MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Võ Văn Huyền Em (Tân Khánh Đông- TP Sa Đéc) bên đám cúc mâm xôi mang lại cho anh số lãi trên trăm tiệu đồng ăn Tết. Ảnh: LỤC TÙNG

Miền Tây - Xuân đến sớm

Lục Tùng LDO | 11/02/2018 12:14

Về miền Tây những ngày giáp Tết, xuân của đất trời như vẫn còn đâu đó trên những chồi non, những cành hoa e ấp nụ, nhưng chúng tôi lại như chạm tay vào mùa xuân cuộc đời đang rạng rỡ hiện về trên mọi mặt người, trên mỗi phận người. Bởi không chỉ có nông dân vui ngất trời với chuyện nông sản được giá, mà nhiều người dân từ miền núi đến hải đảo xa xôi còn nhận được sự ấm áp từ hoạt động chăm lo của toàn hệ thống chính trị...

Xuân đến sớm...

Vừa cân xong đợt cá tra, bà Trần Thị Dung (xã Thạnh Mỹ Tây, Châu Phú, An Giang) vui ra mặt khi giá cá lập mức “kỷ lục” gần 30.000 đồng/kg. Giá bán này, bà Dung bỏ túi hơn chục tỷ đồng cho diện tích nuôi 5ha. Theo ông Trần Phùng Hoàng Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang (Sở NNPTNT An Giang) – hiện, giá thành cá tra chỉ dao động ở mức 20.000 - 22.000 đồng/kg, tức mỗi kg cá lãi gần 10.000 đồng. Đây là mức lãi cao nhất mà rất lâu rồi người nuôi cá tra ở miền Tây mới có được. Ở Đồng Tháp, tuy giá cá có mềm hơn khoảng 1.000 đồng/kg, nhưng ông Nguyễn Thanh Bình (xã An Nhơn, huyện Châu Thành - Đồng Tháp) cũng đạt mức lãi gần 3 tỷ đồng sau khi bán 300 tấn cá tra.

Đây là hai trong số hàng trăm người nuôi cá tra vùng ĐBSCL sẽ ăn Tết hoành tráng. Nhưng đó không phải là trường hợp cá biệt ở vùng đất thuần nông. Bởi với người trồng lúa – lĩnh vực thường xuyên đối mặt với nguy cơ bán giá thấp - cũng đón Tết Mậu Tuất với tâm thế phấn chấn khi được thương lái chủ động đặt cọc với giá cao cho trà lúa thu hoạch trước Tết (Đông xuân sớm). Vụ lúa năm nay, nông dân trồng lúa Đông xuân sớm đạt thắng lợi kép khi vừa trúng mùa với năng suất bình quân đạt 5,48 tấn/ha, tăng 0,43 tấn/ha so cùng kỳ năm 2017, vừa trúng giá. Anh Nguyễn Văn Phúc (xã Phú Điền, huyện Tháp Mười- Đồng Tháp) trồng 04ha lúa IR 50404 và Đài Thơm 8. Dù mới cong trái me, nhưng thương lái tìm đến đặt cọc mua với giá lần lượt là 5.500 đồng/kg và 6.300 đồng/kg, cao hơn so cùng kỳ năm 2017 bình quân gần 1.000 đồng/kg. Với giá này, mỗi ha lãi 25 - 27 triệu đồng, anh Phúc có trăm triệu đồng đón Tết...

Tuy nhiên, so với nông dân trồng hoa Tết thì niềm vui như được nhân đôi khi thương lái tự tìm đến tranh nhau ra giá cao để giành quyền mua. “Lần đầu tiên sau hơn chục năm trồng hoa, tôi mới có cảm giác thế chủ động toàn phần...”- anh Võ Văn Huyền Em- người trồng hơn 1ha hoa Tết ở ấp Đông Huề (Tân Khánh Đông, TP. Sa Đéc, Đồng Tháp) cho biết thêm – “Mọi năm, đầu tháng 12 âm lịch, thương lái mới bắt đầu đi mua. Chủ nhà vườn phải săn tìm thương lái để bán. Nhưng năm nay mọi chuyện đã khác, mới đầu tháng 11 âm lịch, ngày nào cũng có thương lái tìm đến, tự ra giá rồi đòi đặt tiền cọc”.

Và cứ sau vài ngày, thương lái lại tự đẩy giá mua lên để mong nhận được từ anh cái gật đầu. Sau, do đứa con bệnh đột xuất, anh Huyền Em chấp nhận bán với giá 55.000 đồng/giỏ cúc mâm xôi - một mức giá được xem là mềm so với thời giá hiện nay. Tuy nhiên, với mức giá này, cũng quá dư để gia đình anh đón Tết đủ đầy. Bởi theo tính toán của anh, bình quân giá thành mỗi giỏ cúc mâm xôi chỉ dao động ở mức 20.000 đồng/giỏ. Với chênh lệch trên 30.000 đồng/giỏ, chỉ riêng với hơn 4.000 giỏ cúc mâm xôi, anh Huyền Em đã lãi trên 100 triệu đồng. Đó là chưa kể đến lợi nhuận từ hàng ngàn giỏ hoa vạn thọ...

Thu hoạch lúa Đông xuân sớm ở Đồng Tháp. Ảnh: LỤC TÙNG

Tết đến tận vùng xa...

Không chỉ có nông dân, những người sản xuất... có cơ hội ăn Tết lớn nhờ niềm vui “song hỷ”: Trúng mùa, được giá; nhiều hộ nghèo, gia đình chính sách... ở tận miền núi, vùng biên viễn hay hải đảo xa xôi cũng sớm chạm đến niềm vui ấm áp ngày Tết trước thềm xuân mà cả hệ thống chính trị mang lại.

Tôi may mắn được tháp tùng đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh Kiên Giang ra thăm hỏi, chúc mừng và tặng quà Tết cho quân - dân sinh sống và làm việc tại các hải đảo thuộc quần đảo Phú Quốc và quần đảo Thổ Châu (huyện đảo Phú Quốc).

Sau nhiều giờ lắc lư theo nhịp tròng trành của tàu đi giữa vùng biển đầy sóng gió, vừa cập bến, đoàn công tác đã quyết định ưu tiên đến thăm các hộ chính sách, hộ nghèo trước khi thăm, chúc Tết các lực lượng vũ trang đóng quân trên đảo. Chính cách trao, cách thăm hỏi đầy trọng thị này đã mang lại cho người nhận hiệu ứng tinh thần to lớn hơn rất nhiều lần so với giá trị món quà. Là vợ và mẹ liệt sĩ, cầm trên tay món quà do chính lãnh đạo tỉnh “đến tận nơi, trao tận tay”, cụ Kim Thị Báo (80 tuổi) ấp Bãi Ngự (Thổ Châu) đã vui và xúc động đến không nói nên lời. “Sống nơi đảo xa mà lãnh đạo tỉnh ra tận nơi thăm hỏi đã quý lắm rồi, lại còn tận tay trao quà thì thật là chẳng có vàng, bạc, châu báu nào sánh được”- cụ Báo chia sẻ.

Và đó cũng là cảm xúc của nhiều hộ chính sách trên đảo được chúc Tết lần này. “Đây là lần nhận quà mà tôi vui nhất”- bà Lý Thị Bảnh - vợ thương binh Lý Văn Lành (SN 1945) lý giải - “Không phải vì giá trị món quà mà chính là cách trao món quà. Tôi thấy hạnh phúc và ấm áp lắm”. Đây chỉ là 2 trong số nhiều hộ dân sống trên hải đảo biển có được niềm vui như Tết trước thềm xuân. Bởi theo kế hoạch, năm nay lãnh đạo tỉnh Kiên Giang tổ chức 2 đoàn chúc Tết quân dân đang sinh sống, làm việc trên các hải đảo trong tỉnh.

Chuyến đi không chỉ cho tôi cảm nhận công tác chăm lo Tết cho người dân vùng biển đảo của toàn hệ thống chính trị mà mắt thấy tai sờ một bức tranh đẹp đầy sống động về niềm vui xuân đến sớm với người dân trên đảo xa bờ nhất trong vùng biển Tây Tổ quốc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn