MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nữ bệnh nhân được điều dưỡng chăm sóc chu đáo sau ca mổ tim (ảnh H.V).

Khi bác sĩ mổ cho bệnh nhân bị nhiễm HIV

Hà Vũ LDO | 27/02/2017 18:18
Biết bệnh nhân bị HIV, thế nhưng, trước tính mạng bệnh nhân đang bị đe dọa, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy không ngần ngại bắt tay vào ca mổ cứu sống bệnh nhân.

“Miễn bệnh nhân không từ chối bác sĩ”

Đầu tháng 1, các bác sĩ khoa Hồi sức Phẫu thuật Tim tiếp nhận một bệnh nhân nữ 47 tuổi trong tình trạng khó thở, ho ra máu, viêm phổi, sốt 39 độ kèm theo tình trạng hẹp van 2 lá nặng. Thấy thể trạng bệnh nhân hơi gầy, các sĩ cho bệnh nhân làm các xét nghiệm và test nhanh HIV. Kết quả dương tính.

Bác sĩ Nguyễn Thái An – Trưởng khoa Hồi sức Phẫu thuật Tim, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, để việc tiếp xúc trực tiếp dao kéo với bệnh nhân, nguy cơ lây nhiễm HIV với người phẫu thuật sẽ rất lớn. Chỉ cần một thao tác sơ suất, các bác sĩ tham gia phẫu thuật có thể bị phơi nhiễm. Tuy nhiên, tình trạng hở van tim của bệnh nhân này quá nặng, nếu không phẫu thuật, bệnh nhân khó lòng vượt qua.

Vì bệnh nhân bị bệnh truyền nhiễm nên ca mổ dựa trên tinh thần tự nguyện của các bác sĩ. Không một bác sĩ nào trong khoa ngần ngại. Cuối cùng, BS An cùng 2 bác sĩ thực hiện ca mổ này: “Tôi chỉ nghĩ rằng ai cũng có số hết rồi. Chỉ cần ê-kíp phòng ngừa và tuân thủ các quy định chống lây nhiễm. Trước đây, các bác sĩ của Bệnh viện cũng đã trải qua không ít ca phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân có HIV mà không biết. Huống chi, trong tình huống này, chúng tôi đã biết trước và có phương án phòng ngừa”.

Thế nhưng, khi các bác sĩ đã chuẩn bị tâm lý thì người nhà và cả bệnh nhân lại khá ngần ngại. Các bác sĩ tư vấn và giải thích  thể trạng bệnh nhân, ưu điểm, nhược điểm của việc phẫu thuật và không phẫu thuật như thế nào để bệnh nhân và gia đình cùng hiểu. Ban đầu, chính gia đình và cả bệnh nhân đều sốc vì kết quả xét nghiệm dương tính HIV. Sau hơn 1 tuần, gia đình bệnh nhân mới đồng ý lên bàn mổ để thay van tim. “Nghe đến HIV thì nhiều người sợ. Chính gia đình bệnh nhân cũng lâm vào nỗi sợ đó. Suốt quá trình chờ đợi, các bác sĩ cố gắng làm sao cho gia đình hiểu rằng, HIV vẫn có thể giải quyết về lâu dài được nhưng bệnh tim nếu không can thiệp bệnh sẽ diễn biến nhanh, nguy hiểm đến tính mạng” - BS Nguyễn Thị Thanh Hà, bác sĩ trong ê-kíp mổ chia sẻ.

Các bác sĩ khoa Hồi sức Phẫu thuật Tim, dưới chỉ đạo của trưởng khoa, luôn làm việc với tiêu chí “miễn bệnh nhân không từ chối bác sĩ, chứ bác sĩ sẽ không bao giờ từ chối bệnh nhân”. Ca mổ diễn ra thuận lợi. Bệnh nhân có chế độ khử trùng và chăm sóc riêng. Sau mổ hai tuần, bệnh nhân khỏe mạnh xuất viện và được các bác sĩ động viên tiếp tục điều trị HIV.

Nếu ai cũng sợ thì bệnh nhân phải làm sao?

Trong ê-kíp 3 bác sĩ phẫu thuật tim cho bệnh nhân, BS Lê Kim Cao còn khá trẻ, đang là bác sĩ nội trú thực tập tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Đối với BS Cao, ca mổ tim cho bệnh nhân HIV đầu tiên này là một kỷ niệm đáng nhớ trong nghề: “Tôi đưa ra quyết định sẽ mổ dù bệnh nhân có HIV. Lúc đó, bác sĩ An - Trưởng khoa nói vì đây là trường hợp đặc biệt nên dựa trên tinh thần tự nguyện chứ không chỉ định người mổ như thông thường. Tôi cũng xung phong vào phẫu thuật. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ rằng vì bệnh nhân cần mình. Hơn nữa, tôi nghĩ nên đặt mình vào vị trí người nhà bệnh nhân. Nếu đây là người thân của mình thì việc phẫu thuật sẽ không còn có gì lo lắng quá. Nếu lỡ không may kim chọc vào tay hay dao cắt trúng thì mình điều trị phơi nhiễm vẫn được”.

Tư tưởng này cùng với quyết định xung phong tham gia ca mổ của BS Kim Cao được sự nể phục của nhiều đồng nghiệp: “Thực ra, trong suốt thời gian 6 năm ngồi trong Trường Y, tôi đã được học về tình huống tương tự. Thế nhưng, khi bước ra khỏi sách vở, quyết định mổ cho bệnh nhân không dễ dàng như mình học nếu không nhắc mình rằng, ai cũng sợ thì bệnh nhân phải làm sao đây?”.

Theo BS Thái An, ca mổ về chuyên môn không hề khó, nhưng điều đáng nhớ của ca mổ là sự chung sức của các bác sĩ, những điều dưỡng trực tiếp chăm sóc cho bệnh nhân. Ngành y có lúc cũng đối diện với gian nguy, nguy hiểm về sức khỏe: “Qua phẫu thuật, chúng tôi chỉ muốn nhắn nhủ với bệnh nhân, những người làm trong ngành y tế luôn làm việc với tinh thần nếu bệnh nhân cần chúng tôi luôn sẵn sàng. Mặt khác, đối với một bệnh nhân bị HIV kèm với bệnh tim, hay tim kèm với ung thư chẳng hạn, thì vẫn luôn có cách điều trị. Bác sĩ sẽ giải quyết từ bệnh này trước rồi đến bệnh khác chứ không có gì gọi là chấm hết, chỉ mong bệnh nhân đừng buông xuôi quá sớm. Với chúng tôi, chỉ có bệnh nhân từ chối bác sĩ chứ bác sĩ không bao giờ từ chối bệnh nhân”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn