MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh nhân hãy là người sáng suốt để tránh xa những chiêu trò lừa đảo. Ảnh: L.H

Lật tẩy chiêu trò giả làm bác sĩ lừa đảo

Lệ Hà LDO | 21/01/2018 13:52

Lợi dụng sự tin tưởng của người bệnh, nhiều đối tượng đã đóng giả làm bác sĩ, nhân viên y tế để lừa đảo người bệnh. Tình trạng này làm ảnh hưởng đến hình ảnh bác sĩ, gây thiệt hại cho người bệnh.

Muôn vàn cách lừa gạt người bệnh

Thanh tra Sở Y tế TP Cần Thơ cùng các phòng nghiệp vụ của quận Thốt Nốt kiểm tra cơ sở khám chữa bệnh của ông Nguyễn Hoàng Ân (30 tuổi, trú tại khu vực Trường Thọ 1, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) khi “bác sĩ "dỏm" này đang khám bệnh cho 2 bệnh nhân. Qua kiểm tra các giấy tờ hành nghề của người này, đoàn phát hiện ông Ân đã tự làm giả các giấy tờ như: bằng bác sĩ, chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Ông Ân khai nhận với đoàn kiểm tra là mình từng học sư phạm vật lý, sau đó học lên thạc sĩ và học trung cấp y 1 năm. Thời gian bắt đầu hành nghề khám chữa bệnh từ năm 2016, tại cơ sở khám chữa bệnh có treo bảng hiệu: "Phòng khám nội khoa: bác sĩ Nguyễn Hoàng Ân, chuyên khoa nội tổng hợp". Ông Ân cho biết, việc chữa bệnh cho người dân chỉ dựa vào thông tin trên internet.

Thanh tra Sở Y tế đã tạm giữ dụng cụ hành nghề, thuốc... giao cho Phòng Y tế quận Thốt Nốt quản lý. Đồng thời, quyết định xử phạt hành chính 50 triệu đồng đối với ông Nguyễn Hoàng Ân với lý do bán thuốc cho người bệnh và hành nghề y nhưng không có chứng chỉ.

Không vào vai bác sĩ chữa bệnh trực tiếp như ông Ân, có đối tượng “đội lốt” nhân viên y tế để mua thuốc, môi giới giúp bệnh nhân.

Công an phường Phương Mai (quận Đống Đa, Hà Nội) từng bắt giữ đối tượng Nguyễn Thị Thìn (37 tuổi, Thanh Hoá) với hành vi giả bác sĩ lừa tiền bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai. Thìn bị bắt tại Khoa truyền nhiễm khi mặc blouse trắng, lân la hỏi chuyện bệnh nhân. Khi bị phát hiện, Thìn khai đã gây ra 6 vụ lừa đảo tại Bệnh viện Bạch Mai, thường chọn thời gian người nhà được thăm nom để tiếp cận bệnh nhân, gia đình của họ.

Thìn thuật lại, lợi dụng lòng tin của người bệnh, Thìn tự giới thiệu là bác sĩ tiếp xúc với gia đình bệnh nhân. Sau ít phút hỏi han bệnh tình, xem xét các kết quả xét nghiệm, Thìn nói có thể mua được thuốc đặc trị với giá rẻ giúp rút ngắn thời gian điều trị. Tin lời, bệnh nhân này đưa 4 triệu đồng cho Thìn.

Cũng với thủ đoạn trên, Thìn tiếp tục lừa bệnh nhân khác lấy 3,5 triệu đồng. Và còn nhiều nạn nhân khác sập bẫy của Thìn.

Một điều tra viên cho biết, khi nhận tiền, Thìn thường hẹn khổ chủ ở ngoài hành lang, góc khuất để tránh bị camera ghi hình. “Thìn không đeo thẻ nhân viên song các nạn nhân vẫn bị mắc lừa”, vị này cho biết.

Điều đáng nói, Thìn đã từng bị bắt quả tang mặc áo blouse tiếp xúc với bệnh nhân ngoài hành lang. Thìn từng có 3 tiền án liên quan đến lừa đảo.

Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi đã phát hiện và tố giác kẻ giả danh bác sĩ Khoa Sản của bệnh viện để lừa tiền của bệnh nhân. Đối tượng là Phan Đình Thắng tự xưng mình là “bác sĩ” Khoa Sản đã tiếp cận một sản phụ để lấy tiền với lời dụ dỗ sẽ cho chị này được mổ nhanh, an toàn, không phải chờ đợi.

Tuy nhiên, hành vi của Thắng đã bị một nhân viên Bệnh viện Sản - Nhi theo dõi. Rất may trong lúc người nhà sản phụ trao tiền cho Thắng thì đã bị vạch mặt. Kẻ gian đã được giao cho công an phường xử lý theo quy định của pháp luật. Qua lời khai ban đầu với cơ quan chức năng, Thắng khai, y đã thực hiện việc mạo danh “bác sĩ” nhiều lần, lợi dụng bệnh viện mới thành lập các nhân viên y tế còn chưa biết hết mặt nhau.

Đối phó với lưu manh giả danh… bác sĩ

TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hạch tổng hợp (Bệnh viện Bạch Mai) từng chia sẻ: Bệnh viện Bạch Mai có đội ngũ bảo vệ khá quy củ, chặt chẽ nhưng không tránh được đối tượng xấu trà trộn. Bệnh viện đã từng phát hiện đối tượng giả danh bác sĩ để lừa đảo người bệnh. Mỗi ngày Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận khoảng 4.000 lượt người đến khám (thường kèm thêm 4.000 người đi cùng), chưa kể bệnh nhân nội trú. Với số lượng bệnh nhân này khó tránh khỏi kẻ xấu lợi dụng có hành vi không đúng với người bệnh. Trước đây, Bệnh viện Bạch Mai từng phát hiện những đối tượng giả danh bác sĩ, nhân viên y tế. Tuy nhiên, thời gian gần đây công tác bảo đảm an ninh bệnh viện ngày càng được cải thiện, hạn chế tối đa tình trạng xấu trên.

Cũng theo TS Dương Đức Hùng, nắm bắt tâm lý bệnh nhân muốn được phẫu thuật hoặc điều trị sớm để mau về nhà nên một số đối tượng xấu thường giả dạng bác sĩ hoặc nhân viên y tế lân la đến gặp. Những đối tượng này cũng mặc áo blouse, đeo ống nghe để bệnh nhân và người nhà nghĩ là nhân viên của bệnh viện. Họ giả vờ hỏi thăm, hướng dẫn thủ tục điều trị hoặc phẫu thuật, sau đó gợi ý bệnh nhân muốn được mổ sớm thì sẽ giúp đỡ và đề nghị đưa trước khoản tiền “lót tay”. Sau khi cầm tiền, bác sĩ giả cao chạy xa bay, mặc bệnh nhân khốn đốn. Điều đáng nói, những đối tượng này chỉ xuất hiện ngoài giờ làm việc vì khi đó đa phần nhân viên y tế về nhà nên nguy cơ bị phát hiện rất thấp.

TS Hùng cho rằng, một chiêu lừa bịp khác cũng khiến nhiều bệnh nhân sập bẫy. Cũng mặc áo blouse không logo, các bác sĩ giả mon men đến gần bệnh nhân như kiểu hỏi han ân cần, hướng dẫn cách uống thuốc. Cầm thuốc bệnh nhân đang uống, họ tỏ vẻ lo lắng vì tác dụng không cao và gợi ý giúp mua thuốc tốt hơn. Muốn mau hết bệnh, lại gặp bác sĩ tốt bụng nên người bệnh chẳng ngần ngại đưa tiền nhờ mua thuốc khác. Khi đã lấy được tiền, bác sĩ giả lặn tăm.

Trước thực trạng trên, các bệnh viện trên cả nước liên tục đưa ra khuyến cáo cảnh báo với người bệnh. Cùng đó là một số biện pháp cụ thể như nhân viên y tế khi làm việc đều mặc áo blouse có logo của bệnh viện và đeo bảng tên, kể cả sinh viên thực tập. Bệnh nhân thuộc diện phải mổ đều đã lên lịch và có ngày giờ cụ thể, không thể muốn mổ sớm là được. Tại mỗi phòng bệnh đều ghi tên bác sĩ điều trị và điều dưỡng. Do vậy, nếu thấy nghi ngờ giả dạng nhân viên y tế thì người bệnh và thân nhân báo cho điều dưỡng hoặc bảo vệ bệnh viện ngay.

Để thực hiện được vấn đề an ninh trong bệnh viện, các bệnh viện còn có sự hợp tác với lực lượng công an đảm bảo an ninh trật tự tại bệnh viện. Lực lượng an ninh giúp bệnh viện xây dựng các phương án phối hợp bảo vệ an toàn cho nhân viên y tế và an ninh trật tự tại bệnh viện. Thiết lập đường dây nóng giữa bệnh viện với lực lượng công để kịp thời thông báo, xử lý các tình huống đột xuất đảm bảo an ninh trật tự trong bệnh viện. Công an còn cùng với bệnh viện tổ chức lớp tập huấn cho đội ngũ nhân viên bảo vệ của bệnh viện, tư vấn cho bệnh viện các vị trí phù hợp lắp đặt camera bảo vệ…

Lãnh đạo các bệnh viện đều thống nhất, ngoài sự nỗ lực của bệnh viện cũng như các cơ quan chức năng thì người bệnh cũng nên cảnh giác với những lời mời chào quảng cáo khám nhanh, khám bác sĩ giỏi hay sẽ chạy tiền để được mổ luôn… có như vậy thì kẻ gian mới không có cơ hội để hành động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn