MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nông dân kiểm tra diện tích mì bị nhiễm dịch bệnh khảm lá tại huyện Tân Biên.

Nguy cơ mất mùa vì dịch khảm lá mì ở Tây Ninh

Xuân Lâm LDO | 30/09/2017 08:31

Từ nhiều tháng nay, các hộ nông dân trồng mì tại tỉnh Tây Ninh như “ngồi trên lửa” vì có một loại dịch bệnh lạ lần đầu tiên xuất hiện có tên gọi là khảm lá mì tấn công. Với tốc độ lây lan nhanh, loại dịch bệnh này lại chưa có thuốc đặc trị nên hàng ngàn nông dân đang đứng trước nguy cơ trắng tay trên những ruộng mì đang vào kỳ thu hoạch.

Lan nhanh và khó phòng trừ

Đứng trên ruộng mì của mình, ông Phạm Văn Hoà, ấp Tân Đông 1, xã Tân Lập, huyện Tân Biên như thẫn người đi khi chứng kiến diện tích cây mì của gia đình bị loại dịch bệnh khảm lá lây lan ngày một nhiều. Theo ông Hoà, tuy chưa thống kê được cụ thể diện tích bị nhiễm bệnh là bao nhiêu nhưng với những diện tích bị nhiễm bệnh, ông có thể mất đi 10 triệu đồng/ha mì so với các năm trước đây vì cây mì bị bệnh cho năng suất rất thấp, chất lượng củ mì cũng vì thế mà đi xuống. Với 18 ha mì trồng, trong tình hình dịch bệnh khảm lá diễn biến phức tạp như hiện nay, ông Hoà khẳng định, trong các vụ mì năm nay gia đình ông sẽ thiệt hại một khoản thu nhập không hề nhỏ.

Cùng chung cảnh ngộ, toàn bộ ruộng mì của ông Trần Văn Hiếu, nông dân trồng mì ngụ xã Phước Vinh, huyện Châu Thành cũng rơi vào tình cảnh còn thảm hại hơn khi toàn bộ diện tích mì của ông Hiếu đã bị nhiễm bệnh khảm lá. Lúc đầu ông Hiếu không rõ bệnh gì nên mua thuốc về xịt hy vọng sẽ cứu được ruộng mì nhưng qua nhiều lần phun thuốc, ruộng mì càng bị nặng thêm. Cuối cùng, anh đành chấp nhận nhổ bỏ và tiêu huỷ toàn bộ diện tích mỳ theo sự kêu gọi của chính quyền địa phương. Anh Hiếu cho biết, mỗi công đất trồng mì anh đầu tư 13 triệu đồng, nay phải tiêu huỷ hoàn toàn, sau khi tính chi phí được hỗ trợ từ địa phương, anh vẫn lỗ 10 triệu đồng/công đất trồng mì.

Theo Cục bảo vệ thực vật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, bệnh khảm lá mì (tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic Vius (viết tắt là SLCMV)) là bệnh rất nguy hiểm và khó phòng trừ, đã xuất hiện và gây hại nặng trên cây mì tại Campuchia và hiện đã lây lan sang Lào. Bệnh này lây truyền qua bọ phấn trắng và qua hom giống lấy từ cây bị bệnh. Dịch bệnh xuất hiện ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây mì. Với triệu chứng trên lá có những vết vàng loang lổ xen lẫn phần xanh. Khi bị nặng, vết vàng lan rộng ra trên phiến lá, lá biến dạng nhăn nheo, hơi cuốn lại và nhỏ đi. Bệnh khảm lá mì có nguy cơ gây hại nghiêm trọng, làm giảm năng suất và chất lượng mì; nếu nhiễm bệnh từ khi còn non cây mì không cho thu hoạch. Theo các nông dân trồng mì, dịch bệnh này từ trước tới nay họ chưa từng gặp phải nên khi dịch lây lan với tốc độ chóng mặt khiến nhiều nông dân rất lo lắng trước viễn cảnh mất trắng vụ mì năm nay.

Thống kê đến ngày 18.9 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, toàn tỉnh hiện có hơn 5.800 trong tổng số hơn 15.800 ha mì chưa thu hoạch bị nhiễm bệnh tại 7/9 huyện, thành phố trong tỉnh như: huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu thành... Đáng nói, vào tháng 5.2017, trên địa bàn chỉ mới phát hiện 4 ha bị nhiễm tại xã Tân Hà (huyện Tân Châu). Đây lại là dịch mới, khó phòng trừ và lây lan rất nhanh và chưa có thuốc đặc trị nên không khỏi khiến người dân bất an trước nguy cơ bị mất mùa.

Tiêu huỷ và chuyển đổi cây trồng

Đó là khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tây Ninh đối với các hộ nông dân trồng mì nhằm “cứu” các diện tích mì chưa bị nhiễm bệnh cũng như tiêu diệt các mầm mống gây bệnh trong các vụ mì tiếp theo. Thời gian qua, thông qua các công tác tuyên truyền dập dịch, phun xịt ngăn chặn lây lan, tiêu huỷ diện tích mì bị nhiễm bệnh, tuy nhiên các hoạt động này diễn tiến khá chậm chạp khiến việc dập dịch gặp không ít khó khăn. Đơn cử, sau 4 tháng phát hiện dịch, toàn tỉnh hiện chỉ mới tiêu huỷ (biện pháp tốt nhất để ngăn chặn sự lây lan) được hơn 1.600/5.800 ha mì, đạt 27,7%.

Ông Võ Đức Trong, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tây Ninh cho biết, công tác dập dịch, ngăn chặn sự lây lan hiện vẫn tồn tại những hạn chế như: Việc phun thuốc trừ bọ phấn trắng kéo dài; người nông dân vẫn còn tâm lý “tiếc” diện tích mì sắp đến vụ thu hoạch nên “chần chừ” trong việc nhổ bỏ, tiêu huỷ trong khi đó, dự báo thời gian tới, dịch bệnh này vẫn còn nhiều nguy cơ tăng diện tích nhiễm bệnh. Để ngăn chặn dịch bệnh trong các vụ sau, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân nên chuyển sang cây trồng mới như mía, bưởi, điều,… thay thì tiếp tục trồng mì trên những diện tích đã nhiễm bệnh. Với những diện tích mì chưa bị nhiễm bệnh, nếu nông dân trồng mì thì phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật phòng trừ bệnh khảm lá cây khoai mì theo hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật, nếu không dịch bệnh này sẽ “sống lại” và có thể gây thiệt hại nặng nề hơn. Đứng ở góc độ nhà khoa học, theo GS.TS Nguyễn Thơ, chuyên gia về Bảo vệ thực vật, nông dân Tây Ninh muốn phát triển bền vững cây mì thì phải hạn chế sử dụng thuốc hoá học lẫn phân bón hóa học. Thay vào đó, nông dân nên tìm hiểu và tăng cường sử dụng các giải pháp an toàn, bền vững hơn như dùng phân bón hữu cơ, hạn chế tối đa dùng thuốc bảo vệ thực vật, thực hiện đúng các quy trình sản xuất sạch,…

Thời gian qua, UBND tỉnh cũng đã triển khai việc hỗ trợ chi phí tiêu hủy cây mì bị nhiễm bệnh khảm lá. Theo đó, diện tích khoai mì có tỷ lệ nhiễm dưới 30% nông dân tự bỏ chi phí nhổ, đốt cây nhiễm bệnh. Diện tích có tỷ lệ nhiễm từ 30 - 70%, nông dân hỗ trợ 5.220.000 đồng/ha. Diện tích nhiễm trên 70% được hỗ trợ 1.400.000 đồng/ha (diện tích này chỉ tính công cày, phun thuốc, nước). Đối với vụ trồng tới, nông dân cũng được hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha tỷ lệ thiệt hại do tiêu hủy từ 30 - 70%. Tỉnh cũng đang kiến nghị hỗ trợ cho các nông dân có diện tích mì bị nhiễm dưới 30% để nông dân yên tâm hủy bỏ diện tích mì bị bệnh. 

Nhằm bảo vệ vùng nguyên liệu khoai mì giữa Tây Ninh và 3 tỉnh giáp biên của Campuchia là Tbong Khmum, Svay Rieng và Prey Veng, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch khảm lá cây khoai mì cấp tỉnh tổ chức làm việc với các tỉnh bạn để thông tin về tình hình phòng chống dịch bệnh phía Tây Ninh và đề nghị các tỉnh bạn kiểm tra các vùng sản xuất để có phương án phòng chống dịch. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tây Ninh cũng sẽ phối hợp tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật về bệnh khảm lá mì cho các tỉnh nước bạn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn