MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PGBank đã tìm được ngôi nhà mới.

PGBank về chung nhà với HDBank

B.Chương LDO | 01/05/2018 07:02

Câu hỏi về tương lai của PGBank đã chính thức có câu trả lời tại Đại hội cổ đông ngân hàng HDBank cuối tuần qua sau khi các cổ đông của HDBank bỏ phiếu thông qua kế hoạch hợp tác chiến lược với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và nhận sáp nhập Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xăng dầu Petrolimex (PG Bank).

Bà Lê Thị Băng Tâm – Chủ tịch HĐQT HDBank - cho biết, HDBank đã xem xét việc kết hợp các ưu thế của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, PLX), cùng với năng lực nội tại và M&A của HDBank để tạo thêm sức mạnh cho sự phát triển. Sau thời gian chuẩn bị, HĐQT HDBank trình cổ đông thông qua việc sáp nhập PGBank vào HDBank, và Đề án sáp nhập hai ngân hàng. 

Việc sáp nhập PGBank vào HDBank được thực hiện thông qua phương thức hoán đổi cổ phiếu. Theo đó, HDBank sẽ phát hành cổ phiếu và sử dụng số cổ phiếu này để hoán đổi lấy toàn bộ số cổ phiếu đang lưu hành của PGBank. Ước tính và lượng hóa những lợi ích mang lại từ việc sáp nhập, hai ngân hàng sẽ trình ĐHĐCĐ chấp thuận tỷ lệ hoán đổi là 1:0.621 (1 cổ phiếu PGBank đổi lấy 0.621 cổ phiếu HDBank). Thời gian hoán đổi dự kiến là tháng 7 tới, sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chấp thuận.

Sau khi hoán đổi cổ phiếu cho toàn bộ cổ đông của PGBank theo tỷ lệ hoán đổi được xác định, số cổ phần mới phát hành còn lại này sẽ trở thành cổ phần phổ thông, có kèm điều kiện mua lại và được chào bán cho các cổ đông hiện hữu của HDBank với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Số cổ phần này sẽ được HDBank (sau sáp nhập) mua lại làm cổ phiếu quỹ, với giá mua lại tối đa là 13.000 đồng/cổ phiếu.

Về phía PGBank, toàn bộ số cổ phần được hoán đổi đã xác định sẽ bị phong tỏa, đồng thời chỉ được chuyển nhượng 30% sau 6 tháng. Tiếp tục  70% còn lại sẽ chuyển nhượng sau 12 tháng kể từ ngày sáp nhập chính thức.

Nói về lợi ích của việc sáp nhập, Phó Chủ tịch HĐQT HDBank Nguyễn Thị Phương Thảo, cho hay việc sáp nhập sẽ giúp cho HDBank tiếp cận hệ sinh thái với khối lượng trên 20 triệu khách hàng cùng 4.000 điểm bán lẻ của Petrolimex. HDBank có thể gia tăng thêm sản phẩm cho Petrolimex như sản phẩm phái sinh. PGBank có kế hoạch, tham vọng trở thành ngân hàng bán lẻ phù hợp với chiến lược HDBank, như cung cấp dịch vụ tài chính tiêu dùng, SME, thương gia thương lái, bảo hiểm, các hoạt động quốc tế rộng rãi.

Nhiều cổ đông lo ngại tình hình nợ xấu của PGBank có thể gây khó khăn cho HDBank trong việc xử lý. Tuy nhiên, lãnh đạo HDBank cho rằng nợ xấu của PGBank có thể kiểm soát được. Hiện PG Bank có 600 tỷ đồng nợ xấu, số dư nợ bán cho VAMC là 2.200 tỷ đồng. Ngân hàng đã trích lập 850 tỷ đồng, thu nợ VAMC khoảng 200 tỷ đồng. Tất cả khoản nợ xấu này đều có tài sản đảm bảo là bất động sản, ước tính bán thu về tối thiểu khoảng 70% nợ VAMC, tương đương 1.400-1.500 tỷ đồng.

Về chủ trương sáp nhập với PGBank, đại diện Ngân hàng Nhà nước, bà Nguyễn Thị Phi Loan, Cục phó Cục Thanh tra giám sát NHNN chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, mục tiêu của việc sáp nhập là nâng cao hiệu quả hoạt động, đặc biệt đẩy mạnh bán lẻ. HDBank là ngân hàng có kinh nghiệm M&A, còn PGBank là ngân hàng quy mô nhỏ và cũng có những tồn tại yếu kém nhưng không quá nặng nề như các ngân hàng khác để có thể ảnh hưởng tới hoạt động của ngân hàng. Do đó, NHNN hi vọng HDBank sẽ có những đánh giá, những biện pháp xử lý để đem lại hoạt động tốt nhất và lợi ích cao nhất cho cổ đông.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn