MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Niềm vui của một hộ dân trong ngày đầu được buôn bán trong phố ẩm thực Bách Tùng Diệp. Ảnh: Trường Sơn

Phố ẩm thực thứ hai ở Sài Gòn: Thêm cơ hội cho những người bám vỉa hè mưu sinh

Trường Sơn LDO | 08/10/2017 09:30

Sau sự ra đời và hoạt động hiệu quả của phố ẩm thực vỉa hè đường Nguyễn Văn Chiêm, UBND quận 1 lại tiếp tục cho khai trương tuyến phố ẩm thực thứ 2 tại công viên Bách Tùng Diệp. Với nhiều thuận lợi hơn mô hình trước, phố ẩm thực thứ hai này thực sự là cánh cửa để những hộ khó khăn bám vỉa hè mưu sinh có được cơ hội an tâm buôn bán, cải thiện cuộc sống.

Niềm vui của những người bám vỉa hè mưu sinh

Không giấu được niềm vui mừng khi có được chỗ bán sạch đẹp thoáng mát tại công viên Bách Tùng Diệp, hai chị em bà Nguyễn Thị Ẩn và Nguyễn Thị Kiều Long (ngụ phường Bến Nghé) cho biết, trước đây bán hàng rong góc Nguyễn Du và Pasteur. Suốt hàng chục năm bám vỉa hè mưu sinh, biết là vi phạm qui định của nhà nước nhưng vì khó khăn quá nên cứ làm liều.

Cách đây mấy tháng, được tin Ủy ban phường Bến Nghé có chủ trương đưa 30 hộ cận nghèo buôn bán vỉa hè vào công viên buôn bán và hỗ trợ tất cả chi phí, thậm chí khám sức khỏe, học vệ sinh an toàn thực phẩm nên người chị là bà Ẩn liền xin được tham gia. Sau khi hoàn thành tất cả các thủ tục, hai chị em được phát đồng phục, chính thức vào bán ở đây vào sáng ngày 2.10.

“Bán ở đây rất an tâm, lại được không gian mát mẻ, có bàn ghế, tủ bếp nhà nước tài trợ cho…quả thực không có gì vui bằng. Sáng nay, bán trong vòng 3 tiếng mà hai chị em bán được mấy chục tô bún, nui, cảm thấy mừng lắm. Hy vọng người dân biết đến chỗ này càng nhiều để hai chị em bán được nhiều hơn, cải thiện được cuộc sống” – Bà Ẩn thổ lộ.

Cũng đồng cảnh ngộ bám vỉa hè mưu sinh như hai chị em bà Ẩn, chị Bùi Thị Kim Phượng cho biết, trước đây bán hàng rong ở đường Bùi Thị Xuân. Sau hơn 20 năm buôn bán, trong chiến dịch lập lại trật tự đô thị vừa rồi chị được chính quyền địa phương vận động đăng ký vào nơi buôn bán mới.

“Nghe cán bộ nói là nhà nước sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí, tôi mừng lắm. Có được chỗ bán sạch sẽ, lại được tài trợ bàn ghế cho khách ăn uống tại chỗ, quả thật đây cứ như là giấc mơ mà trước đây chúng tôi không dám nghĩ đến. Cảm ơn chính quyền đã giúp đỡ cho dân nghèo chúng tôi có được nơi buôn bán làm ăn ổn định thế này” – chị Phượng vui mừng.

Khi được hỏi là có hy vọng tại nơi bán mới sẽ tốt hơn chỗ cũ không thì ai cũng tin tưởng rằng với điều kiện buôn bán mới sẽ có được thu nhập tốt hơn. “Sáng nay dù mới là ngày đầu, khách chưa đông nhưng tôi cũng bán được mấy chục tô bún rồi, bằng cả ngày bán ở vỉa hè lúc trước. Tôi mong rằng không chỉ riêng mình mà tất cả 30 hộ buôn bán nơi đây sẽ luôn bán đắt hơn” – chị Phượng hồ hởi nói.

Dù còn đôi chút âu lo vì lượng khách chưa được đông trong những ngày đầu bán ở chỗ mới nhưng chị Kim Nguyệt vẫn kỳ vọng rằng sắp tới mình sẽ bán được nhiều hơn khi người dân biết đến phố ẩm thực mới này. Chị Nguyệt cho biết, suốt 20 năm bán bánh mì trên hè đường Pasteur, chị có được lượng khách quen, mỗi ngày bán được khoảng 100 ổ.

Tuy nhiên, điều khiến chị lo lắng là hàng ngày phải lo đối phó với lực lượng trật tư đô thị đi kiểm tra. “Có lần mấy ảnh đến bất ngờ quá, mình chưa kịp thu gom để chạy nên đồ đạt rơi xuống hết, coi như ngày đó lỗ vốn. Giờ bán ở đây, nghĩ lại thấy cảm thông cho mấy anh ấy vì thành phố sạch đẹp phải đi làm nhiệm vụ” – chị Nguyệt tâm sự.

Hướng đi mới để thành phố sạch đẹp, duy trì nét ẩm thực đường phố

Phố ẩm thực tại công viên Bách Tùng Diệp là mô hình ẩm thực đường phố thứ 2 của quận 1 được thành lập sau chiến dịch lập lại trật tự đô thị trên địa bàn. Theo UBND quận 1, ở đây có tất cả 30 hộ dân được tài trợ toàn bộ kinh phí mua sắm tủ bếp, bàn ghế, đào tạo VSATTP, khám sức khỏe, được phát đồng phục.

30 hộ này được chính quyền địa phương vận động đăng ký vào đây buôn bán, đa phần là hộ nghèo, cận nghèo buôn bán trên vỉa hè các tuyến đường hàng chục năm nay. Việc giải quyết nơi buôn bán ổn định cho các hộ này là điều mà quận 1 đã tính đến từ nhiều năm nay để giải quyết dứt điểm tình trạng người bán hàng rong trên địa bàn, góp phần giải quyết căn cơ tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán gây mất trật tự mỹ quan đô thị.

Do được thành lập sau nên hình thức những tủ bán thức ăn ở đây đẹp và sáng sủa hơn ở đường Nguyễn Văn Chiêm rất nhiều. Có tổng cộng 15 tủ đựng thức ăn được làm bằng gỗ, mái cũng được che bằng gỗ rất đẹp và sạch sẽ.

Chưa kể, ở đây còn được bố trí nhiều dãy bàn bằng gỗ, có ghế băng dài để khách có thể thưởng thức món ăn mình ưa thích tại chỗ. Sau ca bán từ 6-9 giờ sáng, 15 hộ dân đưa tủ bàn vào gửi trong công viên để 15 hộ còn lại thay phiên bán ca trưa từ 11-14 giờ.

Một hộ bán bún tại đây cho biết, tất cả thức ăn được chuẩn bị sẵn ở nhà, chỉ cần mang ra rồi cho lên bếp điện được nhà nước trang bị sẵn hâm nóng là có thể bán được cho khách được . Điều thuận lợi hơn nữa là nơi đây có bàn để khách ăn tại chỗ, chén bát sau đó sẽ được đưa về nhà để rửa. Tất cả rác thải ra sẽ được các hộ kinh doanh thu gom nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường.

Theo ông Đoàn Ngọc Hải – Phó Chủ tịch quận 1 - UBND quận 1 đã ấp ủ ý tưởng này từ năm 2016 nhưng sau nhiều bước tiến hành, khảo sát, vận động…giờ mới thực hiện được. Từ ngày này, bên cạnh phố ẩm thực tại đường Nguyễn Văn Chiêm, đây sẽ là nơi người dân và du khách quốc tế ăn uống, thưởng thức những món ăn đặc trưng trong văn hóa ẩm thực của TPHCM.

Thời gian tới, quận 1 sẽ cố gắng xử lý nạn gánh hàng rong chèo kéo khách du lịch, đồng thời sẽ nghiên cứu thêm một số khu vực khác trên địa bàn quận, có không gian sạch sẽ, rộng rãi để tiếp tục thiết lập phố ẩm thực khác cho các hộ dân nghèo, hoàn cảnh khó khăn mà chưa có điều kiện chuyển đổi được ngành nghề phù hợp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn