MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
HĐXX cấp sơ thẩm tuyên án vụ tranh chấp về hợp đồng vay tài sản giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Thanh Đình, bà Nguyễn Thị Minh với bị đơn là bà Trần Thị Ngọc Mai. Ảnh: HT

TAND cấp cao đề nghị hủy toàn bộ bản án phúc thẩm và sơ thẩm

Hàn Nguyên LDO | 26/06/2017 06:36
Sau 2 phiên xét xử sơ thẩm và phúc thẩm vụ án tranh chấp về hợp đồng vay tài sản giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Thanh Đình, bà Nguyễn Thị Minh với bị đơn là bà Trần Thị Ngọc Mai (cùng trú tại TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị), đầu tháng 6.2017 - Tòa án nhân dân (TAND) cấp cao tại Đà Nẵng đã có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm. Theo đó, quyết định kháng nghị đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy toàn bộ bản án phúc thẩm và sơ thẩm đã tuyên đối với vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản ở trên.

Bằng chứng “không có cơ sở”

Ngay từ phiên xét xử sơ thẩm vụ án nói trên, Báo LĐĐS số 36 ngày 20.9.2015 đã có bài viết “Người làm chứng tố tòa “viết thêm” ở biên bản xác minh”, và đến ngày 6.2.2015 - LĐĐS số 47 tiếp tục đăng bài “Xét xử phúc thẩm vụ người làm chứng tố tòa “viết thêm” ở biên bản xác minh: Viện kiểm sát xác định không đủ cơ sở, tòa phúc thẩm vẫn tuyên y án”.

Trở lại vụ án nói trên, theo đơn khởi kiện của ông Đình và bà Minh (gọi tắt là ông Đình) cho thấy, năm 2008 ông Đình đã cho bà Mai vay 100 triệu đồng. Từ 2009-2010, bà Mai nhờ ông Đình vay giúp 11 lần nữa với số tiền hơn 1 tỉ đồng, tổng cộng các lần vay là 1 tỉ 160 triệu đồng. Do bà Mai không trả lãi đúng cam kết, nên ngày 27.6.2010, các bên thống nhất lập “giấy xác nhận nhờ vay tiền” để tổng hợp lại 12 lần vay và ấn định “lãi thanh toán hàng tháng khi đến hạn tính từ ngày vay là 27.6.2010, gốc trả trong vòng 2 tháng khoảng đến chậm nhất là 30.8.2010 sẽ thanh toán toàn bộ”. Trong quá trình đó, bà Mai có trả số tiền gốc 50 triệu đồng và sau đó là 250 triệu đồng, còn lại 860 triệu đồng chưa trả nên ông Đình khởi kiện ra tòa.

Về phía bà Mai thừa nhận có vay 100 triệu đồng vào năm 2008 và đã trả 50 triệu đồng. Còn giấy xác nhận nhờ vay tiền thì bà Mai có ký, rồi nhờ ông Đình vay hơn 1 tỉ đồng nhưng ông Đình không thực hiện. Còn số tiền 250 triệu đồng trả cho ông Đình là khoản nợ khác, không liên quan đến vụ việc ông Đình khởi kiện. Tại 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, HĐXX căn cứ vào “giấy xác nhận nhờ vay tiền” nói trên để đưa ra kết luận, buộc bà Mai phải trả cho ông Đình số tiền 860 triệu đồng (đã trừ đi 50 triệu đồng và 250 triệu đồng đã trả).

Tuy nhiên, dựa vào chứng cứ là “giấy xác nhận nhờ vay tiền” này, TAND cấp cao tại Đà Nẵng lại đưa ra nhận định trái ngược. Cụ thể, trong giấy nhờ vay tiền không có nội dung thể hiện ngày 27.6.2010, ông Đình và bà Mai có giao nhận số tiền vay hơn 1 tỉ đồng, bên cạnh đó cũng không có nội dung thể hiện chốt nợ 12 khoản vay như lời ông Đình khai. Ngoài ra, trong giấy xác nhận có nội dung về lãi thanh toán không có ý nghĩa khẳng định ngày 27.6.2010 bà Mai có nhận tiền vay của ông Đình, đây chỉ là thời gian bắt đầu tính lãi kể từ ngày này nếu bà Mai có vay tiền.

Với những nhận định nêu trên, chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng thấy rằng, căn cứ vào nội dung “giấy xác nhận nhờ vay tiền” ngày 27.6.2010 thì không có cơ sở xác định bà Mai có vay các khoản tiền từ 2009 đến 2010 với tổng số tiền hơn 1 tỉ đồng.

Đề nghị hủy bản án phúc thẩm và sơ thẩm

Tại quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 46/2017/KN-DS ngày 1.6.2017 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng, Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị làm rõ về số tiền 250 triệu đồng bà Mai đã trả cho ông Đình. Quyết định kháng nghị nêu hàng loạt câu hỏi cần làm rõ: Lý do tại sao bà Mai nêu trả tiền cho khoản nợ khác nhưng ông Đình lại khai có nhận số tiền 250 triệu đồng để trừ vào khoản nợ theo giấy xác nhận nhờ vay tiền ngày 27.10.2010; khi trả nợ, lý do gì bà Mai yêu cầu ông Đình hủy giấy xác nhận nhờ vay tiền; có mối liên hệ gì giữa khoản vay 100 triệu đồng mà ông Đình trình bày là vay giúp bà Mai hay không; khoản tiền 250 triệu đồng mà bà Mai trả cho ông Đình có phải là khoản nợ gốc và nợ lãi phát sinh từ khoản vay 100 triệu đồng năm 2008?

Vì bằng chứng “không có cơ sở” và nhiều vấn đề đặt ra chưa được giải đáp, nên TAND cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà nẵng xét xử giám đốc thẩm hủy toàn bộ bản án phúc thẩm số 17/2015/DS-PT ngày 26.11.2015 của TAND tỉnh Quảng Trị và bán án dân sự sơ thẩm số 21/2015/DS-ST ngày 26.8.2015 của TAND TP. Đông Hà, giao hồ sơ cho TAND TP. Đông Hà giải quyết lại sơ thẩm theo đúng quy định của pháp luật.

“Khi giải quyết lại vụ án, tòa án cần cho các đương sự có liên quan đối chất theo quy định của pháp luật để làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án, mới đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự” - quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm số 46/2017/KN-DS do Phó Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng Nguyễn Văn Bường ký, nêu rõ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn