MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thoả thuận giữa NLĐ với Cty không tham gia BHXH bắt buộc nếu NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là vô giá trị. Ảnh: Nam Dương

Không đóng BHXH bắt buộc để mua bảo hiểm nhân thọ có đúng?

Nam Dương LDO | 30/09/2017 06:21

NLĐ và Cty có được thoả thuận không tham gia BHXH bắt buộc? Cty không trả sổ hưu hơn một năm nay thì phải làm sao? Vợ chồng không đăng ký kết hôn có được hưởng chế độ thai sản (CĐTS)? NLĐ được hưởng lương hưu từ khi nào?... Đây là một số câu hỏi chính Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động nhận được trong tuần qua. Báo Lao Động trích đăng câu hỏi và trả lời.

Không đăng ký kết hôn vẫn được hưởng CĐTS

Bạn đọc số 0888379XXX gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật Báo Lao Động 0961360559 hỏi: Vợ chồng tôi chưa đăng ký kết hôn nhưng đi làm có đóng BHXH đầy đủ. Khi vợ tôi sinh con có được hưởng CĐTS không?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điều 31 Luật BHXH 2014 quy định lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 6 tháng trong vòng 12 tháng thì được hưởng CĐTS. Trường hợp đã đóng đủ BHXH từ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con cũng đủ điều kiện hưởng CĐTS. Pháp luật hiện hành không quy định nữ sinh con phải có giấy đăng ký kết hôn mới được hưởng CĐTS. Vì vậy, vợ bạn vẫn được hưởng đủ CĐTS nếu đủ điều kiện như đã nêu.

Hưởng lương hưu từ khi đóng đủ BHXH

Bạn đọc số 01635415XXX gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật Báo Lao Động 0961360559 hỏi: Mẹ tôi nghỉ việc từ tháng 8.2017 khi đủ 55 tuổi, nhưng còn thiếu 2 tháng nữa mới đủ 20 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu hàng tháng. Cơ quan BHXH đã cho đóng bù 2 tháng đó, và mẹ tôi đã đóng đủ vào tháng 9.2017. Tháng 10.2017, cơ quan BHXH mới trả lương hưu cho mẹ tôi đúng không?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Khoản 4, điều 15, Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định: NLĐ đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu mà thời gian đóng BHXH bắt buộc còn thiếu tối đa 6 tháng thì NLĐ được lựa chọn đóng một lần cho số tháng còn thiếu với mức đóng hằng tháng bằng tổng mức đóng của NLĐ và NSDLĐ theo mức tiền lương tháng đóng BHXH trước khi nghỉ việc vào quỹ hưu trí và tử tuất để hưởng lương hưu. NLĐ được hưởng lương hưu tại tháng đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu và đã đóng đủ BHXH cho số tháng còn thiếu. Như vậy, nếu tháng 9.2017 mà mẹ bạn đã đóng đủ 20 năm BHXH thì được hưởng lương hưu từ tháng 9.2017, chứ không phải từ tháng 10.2017.

Không đóng BHXH để mua bảo hiểm nhân thọ có được?

Bạn đọc số 0984669XXX gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật Báo Lao Động 0961.360.559 hỏi: Cty chúng tôi nói từ đầu năm 2018 mức đóng BHXH sẽ rất cao vì dựa trên tổng thu nhập. Vì vậy, Cty đang vận động NLĐ viết đơn xin không đóng BHXH mà để Cty mua bảo hiểm nhân thọ cho NLĐ. Cty làm như thế được không?

Văn phòng Tư vấn Pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định về tiền lương tiền lương tháng đóng BHXH đối với NLĐ đóng BHXH theo chế độ tiền lương do NSDLĐ quyết định được quy định như sau: 1. Từ 1.1.2016 đến ngày 31.12.2017, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương theo quy định tại khoản 1 và điểm a, khoản 2, điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16.11.2015 của Bộ LĐTB&XH. Phụ cấp lương theo quy định tại điểm a khoản 2, điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH là các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong HĐLĐ chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ như phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự. 2. Từ ngày 1.1.2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương theo quy định tại khoản 1 điều này và các khoản bổ sung khác theo quy định tại điểm a, khoản 3, điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH.
3. Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác, như tiền thưởng theo quy định tại điều 103 của BLLĐ, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi NLĐ có thân nhân bị chết, NLĐ có người thân kết hôn, sinh nhật của NLĐ, trợ cấp cho NLĐ gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong HĐLĐ theo khoản 11, điều 4 của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP. Như vậy, từ ngày 1.1.2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương theo quy định tại khoản 1 điều này và các khoản bổ sung khác, chứ không phải tổng thu nhập.

Theo quy định tại Luật BHXH 2014, từ 1.1.2018, thì những NLĐ có HĐLĐ từ đủ 1 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Việc Cty và NLĐ thỏa thuận không đóng BHXH mà để mua bảo hiểm nhân thọ là không có giá trị và sẽ bị vô hiệu nếu trường hợp NLĐ thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc.

Cty không trả sổ hưu, phải làm gì?

Bạn đọc số 0903260XXX gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật Báo Lao Động 0961.360.559 hỏi: Tôi nghỉ hưu được hơn một năm nay, Cty đã làm thủ tục cho tôi được hưởng lương hưu với cơ quan BHXH, nhưng không trả sổ hưu vì cho rằng tôi còn một số nghĩa vụ công nợ chưa trả. Tôi phải làm sao?

Văn phòng Tư vấn Pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điều 59 Luật BHXH quy định về thời điểm hưởng lương hưu như sau: 1. Đối với NLĐ đang đóng BHXH bắt buộc quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và i khoản 1, điều 2 của luật này, thời điểm hưởng lương hưu là thời điểm ghi trong quyết định nghỉ việc do NSDLĐ lập khi NLĐ đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật. 2. Đối với NLĐ đang đóng BHXH bắt buộc quy định tại điểm h khoản 1, điều 2 của luật này, thời điểm hưởng lương hưu được tính từ tháng liền kề khi NLĐ đủ điều kiện hưởng lương hưu và có văn bản đề nghị gửi cho cơ quan BHXH. 3. Đối với NLĐ quy định tại điểm g, khoản 1, điều 2 của luật này và người đang bảo lưu thời gian đóng BHXH, thời điểm hưởng lương hưu là thời điểm ghi trong văn bản đề nghị của NLĐ đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định.

Như vậy, nếu bạn đã đủ điều kiện nghỉ hưởng lương hưu, Cty đã làm sổ hưu nhưng chưa trả cho bạn là sai. Việc bạn có nghĩa vụ công nợ phải thanh toán với Cty là một quan hệ khác. Bạn có thể khởi kiện Cty về việc không trả sổ hưu gậy thiệt cho bạn. Còn nếu Cty muốn đòi nợ thì cũng phải kiện bạn và có nghĩa vụ chứng minh về việc bạn có nợ Cty.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn