MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngành ngân hàng đạt lợi nhuận cao trong năm 2017.

Ngân hàng lãi lớn, doanh nghiệp “mơ” vốn rẻ

Bảo Chương LDO | 21/01/2018 13:51

Kết thúc năm 2017, ngành ngân hàng (NH) thắng lớn khi lợi nhuận trước thuế toàn ngành tăng khoảng 40% so với năm trước đó, trong đó đóng góp lớn nhất từ việc tín dụng tăng trưởng cao giúp NH cải thiện mạnh thu nhập lãi thuần. Và đang có nhiều hy vọng lãi suất vay sẽ giảm khi các ông lớn trong ngành đã bắt đầu thực hiện.

Lãi lớn nghìn tỉ

Theo báo cáo trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2018, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank năm 2017 đạt 11.018 tỷ đồng, tăng 32,9% so với năm 2016, thực hiện 116% kế hoạch. Dư nợ tín dụng của NH đạt hơn 553.000 tỷ đồng, tăng 17,2% so với 2016, với xu hướng mở rộng mảng bán lẻ và thu hẹp các khách hàng vay không hiệu quả trong bán buôn. Dư nợ cho vay khách hàng FDI cũng tăng mạnh 27% so với 2016, đạt 39.692 tỷ đồng.

Trong báo cáo sơ bộ kết quả kinh doanh, BIDV cũng cho biết năm 2017 tổng tài sản đạt 1.176.000 tỷ đồng, tăng trưởng 16,7% so với 2016 và duy trì vị trí số 1 về tài sản. Tổng nguồn vốn huy động đạt 1.106.517 tỷ đồng, tăng trưởng 17,9% so với 2016. Tổng quy mô tín dụng và đầu tư đạt 1.136.778 tỷ đồng, tăng trưởng 18% so với 2016. Sau trích lập dự phòng và các khoản khác, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của BIDV đạt 8.800 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu đề ra và là mức lợi nhuận kỷ lục từ trước tới nay. Song song đó, kết quả định hạng tín nhiệm của BIDV năm 2017 cũng được cải thiện, cụ thể Moody’s đã nâng 1 bậc đối với đánh giá rủi ro cơ sở để phản ánh chất lượng tài sản của BIDV đã ổn định hơn, cũng như nguồn vốn và thanh khoản được cải thiện.

Năm 2017 cũng là năm có nhiều NHTMCP tăng vọt về lợi nhuận để gia nhập nhóm NH có lợi nhuận ngàn tỷ. Theo báo cáo hoạt động sơ bộ của Eximbank, các chỉ tiêu kinh doanh phần lớn đều đạt và vượt kế hoạch, như huy động vốn tăng 15,6%, tín dụng tăng 16,6% so với năm 2016. Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế của Eximbank tăng trưởng đột biến, đạt khoảng 1.118 tỷ đồng, hơn 2,5 lần năm 2016 và đạt trên 169% kế hoạch năm. Trong tháng 12.2017, Eximbank đã thoái hơn 1,3 triệu cổ phiếu Sacombank, giảm mức sở hữu từ hơn 144,4 triệu cổ phiếu, tương đương 8,01% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của Sacombank, xuống còn 143 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 7,94% vốn cổ phần có quyền biểu quyết.

Song song đó, các NHTMCP lớn vẫn giữ vững phong độ với mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng. Tại MB, theo báo cáo tài chính riêng lẻ, tính đến cuối năm 2017, dư nợ cho vay đạt 180.257 tỷ đồng, hoàn thành 101,3% kế hoạch, tăng 121,1% so với năm 2016. Cả năm 2017, MB đạt lợi nhuận trước thuế 5.355 tỷ đồng, vượt kế hoạch 124,5%, tăng 144,3% so với năm 2016. Lợi nhuận trước thuế của HDBank năm 2017 đạt 2.420 tỷ đồng, trong khi tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ chỉ 1,1% và tỷ lệ nợ xấu hợp nhất 1,5%. Hiện ACB chưa công bố kết quả kinh doanh, nhưng CTCK Sài Gòn dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2017 của NH này đạt 2.519 tỷ đồng, tăng trưởng 51,13% so với năm 2016.

Hạ lãi suất

Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, năm 2017, lợi nhuận của các ngân hàng tăng tới trên 40%. Thực tế, rất nhiều ông lớn như Vietcombank, VietinBank, BIDV và hàng loạt ngân hàng khác công bố mức lãi kỷ lục năm 2017. Ngoài ra, thanh khoản của hệ thống ngân hàng năm 2017 cũng rất dồi dào. Cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng phát đi tín hiệu hỗ trợ ngân hàng giảm lãi vay khi lần đầu tiên trong nhiều năm, NHNN đã giảm nhẹ lãi suất trên thị trường liên ngân hàng…

Lãnh đạo nhiều NHTM nhận định tình hình kinh doanh của ngành NH đã có nhiều cải thiện và tốt hơn năm 2016 rất nhiều, và xu hướng này sẽ tiếp diễn trong năm 2018. Thanh khoản hệ thống đã được cải thiện, kỳ vọng tiếp tục duy trì trạng thái tích cực trong cả năm 2018; tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ tín dụng cũng được giữ ở mức thấp, nên kỳ vọng lợi nhuận trong năm 2018 sẽ tiếp tục được cải thiện.

Về phần các doanh nghiệp, khi thấy các ngân hàng ăn nên làm ra thì điều mà họ mong chờ nhất chính là những dòng vốn rẻ sẽ được cung ứng trong năm nay từ phía ngân hàng. Ngay sau yêu cầu ngành ngân hàng giảm lãi suất cho vay của Thủ tướng Chính phủ, tuần qua, hàng loạt ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay, tiên phong là Agribank, tiếp đến là VietinBank, Vietcombank, BIDV. Hiện tổng dư nợ của nền kinh tế là hơn 6 triệu tỷ đồng. Trong đó, khối ngân hàng quốc doanh chiếm khoảng 50% thị phần tín dụng, dư nợ cho vay lĩnh vực ưu tiên chiếm hơn một nửa trong số đó. Như vậy, với mức giảm lãi suất 0,5%/năm với lĩnh vực ưu tiên mà các ngân hàng thương mại nhà nước vừa triển khai, doanh nghiệp có thể tiết kiệm được hàng ngàn tỷ đồng lãi vay.

Việc giảm lãi suất của một số “ông lớn” ngay từ đầu năm sẽ tác động tốt tới tâm lý thị trường, tuy vậy, không phải doanh nghiệp nào thuộc lĩnh vực ưu tiên cũng được giảm lãi suất theo điều kiện mà các ngân hàng đặt ra. Chưa kể, để giảm lãi suất trở thành một làn sóng, thì vẫn cần phải chờ đợi thêm.

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), hiện nay, các ngân hàng quốc doanh vẫn “chuộng” cấp vốn cho các tập đoàn tư nhân lớn hoặc các doanh nghiệp nhà nước. Khối doanh nghiệp SME và tiểu thương chủ yếu chỉ tiếp cận được vốn qua các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân. Nói cách khác, các doanh nghiệp này chỉ được lợi nếu làn sóng giảm lãi suất lan ra toàn hệ thống.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn