MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà hội sở trong đình coi như đã không còn sử dụng được do đã quá xuống cấp. Ảnh: Trường Sơn

Ngôi đình cổ nhất Nam Bộ đang bị xuống cấp

Trường Sơn LDO | 02/10/2017 06:15

Có tuổi đời 319 năm, đình Thông Tây Hội (tọa lạc trên đường Thống Nhất, phường 11, quận Gò Vấp) được xây dựng từ năm 1698 để thờ 2 vị Thần là Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương – là hai vị Hoàng tử - con vua Lý Thái Tổ (thế kỷ XI) và các vị thần khác theo tín ngưỡng dân gian. 

Trải qua bao bể dâu thăng trầm thời cuộc, ngôi đình được nhiều lần trùng tu. Lần trùng tu lớn nhất là vào năm 1998 khi đình được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa nhanh, sự thay đổi thất thường của khí hậu và sự bào mòn của thời gian, hiện nay nhiều công trình trong đình đang xuống cấp nghiêm trọng và đang rất chờ sự quan tâm của các cơ quan chủ quản cũng như các cấp chính quyền địa phương.

Ngôi đình cổ nhất Nam Bộ

Ngày chúng tôi đến ngôi đình, không khí tại đây chộn rộn hơn so với ngày thường. Giải thích với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tý – Trưởng ban quản lý di tích cho biết do là ngày mồng Một Âm lịch nên bà con đến thắp nhang nhiều hơn ngày thường. Ông Tý cũng cho biết thêm, mấy ngày nay, ông cũng như những thành viên còn lại trong Ban quản lý cũng đang tất bật chuẩn bị cho lễ Kỳ Yên – lễ lớn nhất trong năm của đình diễn ra vào hai ngày 14-15 tháng Tám Âm lịch.

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh, ông Nguyễn Tân Tâm – Phó ban – kể sơ lược về lịch sử của ngôi đình với gần 320 năm tuổi. Theo ông Tâm thì bất cứ ngôi đình nào cũng được lập ra để thờ Thành Hoàng Làng. Tuy nhiên, điều đặc biệt là hai vị Thần Hoàng Làng mà ngôi đình này thờ là hai vị Hoàng Tử trên. Bởi khi lưu dân từ vùng Nghệ An vào lập nghiệp trên mảnh đất này, họ mang theo bài vị hai Hoàng tử này và dựng nên ngôi đình để thờ tự, xem hai vị Hoàng tử như Thần Hoàng Làng trên miền đất mới.

Ban đầu, đình chỉ được dựng đơn sơ bằng mái lá ở vị trí cách ngôi đình hiện hữu khoảng 800m. Đến năm 1883, người dân đóng góp xây dựng nên đình với mái ngói và các công trình khác với 156 cột tồn tại đến ngày hôm nay trên diện tích đất hơn 5.000m2. Qua quá trình đô thị hóa, một phần lớn đất quanh đình bị lấn chiếm, sau đó một phần được xây dựng trường học, sau này là nhà sinh hoạt công đồng của phường 11 nên diện tích còn lại của đình hiện chỉ còn hơn 1.500m2.

Đình được xây dựng với 3 công trình chính là chính điện, nhà võ ca và nhà hội sở. Từ cổng chính với đôi rồng được làm theo đề tài lưỡng long triệu nguyệt màu xanh ngọc bằng sứ trên mái ngói âm dương đi vào là bia Bạch Hổ, sau đó là bàn thờ Thần Nông, tiếp đến nhà võ ca rồi đi vào chính điện – đều có rồng lưỡng long triều nguyệt - theo một trục dọc. Bên phải chính điện là nhà hội sở tạo thành trục ngang – lối kiến trúc đình phổ dụng những năm cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Ngoài ra, hai bên còn có miếu thờ bà Chúa xứ và ngũ vị Nương Nương.

Chánh điện là nơi tập trung những trang trí đặc sắc nhất của ngôi đình này. Các đầu kèo, trính đều được chạm khắc đầu rồng và cành mai. Chính điện có 3 bao lam được phân bố ở giữa và hai bên có từ lúc khởi thủy của ngôi đình đến bây giờ. Bao lam giữa được chạm trổ theo đề tài lân – li – qui – phụng. Hai bao lam bên trái và bên phải được chạm trổ theo đề tài mẫu đơn – trĩ.

Sau hơn 3 thế kỷ, các bao lam, đồ thờ cúng trong chính điện vẫn giữ được lớp sơn son thếp vàng nguyên bản. Ngoài ra còn có hai trang thờ tả ban, bức hoành "chung linh lưu tú", hai cặp câu đối bằng thân cây dừa ở chánh điện đều là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Theo ông Tâm thì trong thời kỳ kinh tế khó khăn, có hàng chục hộ dân được cho vào đây ở khiến một số đồ thờ cũng bị thất thoát. Sau này, Ban quản lý được thành lập và phải sắm lại, tốn khá nhiều tiền của. Tuy vậy, hiện trong đình vẫn còn hàng chục hiện vật quí.

Xuống cấp nghiêm trọng

Theo ông Tâm thì hiện nay ngôi đình đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng do kể từ lần nâng cấp lớn nhất vào năm 1998 đến nay không có lần nào nâng cấp đáng kể. Cách đây nhiều năm, một phần chính điện, nhà hội sở và nhà võ ca bị mưa dột, xuống cấp nghiêm trọng. Trong đó, nhà hội sở hầu như không còn được sử dụng theo đúng chức năng là thờ tiên sư và để vật dụng, lo chuyện hàng ngày cho đình.

Hiện nay, toàn bộ công trình đã nằm sâu xuống đất gần nửa mét so với mặt bằng trong đình, toàn bộ mái ngói âm dương cũng bị tụt, 56 cây cột chống cho công trình này bị mục nát. Để đảm bảo an toàn, ban quản lý đã phải chuyển lên nhà võ ca để làm việc, tiếp khách hàng ngày cũng như tiến hành các bước hậu cần mỗi khi có lễ lộc, cúng đình.

Nhà võ ca cũng không thoát khỏi tình trạng xuống cấp. Ban đầu, nhà võ ca có chức năng là nơi để biểu diễn ca múa, hát bội khi đình cúng lễ Kỳ Yên, lễ mừng năm mới cũng như các lễ phụ trong năm.

Theo ông Tý thì năm nay ông đã 80 tuổi nhưng ngày ngày vẫn cùng những bô lão khác đến trông nom, chăm sóc, nhang khói cho đình dù không được nhận một đồng trợ cấp nào. Cách đây một thời gian, thành phố yêu cầu ban quản lý đình lên danh sách các hạng mục cần nâng cấp để bố trí kinh phí. Sau khi lên danh sách các hạng mục cần sửa chữa, trùng tu với kinh phí dự kiến khoảng 200 triệu đồng gửi lên đến nay đã lâu nhưng chưa thấy hồi âm.

Mới đây, trong khi chờ nguồn kinh phí của các cơ quan chủ quản, ban quản lý đã cùng bỏ tiền túi ra để đảo mái ngói nhà võ ca lại nên mới thoát khỏi cảnh nước tuôn xối xả xuống đầu mỗi khi trời mưa.

Còn theo ông Tâm thì do đây là di tích cấp Quốc gia nên việc sửa chữa gì cũng rất khó khăn và nghiêm ngặt. Trước đây, có 2 cây kèo trên mái nhà võ ca bị mục, cần sửa lại nếu không thì công trình sẽ sập nên ông bàn với anh em bỏ tiền ra sửa. Tuy nhiên, việc thay hai cây kèo này không hề đơn giản khi ban quản lý phải chụp hình, lên phương án gửi ra cho Cục Di sản và phải chờ rất lâu mới nhận được sự đồng ý của cơ quan này thì mới dám làm. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn