vi, loa đài cũng đành bỏ không vì điện quá yếu”.

Đến thăm gia đình anh Hà Dương Hưng khi đang chuẩn bị bữa cơm tối, căn nhà tuềnh toàng của vợ chồng anh càng trở nên hiu hắt dưới ngọn đèn dầu. Anh Hưng tâm sự: “Một số thôn ở xã Tân Phúc đã có điện hơn chục năm nay rồi. Nhưng những người dân các thôn Tân Biên, Tân Cương, Tân Tiến, Tân Bình, Tân Thủy chưa một ngày nào được hưởng niềm vui của điện lưới quốc gia”. Cuộc sống của bà con nơi đây quanh năm chỉ nhờ vào lúa, ngô, khoai, sắn… đường sá đi lại khó khăn nên cái đói, cái nghèo lúc nào cũng bủa vây lấy họ. Đến nước cũng không có uống bởi đất ở đây chủ yếu là sỏi đá, nên sức người cũng chỉ đào được 3 - 5m. Muốn khoan giếng thì phải có điện nên người dân đành chịu. Thế là từ năm này sang năm khác, họ chắt nước từ các con suối để uống. “Biết là nước suối từ nguồn đổ về chắc chắn là ô nhiễm, trời mưa thì đục ngầu, nắng thì cạn khô, nhưng không lấy nước ở đây thì biết lấy ở đâu”, chị Lê Thị Lý - thôn Tân Biên buồn bã nói.

Hiện tại, một số hộ dân ở các thôn như: Tân Bình, Tân Tiến, Tân Thủy tự bỏ tiền kéo đường dây với khoảng cách từ 1 đến 2km ở thôn khác về sử dụng. Thế nhưng, do khoảng cách quá xa nên cường độ dòng điện không đảm bảo, vì vậy ngoài việc dùng để thắp sáng thì hầu như người dân không thể sử dụng điện vào việc gì khác. Bên cạnh đó, cột điện là những cây luồng, cây gỗ chỉ cao quá đầu người, dây điện kéo chằng chịt nhiều đoạn thắt, nối không được bọc kín lại chịu tác động của thời tiết nên tình trạng đứt dây, chập cháy và mất điện thường xuyên xảy ra. Một người dân cho biết: “Vào những ngày mưa bão, cột điện đổ gãy là chuyện rất bình thường. Trước đây, đã có người phải nhập viện cấp cứu vì bị điện giật rồi”.

Đội đèn pin soi ếch để nấu cơm.

 

Chờ đến bao giờ?

Thầy Lê Công Quảng – Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Phúc II, cho biết: “Các em học sinh ở đây phải sống biệt lập với thế giới bên ngoài. Bởi có tới 70% các em phải học bằng đèn dầu nên việc tiếp cận với thông tin là điều không thể. Chỉ mong Nhà nước quan tâm đầu tư để bà con nơi đây bớt khổ”. Em Hà Thị Cúc - lớp 5B, Trường tiểu học Tân Phúc II, tâm sự: “Nhà em không có máy thủy điện, nên hôm nào ngại học bằng đèn dầu thì em phải đến nhà các bạn có điện để học nhờ. Giờ em chỉ mong điện sớm về với thôn, bản để chúng em được học tập và vui chơi thôi”. Cô bé hồn nhiên chia sẻ với chúng tôi rồi chợt hỏi: “Tới bao giờ nhà cháu có điện hả chú?”. Tôi thực sự lúng túng trước câu hỏi của Cúc. Tôi đã lảng tránh. Giá như tôi có thể trả lời. Ngay lúc đó, chúng tôi nghĩ sẽ tìm đến người có trách nhiệm tìm câu trả lời cho Cúc.

Chị Lê Thị Lý - thôn Tân Biên buồn bã nói: “Những năm trước thấy nhà nước đi đo đạc rồi chôn cột, ai cũng vui mừng vì sắp được dùng điện. Nhưng chờ mãi, gần chục năm rồi mà đến giờ vẫn vô vọng… Do không có điện sinh hoạt nên mọi hoạt động của chúng tôi đều rất khó khăn, khổ nhất là vào mùa hè, thời tiết nắng nóng phải dùng quạt tay, mọi sinh hoạt vào buổi tối phải dùng bằng đèn pin, hoặc đèn dầu. Chỉ thương các cháu học sinh thôi…”, chị Lý chia sẻ. Không điện, đồng nghĩa với việc không được sử dụng các thiết bị điện, cuộc sống của người dân vốn đã lạc hậu lại càng thêm tụt hậu. Người dân dường như cách ly hẳn với thế giới bên ngoài bởi không có ti vi nên các thông tin thời sự cũng mù tịt; không cập nhật những kiến thức khoa học tiến bộ để áp dụng trong sản xuất; đời sống giải trí tinh thần càng nghèo nàn, chuyện học hành của con trẻ cũng hết sức khó khăn.

ông Lê Văn Phú – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: “Trong các cuộc họp, những lần tiếp xúc cử tri, rồi bao nhiêu văn bản trình lên các cấp có thẩm quyền về việc kéo điện, khoan giếng nước cho bà con nhân dân trong xã nhưng đến nay vẫn chưa được. Chỉ mong có điện để cho cuộc sống của bà con đỡ đói nghèo, cơ cực”. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Đức Tiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh (tỉnh Thanh Hóa) cho biết: “Dự án điện này là nguồn tiếp dư của dự án 30a cho các xã 135 (xã nghèo của cả nước), được chọn 5 công trình/5 xã (Giao An, Quang Hiến, Tân Phúc, Đồng Lương, Giao Thiện) mỗi công trình 300 triệu, các xã tự lựa chọn công trình nhưng chỉ có Giao An và Quang Hiến là đóng điện được. Riêng công trình điện ở xã Tân Phúc theo thiết kế dự toán hơn 1 tỷ đồng nên khi dựng xong cột thì cũng hết kinh phí. Vì vậy, các nhà thầu dừng lại từ năm 2009 đến nay. Chúng tôi cũng đã cùng với Sở Điện lực Thanh Hóa, báo cáo với Hội đồng nhân dân tỉnh nhưng vẫn chưa có hướng nào giải quyết” - ông Tiến phân trần.

Hình ảnh những em bé chụm đầu quanh cái đèn dầu hay đội đèn pin học bài, và câu hỏi “bao giờ nhà cháu có điện?” của bé Cúc vẫn khiến chúng tôi day dứt mãi. Ông Lê Đức Tiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh (tỉnh Thanh Hóa) cũng không biết câu trả lời. Hy vọng lãnh đạo cao hơn của tỉnh Thanh Hóa sẽ sớm biến câu hỏi của Cúc thành hiện thực. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn