MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều chuyên gia nhận định lãi suất vay sẽ theo chiều hướng giảm giai đoạn cuối năm. Ảnh: Thanh Vy

Nhiều yếu tố hỗ trợ giảm lãi suất vay

G.Miêu LDO | 19/08/2017 18:00

Theo báo cáo tình hình kinh tế tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2017 của Ủy Ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC), tín dụng tháng 7 tiếp tục tăng trưởng tích cực. Ước tính đến hết tháng 7.2017, tín dụng tăng 9,3% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 8,8%).

Thống kê với 19 ngân hàng đã công bố số liệu tài chính, tổng dư nợ tín dụng tăng thêm trong 6 tháng đầu năm của 19 ngân hàng này đạt 362.420 tỉ đồng, tuy nhiên tổng huy động tăng thêm chỉ đạt hơn 338.000 tỉ. Trong đó tốc độ tăng trưởng tín dụng gộp chung 19 ngân hàng này đạt 9,6% nhưng huy động chỉ tăng 7,88%. Còn về số tuyệt đối, sự chênh lệch giữa tín dụng và huy động khoảng 24.400 tỉ đồng trong nửa đầu năm 2017. Đây cũng là lần đầu tiên trong nhiều năm gần đây 4 quý liên tiếp cho vay tăng thêm vượt huy động.

Tỷ trọng tín dụng trung và dài hạn có xu hướng giảm. Tín dụng trung và dài hạn ước chiếm khoảng 53,9% tổng tín dụng (cuối năm 2016 là 55,1%). Tín dụng ngắn hạn chiếm khoảng 46,1% (cuối 2016 là 44,9%). Cũng theo báo cáo, cơ cấu tín dụng theo loại tiền được duy trì ổn định. Trong đó, tín dụng VNĐ chiếm khoảng 91,7%; ngoại tệ là 8,3% trong tổng tín dụng.

Về tình hình lãi suất, theo đánh giá của NFSC, lãi suất huy động tương đối ổn định trên thị trường 1. Lãi suất cho vay cũng có dấu hiệu giảm dần sau khi NHNN hạ lãi suất điều hành và trần lãi suất cho vay ngắn hạn một số lĩnh vực ưu tiên. NFSC cho rằng, trong những tháng cuối năm 2017, việc giảm lãi suất đang có nhiều yếu tố hỗ trợ trong và ngoài nước như áp lực từ phía tỷ giá không quá lớn. Đồng USD đã giảm hơn 7% so với đầu năm và khả năng Fed tăng lãi suất trong năm nay hiện xuống dưới 50%.

Bên cạnh đó, lạm phát nhiều khả năng đạt dưới mục tiêu Quốc hội đề ra (4%). Việc phát hành trái phiếu chính phủ 5 tháng còn lại của năm 2017 chỉ còn khoảng 25% kế hoạch. Lợi suất trái phiếu chính phủ các kỳ hạn cũng đồng loạt giảm 0,2-0,3 điểm % so với cuối tháng 6, thấp hơn khoảng 1 điểm % so với cùng kỳ 2016 ở các kỳ hạn, tạo điều kiện hỗ trợ việc giảm lãi suất đối với khu vực ngân hàng.

Một yếu tố khác là động thái từ nhà điều hành đang hỗ trợ cho việc giảm lãi suất. Trong tháng 7, NHNN hạ lãi suất điều hành. Cùng với đó, trần lãi suất cho vay ngắn hạn cũng được NHNN điều chỉnh giảm đối với các lĩnh vực ưu tiên. Đáng chú là nút thắt nợ xấu đã có cơ chế pháp lý thuận lợi khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 ngày 19.7 vừa qua.

Về câu chuyện hạ lãi suất, các chuyên gia tài chính cũng có nhận định cho rằng, việc hạ lãi suất cho vay cũng tác động đến ngân hàng thương mại. Ở khía cạnh tích cực, đây là cơ hội để các ngân hàng tăng dư nợ tín dụng, có điều kiện tăng tính cạnh tranh và giành thị phần, thị trường. Tuy nhiên, việc các ngân hàng giảm lãi suất cho vay trong khi lãi suất huy động chưa giảm sẽ ảnh hưởng tới thu nhập ròng của ngân hàng. Dẫu vậy, câu hỏi mà các chuyên gia đặt ra trong bối cảnh lạm phát thấp và nợ xấu đã giảm phần nào, các ngân hàng có thể xem xét giảm thêm lãi suất hay không? Bởi vì hiện nay xét trên mặt bằng chung các doanh nghiệp nước ta vẫn đang phải chịu lãi suất cao hơn so với các nước trong khu vực.

Đơn cử ở Thái Lan, lãi suất chỉ khoảng 4,5%/năm, ở Trung Quốc chỉ 3,2%/năm, trong khi lãi suất ngân hàng ở Việt Nam cho DN khoảng 8 - 9%/năm. Nếu tính cả các chi phí khác để tiếp cận tín dụng ngân hàng, chi phí vốn vay còn cao hơn nữa.

Liên quan đến đề xuất này, báo cáo vĩ mô và thị trường chứng khoán Việt Nam tháng 8 của Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam dự đoán khả năng sẽ có thêm một đợt giảm lãi suất cho vay. Theo KIS Việt Nam, quyết định cắt giảm lãi suất hồi tháng 7 của NHNN mang tính thăm dò phản ứng thị trường do tâm lý thận trọng của NHNN. Do đó, cần thời gian để đánh giá tác động của chính sách này. Trong trường hợp tích cực, không loại trừ khả năng về một đợt giảm tiếp khoảng 0,25% và kéo dài đến giữa năm 2018. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn