MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa

Nên chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô

Lê Quốc Phong LDO | 06/01/2017 10:58
Cây bắp (ngô) là một trong 3 cây trồng quan trọng của thế giới, sau lúa mì và lúa gạo. Mọi bộ phận của cây bắp từ lá, thân, hạt có thể sử dụng làm thức ăn cho gia súc và cho con người, đồng thời bắp còn sử dụng để làm xăng sinh học.

Ở Việt Nam, diện tích trồng bắp chỉ sau cây lúa, có năm diện tích trồng bắp trên 1,1 triệu hecta. Tuy nhiên, diện tích này giảm dần và đến năm 2016 còn khoảng trên 600 ngàn hecta. Dù có diện tích lớn nhưng chủ yếu trồng ở những vùng núi cao, luân canh với các loại cây trồng khác, kỹ thuật canh tác cũ kỹ, nên năng suất thấp, chi phí cao, không cạnh tranh được với bắp của các nước trên thế giới. Do đó, hàng năm Việt Nam vẫn nhập một lượng bắp khá lớn để phục vụ cho việc chế biến thức ăn gia súc. Bắp rất dễ trồng, không kén đất.

Do đó, có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau (trừ đất bị úng, mặn, phèn) nhưng thích hợp nhất là đất tơi xốp, thoát nước tốt, giàu mùn và dinh dưỡng. Bắp cho năng suất cao hơn lúa rất nhiều, nhu cầu phân bón cũng khá cao, đặc biệt là Kali, kế đến là Đạm, sau đó là Lân và các chất trung, vi lượng, tuỳ theo từng thời kỳ phát triển của cây. Nhưng tỷ lệ N-P-K bình quân là 2-1-2,5 (ví dụ như N-P-K 20-10-25) nhưng để dễ bón bà con nên chọn dùng các loại phân chuyên dùng cho bắp như Đầu Trâu bắp 1, Đầu Trâu bắp 2 và bón theo hướng dẫn trên bao bì hoặc  tài liệu. Trong những năm gần đây, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long  đã triển khai thực hiện mô hình liên kết 3 nhà để  chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng bắp nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất, áp dụng các nhóm giải pháp kỹ thuật kết hợp với các giống mới.  

Sau nhiều vụ, các cơ quan nông nghiệp kết luận: nếu chuyển một hecta đất trồng lúa có năng suất thấp sang trồng bắp thì người nông dân sẽ tăng lợi nhuận lên gấp 3 lần so với trồng lúa, điều này đã mở ra một hướng mới cho nông dân ĐBSCL. Tuy nhiên, để bà con nông dân yên tâm thực hiện việc chuyển đổi, rất cần chính quyền địa phương làm cầu nối để liên kết các doanh nghiệp có uy tín, chuyển giao kỹ thuật canh tác tiên tiến, doanh nghiệp thu mua với nông dân để tạo thành chuỗi liên kết bền vững. Có như vậy thì chủ trương chuyển đổi diện tích trồng lúa sang các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao  hơn, trong đó có cây bắp, mới được đông đảo bà con nông dân tham gia.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn