MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các ngân hàng đang đứng trước áp lực tăng vốn.

"Ngổn ngang" bài toán tăng vốn

B.Chương LDO | 01/04/2018 17:02

Nguồn vốn của nhiều ngân hàng thương mại hiện nay khá mỏng, khó đáp ứng được các yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) theo tiêu chuẩn Basel II. Đây là áp lực lớn đối với một số ngân hàng không chỉ trong năm 2018 mà sẽ kéo dài đến 2020.

Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đến cuối năm 2017, hệ số CAR toàn hệ thống ước đạt 11,1%, giảm so với cùng kỳ năm trước là 11,6%. Nguyên nhân do còn có 9/118 TCTD âm vốn tự có. Nếu loại trừ các TCTD này, CAR toàn hệ thống đạt khoảng 12,3%. Trong thời gian tới, để đảm bảo tỷ lệ CAR theo tiêu chuẩn Basel II, nhu cầu tăng vốn của các TCTD rất lớn, đặc biệt đối với các NHTM có vốn nhà nước. Đồng thời, các NHTMCP dù có hệ số CAR cao hơn nhưng theo Thông tư 41/2016, hệ số CAR mới được tính chặt chẽ hơn theo chuẩn Basel II có hiệu lực từ năm 2020. Lúc đó, tỷ lệ này tại một số NH có thể giảm mạnh. Theo đó, áp lực tăng vốn của các NHTM từ nay cho đến năm 2020 rất lớn.

Theo thống kê của NHNN, tại thời điểm tháng 8.2017, vốn điều lệ của các TCTD là 505.258 tỷ đồng. Trong đó, vốn điều lệ của nhóm NHTM có vốn nhà nước 147.699 tỷ đồng, chỉ tăng 0,79% so với cuối năm 2016. Hệ số CAR trung bình của nhóm NHTM có vốn nhà nước tại thời điểm tháng 8.2017 cũng chỉ ở mức 9,69%, thấp hơn so với mức 11,2% của nhóm NHTMCP và cao hơn một chút so với mức quy định tối thiểu 9% hiện hành. Nếu áp dụng Basel II, CAR của các NH này có thể xuống dưới mức 8%. Trước áp lực cải thiện hệ số CAR, đầu năm nay lãnh đạo các NHTM thuộc nhóm Big 4 nhấn mạnh đến sự cấp thiết phải tăng vốn.

Hiện chỉ mới có phương án tăng vốn của Vietcombank được Thủ tướng chấp thuận. Lãnh đạo VietinBank cho biết đã đề xuất Chính phủ về việc tăng vốn tại hội nghị này năm ngoái nhưng chưa được đáp ứng. Theo đó, VietinBank kiến nghị được giữ lại lợi nhuận hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu năm 2017, cũng như xem xét bổ sung vốn điều lệ cho NH từ các nguồn vốn khác, như từ Quỹ sắp xếp đổi mới doanh nghiệp. Còn theo lãnh đạo Agribank, để đảm bảo an toàn theo quy định, thực hiện thành công đề án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 và gia tăng lợi ích nhà nước khi cổ phần hóa, Agribank kiến nghị Chính phủ sớm cấp bổ sung vốn điều lệ cho NH, vì hiện Agribank vẫn là NHTM 100% vốn nhà nước nên việc tăng vốn điều lệ phụ thuộc vào ngân sách.

Về các NHTMCP lớn hiện cũng đang nỗ lực tìm giải pháp để tăng vốn đáp ứng điều kiện mới. Cụ thể, HDBank sau 2 lần tăng vốn trong năm 2017 đã đạt mức vốn điều lệ 8.828 tỷ đồng; MB tăng vốn thêm 1.000 tỷ đồng lên 18.155 tỷ đồng; VPBank tăng thêm 1.647 tỷ đồng, lên 15.706 tỷ đồng; ACB tăng thêm 1.882 tỷ đồng, lên 11.259 tỷ đồng; TPBank bán cổ phần cho PYN Elite Fund thu được gần 40 triệu USD… Đây là nhóm NH khá ổn trong vấn đề tăng vốn điều lệ cũng như đáp ứng các yêu cầu hệ số CAR hiện nay.

Trong khi đó, nhóm NHTMCP nhỏ hầu như chưa có động thái gì trong việc tăng vốn. Năm 2014, NHNN đã chấp thuận cho BaoVietBank tăng vốn điều lệ lên 5.200 tỷ đồng, nhưng cho đến nay vốn điều lệ của NH vẫn chỉ ở mức 3.150 tỷ đồng. Tương tự, cũng trong năm 2014 Saigonbank lên kế hoạch tăng vốn từ 3.080 tỷ đồng lên 4.080 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Còn với VietABank và NCB cũng liên tục giữ mức vốn điều lệ lần lượt là 3.500 tỷ đồng và 3.010 tỷ đồng trong nhiều năm liền. Nhiều NH khác cũng chỉ có mức vốn pháp định tối thiểu 3.000 tỷ đồng theo quy định như VietCapital Bank, KienlongBank, PGBank…

Sắp bước vào mùa ĐHCĐ, trong khi việc tăng vốn của các NH còn ngổn ngang, một số dự báo cho rằng năm nay nhiều NH sẽ tiếp tục chia cổ tức bằng cổ phiếu. Bởi đây là phương án khả thi nhất giúp NH mạnh vốn hơn trong thời điểm này và cơ quan quản lý cũng chuộng giải pháp này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn