MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Dứa hay khóm đều dễ trồng

Lê Quốc Phong LDO | 08/09/2017 06:31

Khóm hay còn gọi là Dứa, hoặc Thơm dù cùng một giống nhưng có sự khác biệt nhất định. 

Khóm thường không có gai nhọn, quả to, quả cũng hơi nhọn đầu, khi chín có màu vàng nhưng nhạt hơn cây Dứa hoặc Thơm. Dù ngoại hình và chất lượng có khác nhau nhưng về đặc tính nông học, tính chống chịu điều kiện ngoại cảnh hay sâu bệnh thì không khác nhau.

Về chất lượng thì Thơm (Dứa) thường có chất lượng ngon hơn, tỷ lệ đường cao hơn nên hay dùng để ăn sống. Khóm dùng cho chế biến công nghiệp tốt hơn. Ngày nay, Dứa là nguyên liệu được sử dụng rộng rãi dưới nhiều kiểu khác nhau như làm nước giải khát, ăn sống, đóng hộp, làm mứt.... và dùng để xuất khẩu nên cần số lượng ngày càng nhiều.

Cây Dứa có thể trồng được trên nhiều loại sinh thái, đất bằng, phù sa, bạc màu, phèn mặn, cho đến đất cát vùng ven biển và thậm chí trồng được trên cả vùng núi trọc có độ dốc khác nhau. Trồng xen dưới tán dừa, vườn tiêu, cà phê... Tuy Dứa có tính phổ cập và tính thích nghi rộng, nhưng cũng tuân theo quy luật chung là đất tốt, môi trường phù hợp vẫn là điều kiện tối ưu để cho năng suất cao và chất lượng tốt.

Dứa có khả năng chịu đựng được điều kiện môi trường khắc nghiệt tốt hơn nhiều cây khác nên ở ĐBSCL đất phèn nặng hoặc nhẹ đều dành cho cây Dứa, do đó Dứa trồng phổ biến ở Tân Phước (Tiền Giang) vốn là rốn phèn của tỉnh. Dứa trồng khá nhiều ở Kiên Giang, cả Vùng U Minh Thượng hay ở Hậu Giang, Cà Mau.

Nhờ khả năng chịu đựng điều kiện ngoại cảnh tốt nên ở vùng đất phèn, Dứa trở thành là vua của các loại cây cho sản lượng cao kỷ lục. Sau 8-10 tháng trồng, Dứa có thể cho tổng năng suất sinh khối từ 80-100 tấn/ha. Riêng quả Dứa ít nhất cũng từ 18-20 tấn và năng suất cao lên đến trên 50 tấn/ha.

Để có năng suất cao, Dứa cũng lấy đi một lượng chất dinh dưỡng khá lớn, nên Dứa cần đáp ứng kịp thời các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối. Nếu không đáp ứng đầy đủ các chất dinh dưỡng thì đến vụ thứ 2 năng suất sẽ giảm, vì năm đầu Dứa lấy đi nhiều chất kể cả các loại chất ở dạng hữu cơ.

Nếu bà con vùi thân lá trong đất thì vẫn cần bón 20-50 tấn phân chuồng các loại cùng 1-2 tấn vôi/ha. Nếu dùng phân đơn thì bón lót 500-600kg phân lân, bón thúc các loại Ure, Kali và trung vi lượng, với số lượng gấp 3-4 lần bón cho lúa, hoặc tiện lợi hơn bà con nên chọn dùng các loại phân chuyên dùng để giảm lượng bón, giảm công lao động mà vẫn đạt được năng suất như ý muốn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn