MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
NLĐ phải nghỉ việc, không hưởng lương từ 14 ngày trở lên trong tháng thì không phải đóng BHXH. Ảnh: Nam Dương

Làm từ 8-10 ngày/tháng, đóng BHXH thế nào?

Nam Dương LDO | 12/11/2017 13:56

Trong tuần qua, Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động nhận được một số câu hỏi của bạn đọc liên quan đến việc đóng nối BHXH; quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ; việc đóng BHXH trong thời gian NLĐ phải nghỉ việc… Báo Lao Động trích đăng câu hỏi và trả lời.

Được đóng nối BHXH

Nhiều bạn đọc gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961.360.559 hỏi với nội dung: Trước đây có đóng BHXH, nhưng do điều kiện nên đã dừng đóng một thời gian, nay đóng tiếp BHXH với mức lương cao hơn có sao không?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Khoản 5, điều 3, Luật BHXH 2014 quy định: Thời gian đóng BHXH là thời gian được tính từ khi NLĐ bắt đầu đóng BHXH cho đến khi dừng đóng. Trường hợp NLĐ đóng BHXH không liên tục thì thời gian đóng BHXH là tổng thời gian đã đóng BHXH.

Khoản 1, điều 85 Luật BHXH 2014 quy định về mức đóng và phương thức đóng của NLĐ tham gia BHXH bắt buộc như sau: 1. NLĐ quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 điều 2 của luật này, hằng tháng đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất (ngoài ra, NLĐ còn phải đóng 1% tiền lương vào quỹ BHTN; 1,5% tiền lương vào quỹ BHYT – PV). NLĐ quy định điểm i, khoản 1, điều 2 của luật này (người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn – PV), hằng tháng đóng bằng 8% mức lương cơ sở vào quỹ hưu trí và tử tuất. Do đó, nếu các bạn đi làm và có HĐLĐ từ đủ 3 tháng trở lên thì thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc và mức đóng phụ thuộc vào tiền lương đóng BHXH.

Chấm dứt HĐLĐ khi NLĐ đang nghỉ thai sản là sai

Bạn đọc số điện thoại 0983867XXX gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961.360.559 hỏi: Chị tôi bị xảy thai. Chị tôi đang nằm việc điều trị có gửi giấy báo vào Cty. Cty gọi điện thoại nói chị phải nghỉ việc luôn. Chị tôi phải làm sao?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điểm b, khoản 1, Điều 38 BLLĐ 2012 quy định: NSDLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ trong những trường hợp sau đây: NLĐ bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo HĐLĐ không xác định thời hạn, đã điều trị 6 tháng liên tục, đối với NLĐ làm theo HĐLĐ xác định thời hạn và quá nửa thời hạn HĐLĐ đối với người làm theo HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục. Khi sức khỏe của NLĐ bình phục, thì NLĐ được xem xét để tiếp tục giao kết HĐLĐ; 2. Khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ NSDLĐ phải báo cho NLĐ biết trước: a) Ít nhất 45 ngày đối với HĐLĐ không xác định thời hạn; b) Ít nhất 30 ngày đối với HĐLĐ xác định thời hạn; c) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm b, khoản 1, điều này và đối với HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

Điểm d, khoản 4, điều 123 BLLĐ 2012 quy định: Không được xử lý kỷ luật lao động đối với NLĐ đang trong thời gian sau đây: Lao động nữ có thai, nghỉ thai sản; NLĐ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Do đó, Cty không có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ hay kỷ luật lao động khi chị bạn đang điều trị do xảy thai. Việc Cty yêu cầu chị bạn nghỉ việc ngay là trái quy định của pháp luật. Chị bạn có thể làm đơn gửi Phòng LĐTB&XH hoặc LĐLĐ cấp huyện nơi Cty đóng trụ sợ nhờ can thiệp hay khởi kiện Cty ra tòa để được bảo đảm quyền lợi.

Có được chấm dứt HĐLĐ khi NLĐ phải điều trị hàng tháng?

Bạn đọc số 0901165XXX gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961.360.559 hỏi: Bác sĩ nói sức khỏe của tôi không phù hợp với công việc hiện tại. Tôi có đề nghị Cty chuyển việc khác, nhưng Cty không đồng ý. Cty có thể chấm dứt HĐLĐ với tôi hay không nếu hàng tháng tôi phải điều trị từ 3 đến 5 ngày?

Văn phòng Tư vấn Pháp luật Báo Lao Động trả lời: Theo quy định tại điều 38 BLLĐ 2012 thì NSDLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ trong những trường hợp sau đây: b) NLĐ bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo HĐLĐ không xác định thời hạn, đã điều trị 6 tháng liên tục, đối với NLĐ làm theo HĐLĐ xác định thời hạn và quá nửa thời hạn HĐLĐ đối với người làm theo HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục. Khi sức khỏe của NLĐ bình phục, thì NLĐ được xem xét để tiếp tục giao kết HĐLĐ. Như vậy, về nguyên tắc Cty không thể đơn phương chấm dứt HĐLĐ với bạn nếu mỗi tháng bạn chỉ nghỉ điều trị bệnh từ 3 đến 5 ngày. Nhưng nếu vì điều kiện sức khỏe của bạn không thể tiếp tục làm công việc hiện tại mà Cty không thể bố trì công việc khác, thì bạn nên thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ theo khoản 3, điều 36 BLLĐ.

Có được cấn trừ ngày công tăng ca?

Bạn đọc số 0963019XXX gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961.360.559 hỏi: Do điều kiện công việc, Cty tôi phải tăng ca tháng trong tháng 11.2017, nhưng đến tháng 1.2018, Cty ít việc, phải cho NLĐ ngỉ việc. Cty định lấy số công tăng ca trong tháng 11.2017 để trả cho tháng 1.2018 được không? Cty vẫn tính tiền tăng ca theo đúng quy định.

Văn phòng Tư vấn Pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điều 98 BLLĐ 2012 quy định trong trường hợp phải ngừng việc, NLĐ được trả lương như sau: 1. Nếu do lỗi của NSDLĐ, thì NLĐ được trả đủ tiền lương. Do đó, việc Cty không bố trí được việc làm cho NLĐ dẫn đến NLĐ phải nghỉ việc trong tháng 1.2018 là lỗi của Cty. Cty vẫn phải trả lương cho NLĐ trong thời gian ngừng việc này. Việc Cty lấy số ngày công tăng ca tháng 11.2017 để bù cho ngày công trong tháng 1.2018 là không phù hợp.

Làm từ 8-10 ngày/tháng, có phải đóng BHXH?

Bạn đọc số 02543832XXX gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961.360.559 hỏi: Cty chỉ bố trí được việc làm cho NLĐ từ 8-10 ngày/tháng thì có phải đóng BHXH cho NLĐ không?

Văn phòng Tư vấn Pháp luật Báo Lao Động trả lời: Khoản 3, điều 85 Luật BHXH 2014 quy định: NLĐ không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Như vậy, việc có đóng BHXH cho NLĐ trong tháng hay không phụ thuộc vào việc NLĐ có được hưởng lương trong tháng đó hay không. Nếu NLĐ không làm việc và không hưởng lương từ 14 ngày trở lên trong tháng thì sẽ không đóng BHXH. Tuy nhiên, xin lưu ý, việc NLĐ phải nghỉ việc ở đây còn tùy yếu tố do lỗi của NSDLĐ hay lỗi của NLĐ. Nếu do lỗi của NLĐ thì NLĐ không được hưởng lương, nhưng nếu do lỗi của NSDLĐ thì NLĐ vẫn được hưởng lương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn