MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngày ngày, bà Bộ đan áo để gửi tặng chiến sĩ Trường Sa - Ảnh P.N

Mẹ nghèo đan áo gửi chiến sĩ Trường Sa

Phố Nhơn LDO | 03/07/2017 09:21
Dù cuộc đời mang nhiều nỗi bất hạnh, cuộc sống cơ cực nhưng bà Mang Thị Bộ (68 tuổi, ở thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) vẫn dành tình thương đến những mảnh đời khó khăn hơn mình. Gần 3 năm nay, dù tuổi cao sức yếu, bà vẫn miệt mài từng đường kim mũi chỉ đan những chiếc áo len gửi tặng chiến sĩ Trường Sa, những mong ở nơi đầu sóng ngọn gió, các chiến sĩ sẽ được ấm áp hơn.

Vẫn yêu thương dù đời bất hạnh

Trong căn nhà lụp xụp, chắp vá, hướng mặt ra bờ biển, bà Bộ ngồi trên ghế, tay kim tay len miệt mài đan áo. Vừa thoăn thoắt đan áo, bà vừa kể chúng tôi nghe về cuộc đời lắm bất hạnh của mình. Theo đó, bà sinh ra trong một gia đình đông con, sống dựa vào nghề biển. Năm 1978, bà đi thanh niên xung phong tại chiến trường biên giới Tây Nam, giúp nước bạn Campuchia. Năm 1985, khi đã ở tuổi 36, bà mới lập gia đình với một người đàn ông kém tuổi trong xã.

“Hồi đó chồng kém tôi tới 7 tuổi. Ban đầu ổng thương tôi lắm, nhưng sau khi lấy nhau về, ổng nghe người ta nói ra nói vào chuyện chồng trẻ vợ già, lại thêm lấy nhau 2 năm mà không có con, ổng sinh ra chán nản, lạnh nhạt. Tôi thấy mình có lỗi nên quyết định ly hôn”, bà Bộ tâm sự.

Số bà đã khổ, người em của bà là Mang Thị Bích Hoa (67 tuổi) cũng rơi vào cảnh tương tự. Bà Hoa lấy chồng được vài năm thì đổ vỡ, thành phụ nữ đơn thân. Chị em dở dang ghép lại một nhà nương tựa vào nhau cho qua ngày đoạn tháng. Để tự lo cuộc sống qua ngày, hai chị em bà Bộ phải tảo tần bươn chải, trước thì buôn bán nhỏ, sau thì chuyển qua nuôi heo.

Cuộc sống nghèo khó với lắm nỗi cơ cực nhưng hai chị em lại giàu lòng thương người, sống hết mình với mọi người xung quanh. Đã hơn 10 năm qua, cứ trước mỗi dịp Tết Âm lịch hàng năm, bà Bộ cùng em gái lại trích ra số tiền vài triệu đồng để mua quà bánh tặng cho hơn trăm gia đình, trường hợp nghèo khó, hoạn nạn trong xã.

“Mình nghèo thì nghèo rồi, nhưng mà vẫn còn cơm ăn áo mặc. Trong khi quanh mình có nhiều trường hợp khốn khổ quá, thôi thì giúp ai được cái gì mừng cái đó. Những lúc rảnh rỗi, hai chị em lại đi xin quần áo cũ, mua từng con cá, can nước mắm để gửi tặng những người nghèo ở làng phong Quy Hoà. Trước Tết thì lại chuẩn bị bánh kẹo cho bà con nghèo, trẻ em mồ côi cơ nhỡ trong xã”, bà Bộ chia sẻ.

Đôi tay chai sần của bà Bộ vẫn đều đặn đưa từng đường kim sợi len đan áo. Ảnh: P.N

Đan áo gửi chiến sĩ Trường Sa

Đầu năm 2015, chẳng những tặng quà cho các hoàn cảnh éo le trong xã, bà Bộ còn khiến nhiều người bất ngờ khi nảy ý định đan áo len để gửi tặng chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa. “Tôi chưa bao giờ được đặt chân tới Trường Sa, cũng chưa một lần gặp các chiến sĩ làm nhiệm vụ nơi mảnh đất thiêng liêng này. Thế nhưng mỗi lần theo dõi truyền hình, rồi ngày trước có đứa cháu đi nghĩa vụ ở Trường Sa về nghe kể ngoài đó lạnh lắm, tôi mường tượng ra được nỗi khó khăn, thiếu thốn ở nơi bốn bề sóng nước nên quyết định đan áo gửi tặng các chiến sĩ”, bà Bộ cho biết.

Điều kiện kinh tế không cho phép, bà Bộ tìm đến những gia đình khá giả trong xã vận động gom góp. Lần đó bà xin được 2 triệu đồng, bản thân bỏ thêm 1 triệu đồng rồi bắt xe đi lên chợ trung tâm thành phố mua len. Từ ngày đó, bà dành phần lớn thời gian cho việc đan áo. Đợt đó, bà đan được 30 chiếc áo, rồi gửi tặng chiến sĩ Trường Sa.

“Ngày trước còn trẻ, nhanh tay lẹ mắt thì chỉ vài ngày xong một chiếc áo. Bây giờ già rồi nên tôi đan cái áo lúc nhanh thì mất 7 ngày, lúc chậm thì 10 ngày. Công việc không nặng nhọc gì mấy, chỉ là tốn nhiều thời gian, ngồi lâu một chỗ trên ghế là đau mỏi, nên có lúc tôi chuyển sang ngồi võng cho đỡ đau. Mình không làm được việc gì lớn, chỉ đóng góp trong khả năng của mình, những mong các chiến sĩ ấm lòng mà làm nhiệm vụ”, bà Bộ tâm sự.

Suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, bà Bộ không lúc nào rời tay khỏi cây kim và cuộn len, đây là hai thứ luôn bên bà suốt từ đầu năm 2015 đến năm nay. “Tôi già rồi nên thường bị đau các khớp, đôi lúc trong người cũng rất mệt, nhưng nghĩ đến các chiến sĩ ở Trường Sa tôi thấy quý họ lắm. Có lúc đan xong áo, đứng dậy đôi chân tê rần, hai mắt mờ luôn, nhưng thấy vui trong lòng. Mình cố gắng đan, vì thêm một cái áo là thêm một chiến sĩ được ấm trong mùa đông sắp tới”, bà Bộ chia sẻ.

Theo bà Bộ, sau khi gửi 30 chiếc áo len tặng chiến sĩ Trường Sa vào tháng 9.2015, thì cuối năm 2016, bà gửi tặng 18 chiếc nữa. Hiện tại, bà đang chuẩn bị gửi tặng 40 chiếc vừa đan xong ra cho các chiến sĩ để được ấm hơn trong mùa đông năm nay. “Mỗi lần mường tượng đến hình ảnh các chiến sĩ hân hoan đón nhận áo len của mình là một hạnh phúc khó tả đối với tôi. Còn sức khỏe ngày nào, tôi còn tiếp tục vận động sự hỗ trợ của bà con để mua len đan áo cho các chiến sĩ Trường Sa”, bà Bộ bộc bạch.

Bây giờ, bà Bộ đang là hội viên Hội Cựu chiến binh xã Nhơn Hải. Bà cũng từng là lính nên hiểu được cái tình của lính. Vậy nên dù xin được tiền bà cũng không chọn mua những chiếc áo len có sẵn, mẫu mã đẹp tặng các chiến sĩ. Bởi với bà, như vậy sẽ không có cái tình. “Tôi muốn gửi cho các chiến sĩ Trường Sa không chỉ là tấm áo, mà còn là tình cảm của người ở đất liền nữa. Ngày xưa, tôi cũng là lính, tôi hiểu đời lính chịu nhiều sương gió, nhọc nhằn, gian khổ thế nào. Trong những tấm áo ấy, tôi còn gửi tâm tình của người lính già đến lính trẻ hôm nay, gửi chất lính không bao giờ chùn bước trước khó khăn”, bà Bộ tâm sự.

Trò chuyện, tận mắt chứng kiến đôi tay chai sần của bà Bộ vẫn đều đặn đưa từng đường kim sợi len, để những chiếc áo len phủ lên mình, xua tan cái lạnh giá cho các chiến sĩ Trường Sa, chúng tôi chợt nghĩ đến hình ảnh ánh mắt các mẹ lại long lanh hạnh phúc. Ở đó, chắc hẳn thấm giọt mồ hồi của người lính già luôn hướng về người lính trẻ nơi hải đảo xa xôi của Tổ quốc. 

Chị Mang Thị Huyền Nga - Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã Nhơn Hải, cho biết: “Việc làm của bà Bộ xuất phát từ tận tấm lòng của cá nhân. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng ngoài số tiền vận động, bà Bộ còn tự bỏ tiền túi và công sức của mình để mua len đan áo gửi tặng chiến sĩ Trường Sa. Đây là một việc làm rất đáng trân quý. Nguyện vọng của bà là được các tổ chức, cá nhân, đoàn thể cùng tham gia đóng góp về vật chất để có thêm nhiều hơn những tấm áo gửi ra Trường Sa, nơi những người con Tổ quốc ngày đêm làm nghĩa vụ thiêng liêng”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn