MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vẽ Bác Hồ bằng tranh bút lửa trên gỗ - Ảnh nhân vật cung cấp.

Người họa sĩ vẽ Bác Hồ bằng tranh bút lửa trên gỗ

Diệu Thuần LDO | 02/09/2017 11:29

Được một người bạn tặng bức tranh bút lửa, họa sĩ Hồ Ngọc Hiếu lên mạng để học rồi vẽ bức tranh chân dung đầu tiên về Bác Hồ. Hiện ông đã có hơn 7 năm vẽ tranh bút lửa và vẽ được 32 bức tranh về Bác Hồ bằng bút lửa trên gỗ. Năm 2013, ông được Kỷ lục gia Việt Nam xác nhận người vẽ tranh Bác Hồ nhiều nhất Việt Nam bằng bút lửa trên gỗ.

Tranh bút lửa có nguồn gốc từ các bộ lạc ở châu Phi sống trong rừng, thường xuyên xảy ra tranh chấp lãnh thổ, vì thế, đi đến đâu là họ dùng cây sắt hơ lửa rồi ép lên cây làm ranh giới. Lâu ngày, việc làm của họ trở thành nghệ thuật, các họa sĩ sáng tạo thành tranh bút lửa.

Ở Việt Nam, Đà Lạt (Lâm Đồng) là cái nôi của tranh bút lửa. Người vẽ dùng bút lửa phác họa vài nét trên mặt gỗ hoặc vẽ thư pháp để bán chứ chưa mang tính nghệ thuật cao. Họa sĩ Hồ Ngọc Hiếu (SN 1960, quê ở Huế) là người vẽ tranh bút lửa theo mảng lớn đầu tiên ở nước ta. Ông cũng là người đầu tiên vẽ chân dung Bác Hồ bằng bút lửa, trên bề mặt gỗ.

Với 32 tác phẩm về Bác bằng bút lửa, năm 2013, ông được Kỷ lục gia Việt Nam xác nhận người vẽ chân dung Bác Hồ nhiều nhất Việt Nam bằng bút lửa. Năm 2014, ông lập tiếp kỷ lục là người thực hiện bộ tranh bút lửa phỏng theo các bức ảnh về cảnh Việt Nam cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 có số lượng nhiều nhất.

Vẽ để thỏa đam mê

Phòng tranh của họa sĩ Hồ Ngọc Hiếu nằm trên con đường nhỏ P.Long Thạnh Mỹ, Q.9, TP.HCM. Không đặt biển quảng cáo, không màu mè, phô diễn từ bên ngoài. Phải quan sát thật kỹ mới nhìn thấy tấm biển Tranh bút lửa do chính họa sĩ Hiếu vẽ đặt tận bên trong, xen lẫn cùng hàng trăm bức tranh khác. Họa sĩ Hiếu giải thích, ông vẽ tranh vì đam mê, sở thích chứ không phô trương hay vẽ tranh vì kinh tế. Chỉ cần ngày nào cũng được cặm cụi cầm cây bút lửa vẽ tranh là ông rất vui, nó giúp ông quên đi những ưu tư, muộn phiền trong cuộc sống.

“Bây giờ tôi lớn tuổi rồi, vẽ tranh chỉ vì đam mê thôi. Nếu vẽ để sống thì tôi đã có hơn 40 năm làm nghề rồi, phòng tranh của tôi cũng không đặt ở đây”, họa sĩ Hiếu nói. Ông kể, năm 18 tuổi ông từ Huế vào Sài Gòn đi vẽ tranh. Lúc đó, ông chỉ vẽ cho thỏa đam mê. Bước sang tuổi 20, ông bắt đầu vẽ tranh để kiếm tiền. Ông vẽ tranh sơn dầu, vẽ tranh sơn nước rồi chuyển sang chép tranh, phối màu cho các công trình du lịch… Nhưng do vẽ tranh, lấy kinh tế đặt lên hàng đầu nên nên tranh của ông chưa có sự khởi sắc.

Năm 2010, được người bạn tặng cho bức tranh bút lửa mua từ nước ngoài, nhìn thấy nét nghệ thuật đặc sắc của bức tranh, ông đặt câu hỏi: “Sao mình không làm được như người ta” (vì lúc đó, ở Việt Nam chưa vẽ được tranh bút lửa). Ông lên mạng tìm hiểu thông tin về thể loại này, xem các clip về cách vẽ, cách chế tạo cây bút lửa rồi tự học vẽ. Đầu tiên, ông đi kiếm những sợi dây đồng, lùng mua các thiết bị có thể chế tạo được cây bút lửa rồi về tự làm. “Ở nước ngoài, họ có cây bút lửa sẵn, người họa sĩ chỉ cần mua là được. Họ có thể mua được các ngòi bút khác nhau để vẽ được nét to, nét nhỏ, nét đậm, nét nhạt. Ở Việt Nam không có, tôi phải tự đi tìm những sợi dây đồng để về chế ngòi bút. Mày mò miết rồi cũng chế được từng ngòi bút to nhỏ khác nhau”, họa sĩ Hiếu chia sẻ.

Tiếp đến, ông lên mạng xem các clip về cách vẽ rồi tự học làm theo. Bức tranh bút lửa đầu tiên ông vẽ là chân dung về Bác Hồ. Theo họa sĩ Hiếu, tranh bút lửa chỉ có hai màu, màu tự nhiên của gỗ và màu cháy của lửa. Kỹ thuật vẽ vô cùng khó, đòi hỏi người họa sĩ phải có đam mê, tính kiên nhẫn, thắng không kêu, bại không nản. Nếu không tập trung có thể hỏng bất cứ lúc nào. Bởi, phải dùng để vẽ trên mặt gỗ phẳng; gỗ lại dễ cháy, lủng rồi không thể sửa được, phải mang đi bỏ, vì thế đòi hỏi người họa sĩ phải thành thạo, cẩn thận từng đường nét.

Họa sĩ Ngọc Hiếu và tranh bút lửa về Bác Hồ. 

Vẽ chân dung Bác Hồ

Lúc mới bắt tay vào vẽ, vẽ không đúng, phải bào gỗ để bắt đầu vẽ lại từ đầu, ông nản vô cùng. Việc xác định chủ đề để vẽ cũng vô cùng nan giải với ông, bởi chủ đề là yếu tố gắn với tên tuổi người họa sĩ. Có người gắn với chủ đề chân dung, người chủ đề phong cảnh, người thì gắn với chủ để về các lãnh tụ trên thế giới…

“Lúc đầu, tôi tính sẽ gặp chủ đề nào vẽ chủ đề đó, miễn là vẽ được tranh để bán là được. Con trai tôi bảo: “Ba muốn thành công và được nhiều người biết đến thì hãy đi theo một chủ đề và đừng tính chuyện kinh tế. Ba hãy đầu tư một chủ đề và đầu tư cho nó thì sẽ thành công”. Nghe lời con trai, ông quyết định chọn chủ đề chân dung để vẽ (chủ đề này là sở trường của ông nhưng ông chưa thành công). Tôi nghĩ, mình sống và làm việc ở thành phố mang tên Bác thì tại sao lại không thể hiện một bức tranh về Người bằng bút lửa. Và tôi đã thành công về chủ đề này”, họa sĩ Hiếu tâm sự.

Theo họa sĩ Hiếu, vẽ chân dung rất đặc biệt. Khi vẽ một người nào đó thì phải nghĩ về từng đường nét của họ. Tranh phải giống và phải có hồn. “Vẽ bức tranh mà người ta đang nhìn thì phải thể hiện ở ánh mắt, nhìn xa xăm hay lo âu. Nếu bức tranh vẽ không có hồn thì giống như tranh hoạt hình, ký họa mà thôi”, ông nói. Người họa sĩ cũng phải biết nhân vật của mình lúc đó đang làm gì, ở đâu, cảm xúc thể nào để đến khi khách hỏi mình biết mà trả lời.

“Khi vẽ về Bác, tôi dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu những tư liệu về Người. Bác ở đâu, làm gì, vào thời điểm nào, lúc đó tâm trạng, cảm xúc Bác thế nào tôi phải tìm hiểu hết”, họa sĩ Hiếu nói.

Có người đã hỏi ông, đi theo loại tranh này (tranh bút lửa) thì được gì và mất gì. Ông vô tư đáp, vẽ tranh bút lửa không phải tốn nhiều tiền mua vật liệu, chỉ cần đốt lửa lên rồi vẽ tranh thôi. Đổi lại, ông được rất nhiều thứ. Thứ nhất là nhiều người biết đến mình. Thứ hai là được thỏa mãn niềm đam mê. Thứ ba là không buồn vì có việc làm hằng ngày. “Ngày nào tôi cũng ngồi vẽ tranh. Mỗi lần ngồi miệt mài vẽ, tôi như quên đi hết mọi chuyện. Thế giới của tôi như gói gọn trong bức tranh”.

Mong có học trò tiếp nối

Ngoài vẽ tranh về chân dung Bác Hồ, các nhân vật nổi tiếng trên thế giới như: Lê-Nin, Tổng thống Putin, Obama…, họa sĩ Hiếu còn vẽ những bức tranh về những bức ảnh nổi tiếng được nhiếp ảnh gia chụp lại, tranh về chủ đề Việt Nam xưa như: Hồ Gươm, Cầu Long Biên, Văn Miếu quốc tử giám, Hạ Long xưa, tranh thư pháp, tranh đồng quê.

Ông cho biết, sắp tới, ông sẽ thuê mặt bằng để đưa phòng tranh của mình ra đường lớn. Ở đó, ông sẽ thu nhận học trò tuyền lại kinh nghiệm của mình cho họ. “Có một vài học trò có đam mê với tranh lửa đến theo học, nhưng chỉ được thời gian là nghỉ, vì không bám trụ được. Vẽ tranh lửa không chỉ có đam mê mà hội tụ rất nhiều thứ, đam mê, tính kiên trì và đừng nghĩ về kinh tế. Vừa vẽ tranh, vừa lo kinh tế sẽ chẳng bao giờ thành công. Mấy đứa học trò nghỉ cũng vì lý do, có đam mê mà chưa có kinh tế. Vì thế, các em học được thời gian, vẽ được vài đường nét rồi xin nghỉ để đi làm kinh tế”, họa sĩ Hiếu chia sẻ.

Vì thế, tới đây, ông mở xưởng tranh để vừa thu nhận học trò, vừa tạo việc làm cho họ, để họ yên tâm học, còn ông sẽ có dịp truyền lại kinh nghiệm về tranh bút lửa cho học trò của mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn