MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dữ liệu được chia sẻ từ Grab và Uber là chìa khóa để quản lí loại hình taxi này.

Không được chia sẻ dữ liệu, sao quản lí được taxi công nghệ?

Diệu Tiên LDO | 08/08/2017 12:10
Mới đây, trong chuyến thăm và làm việc của Đoàn đại biểu cấp cao Hà Nội tại San Francisco (Hoa Kỳ), Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội - Nguyễn Đức Chung đã có buổi làm việc với Uber, lưu ý tập đoàn này về quản lý hoạt động kinh doanh trên địa bàn.

Chủ tịch Hà Nội đề nghị…

Bên cạnh việc đánh giá cao ưu điểm của Uber áp dụng CNTT vào lĩnh vực giao thông giúp giải quyết việc làm, tăng thêm nguồn thu nhập, huy động được các nguồn lực xã hội vào đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân với chi phí rẻ hơn, tiện ích hơn, Chủ tịch Hà Nội cũng chỉ ra các nhược điểm mà hoạt động kinh doanh của Uber đang gây ra trên địa bàn. Đó là tình trạng phát triển nhanh và thiếu kiểm soát của taxi Uber “đã phá vỡ quy hoạch taxi của Thành phố, gây ra việc xe tham gia giao thông tăng không được quản lý đầy đủ, ảnh hưởng trực tiếp đến hạ tầng giao thông và việc kiểm soát nghĩa vụ tài chính của các đối tác tham gia hoạt động và kinh doanh trong hệ thống của Uber tại Hà Nội”.

Từ đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã đề nghị Uber hợp tác 3 nội dung. Thứ nhất, Uber chia sẻ dữ liệu về số lượng đầu xe, các cá nhân tham gia trong mạng lưới. Thứ hai, Uber phối hợp chia sẻ dữ liệu để quản lý thuế thu nhập của các đối tác tham gia theo đúng quy định của pháp luật. Thứ ba, Uber cung cấp, cập nhật thông tin và thống nhất với Hà Nội về kế hoạch phát triển của Uber để bảo đảm không phá vỡ quy hoạch giao thông cũng như hệ thống dịch vụ vận chuyển hành khách trên địa bàn Thủ đô.

Theo Chinhphu.vn, những đề nghị hợp tác chia sẻ dữ liệu trên cũng là những điều kiện tiên quyết để Uber có thể tiếp tục triển khai hoạt động kinh doanh trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật.

Liệu Uber có đáp ứng?

Cần biết rằng, Grab hoạt động tại Việt Nam đến nay đã được 5 năm và Uber cũng có mặt tại thị trường Việt Nam được hơn 3 năm, tuy nhiên, hầu như các cơ quan quản lí ngành của trung ương và tại địa phương không thể nắm rõ chính xác được số lượng taxi công nghệ hiện đang hoạt động. Theo số liệu được Sở GTVT TPHCM đưa ra, tính đến thời điểm cuối năm 2016, trên địa bàn có hơn 22.000 xe hoạt động vận tải hành khách thông qua hợp đồng điện tử, nhưng cũng chẳng thể xác định rõ được bao nhiêu xe chạy Grab, bao nhiêu xe chạy Uber, bao nhiêu xe của những thương hiệu khác…

Vì vậy, để quản lí được taxi công nghệ và để qui hoạch loại hình taxi này một cách hợp lí, nhất thiết phải có dữ liệu về số lượng, thông tin chủ xe/tài xế, thu nhập.v.v… Tuy nhiên lâu nay, cả Grab và Uber đều cho rằng, đó là những thông tin thuộc bí mật kinh doanh không thể tiết lộ hay chia sẻ. Dẫn đến tình trạng, hiện nay Uber hay Grab báo cáo có bao nhiêu xe thì cơ quan quản lí biết là bấy nhiêu chứ cũng chẳng thể kiểm chứng có chính xác hay không, vì thế càng không thể nắm rõ những biến động về số lượng đầu xe tham gia hai mạng lưới taxi công nghệ này.

Vậy thì, nếu phải thực hiện qui hoạch taxi công nghệ theo chủ trương của Bộ GTVT, cụ thể trong đó có việc qui hoạch số lượng đầu xe, thì các cơ quan chức năng lấy đâu ra dữ liệu để làm cơ sở giám sát, kiểm tra, và làm sao nắm được taxi công nghệ mang biển số của hà Nội, TPHCM và các tỉnh/thành có bao nhiêu xe?...

Cho dù ông Thuận Phạm – Giám đốc công nghệ (CTO) toàn cầu của Uber - cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền thành phố Hà Nội, tuy nhiên cũng chưa trả lời được rằng có chia sẻ các dữ liệu như đề nghị của Chủ tịch Hà Nội – Nguyễn Đức Chung hay không. Và trong trường hợp Uber, hay Grab tại Việt Nam không chia sẻ dữ liệu để hợp tác với cơ quan quản lí, thì từ Bộ GTVT đến chính quyền các tỉnh/thành như Hà Nội, TPHCM… sẽ xử lí vấn đề như thế nào?  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn