MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa (trái) cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Ảnh: X.N

Thanh Hoá: Những dấu ấn phát triển kinh tế - xã hội năm 2016

Xuân Hùng LDO | 05/01/2017 16:28
Năm 2016, Thanh Hoá tiếp tục nổi lên là tỉnh có sự phát triển bứt phá ở nhiều lĩnh vực. Mặc dù trong quá trình phát triển còn gặp không ít khó khăn, xảy ra một số vấn đề phức tạp nhưng các cấp lãnh đạo đã cùng nhân dân trong tỉnh đồng tâm vượt khó, đạt được nhiều thành tích nổi bật.

Quyết liệt thay đổi lề lối làm việc, thu hút đầu tư ngày càng lớn

UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều quyết định, quy định về cải cách thủ tục hành chính trong những việc cụ thể và quyết liệt chỉ đạo thực hiện. Nổi bật là hoạt động của cơ chế một cửa, một cửa liên thông, hạn chế tình trạng “hành là chính” trong các cơ quan nhà nước. Áp dụng tiểu chuẩn ISO trong quản lý hành chính công, sử dụng hiệu quả phầm mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc gắn với việc chấm điểm trong việc thực thi công vụ… Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt, bước đầu hạn chế tình trạng hô hào chung chung, trì trệ trong xử lý công việc khiến bộ máy quản lý hoạt động hiệu quả, đồng bộ hơn. 
Khu Kinh tế Nghi Sơn tiếp tục thu hút được nhiều dự án lớn. Đến nay đã  thu hút được 13 dự án đầu tư nước ngoài, 140 dự án đầu tư trong nước với tổng mức đầu tư đăng ký là 12.160 triệu USD và 104.886 tỉ đồng, giá trị thực hiện luỹ kế đạt 7.961,54 triệu USD và 42.241 tỉ đồng. 58 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động và 60 dự án đang triển khai xây dựng. Diện mạo khu công nghiệp hàng đầu khu vực đang dần hình thành.
Thu hút hầu hết các “ông lớn” trong giới đầu tư bất động sản như Tập đoàn Vingroup; Tập đoàn Sungroup, Tập đoàn FLC… Các khu đô thị mới ven TP.Thanh Hoá tích cực mở rộng, diện mạo đô thị mới ngày càng rõ nét.

Nhờ đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, năm 2016 là năm thứ hai liên tiếp Thanh Hóa có tổng thu ngân sách trên 10.000 tỉ đồng. Ảnh: X.H
Sầm Sơn 
đã được thay đổi hoàn toàn, xứng tầm bãi biển hàng đầu cả nước.

Năm thứ hai liên tiếp thu ngân sách trên 10.000 tỉ đồng

Năm 2016, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 9,05%, vượt kế hoạch đề ra. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 12.300 tỉ đồng, vượt 10,8% dự toán, trong đó thu nội địa đã trừ tiền sử dụng đất là 8.700 tỉ đồng, vượt 18% dự toán. Đây là con số chứa đựng nhiều sự cố gắng lớn của tỉnh Thanh Hoá trong bối cảnh kinh tế trong nước có chiều hướng chậm lại, dự ước không đạt kế hoạch. Đây là năm thứ hai liên tiếp, Thanh Hoá đạt con số trên 10 nghìn tỉ đồng thu ngân sách.
Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP chuyển dịch theo hướng tích cực, tỉ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 16.6% (giảm 1,3%); công nghiệp – xây dựng chiếm 40,6% (tăng 1,4%); dịch vụ chiếm 38,5% (tương đương cùng kỳ), thuế sản phẩm chiếm 4,3% (giảm 0,1%). GRDP bình quân đầu người ước đạt 1.620USD, gần bằng mục tiêu đề ra. 
Theo đó, sản xuất nông, lâm thủy sản tiếp tục phát triển ổn định và đạt kết quả khá toàn diện; giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt 25.968 tỉ đồng, tăng 3,1% so cùng kỳ. Tổng sản lượng lương thực ước đạt 1,72 triệu tấn, vượt 3,3% kế hoạch. Trong năm 2016, tỉnh Thanh Hóa đã chuyển đổi được 6.248 ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng các cây khác có hiệu quả và giá trị kinh tế cao.

Giải quyết khó khăn, tạo đà cho doanh nghiệp phát triển

Trong năm, đã thành lập mới 1.400 doanh nghiệp (DN) với tổng vốn đăng ký 8.315 tỉ đồng, tăng 13,5% số DN so cùng kỳ và 26,5% so vốn đăng ký. Trong số 8.534 DN đang hoạt động, có khoảng 6.770 DN phát sinh doanh thu với tổng doanh thu ước đạt 162.168 tỉ đồng, tăng 8,7% so cùng kỳ; nộp ngân sách của khối doanh nghiệp ước đạt 4.765 tỉ đồng, tăng 1,5% so cùng kỳ.
Mâu thuẫn giữa “bầu” Đệ - đại diện cộng đồng DN và Sở Xây dựng Thanh Hóa đã được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo giải quyết thoả đáng. Đó cũng chính là cơ hội nhìn nhận lại và cải thiện môi trường đầu tư. Dù còn đó không ít vấn đề cạnh tranh mất bình đẳng giữa các DN, các loại hình DN nhưng UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp thấu đáo, từng bước tháo gỡ, tạo môi trường minh bạch giữa các DN.
Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 63.589 tỉ đồng, vượt 1,7% kế hoạch, tăng 9,9% so cùng kỳ. Sản xuất thủ công nghiệp tiếp tục phát triển, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động; giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp ước đạt 14.443 tỉ đồng, tăng 6,8% so cùng kỳ, đóng góp 22,7% giá trị sản xuất công nghiệp. 
Các ngành dịch vụ duy trì tốc độ tăng trưởng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 71.484 tỉ đồng, vượt 3,6% kế hoạch, tăng 16% so cùng kỳ; giá cả hàng hóa, dịch vụ nhìn chung ổn định. Xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng cao; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,737 tỉ USD, vượt 7,2% kế hoạch. 

Công cuộc xây dựng nông thôn mới ngày càng thu được nhiều thành quả tốt đẹp.
Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đang gấp rút hoàn thành.

Dịch vụ du lịch thay da đổi thịt

Sầm Sơn hoàn toàn thay da đổi thịt, tạo sức hấp dẫn mới. Cùng với sự đầu tư đồng bộ khu du lịch nghỉ dưỡng FLC, toàn bộ đường Hồ Xuân Hương ven biển, các trục đường về Sầm Sơn đã được tỉnh Thanh Hoá đầu tư hàng nghìn tỉ đồng nâng cấp, làm mới. Hoạt động du lịch thực sự chuyên nghiệp, hiện đại. Xoá hẳn tâm lý chặt chém, du lịch một mùa. Năm 2016 Sầm Sơn đã đón trên 6 triệu lượt khách, đó là con số kỷ lục. 
Cùng với Sầm Sơn, hoạt động du lịch diễn ra sôi động; các khu, điểm du lịch tiếp tục được quan tâm đầu tư, giới thiệu, quảng bá tới du khách trong và người nước; chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng lên. Ngành du lịch tăng 18,5% về lượng khách, doanh thu ước đạt 6.280 tỉ đồng, tăng 21,2%. 
Có lẽ chưa có năm nào Thanh Hóa có hoạt động du lịch sâu rộng, mạnh mẽ như năm 2016. 
Giáo dục mũi nhọn đạt kết quả cao nhất trong nhiều năm qua. Theo đó, tại các kỳ thi Olympic quốc tế, học sinh Thanh Hoá đạt 1 HCV hoá học, 1 HCB toán học và 1 HCĐ sinh học. Kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc, Thanh Hoá đạt 58 giải, trong đó 6 giải nhất, xếp thứ tư toàn quốc. Thêm 42 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia lên 56,2%. Trường THPT chuyên Lam Sơn tiếp tục giữ danh hiệu trường đào tạo nhân tài hàng đầu của tỉnh và cả nước.
Văn hoá xứ Thanh được tuyên truyền sâu đậm, người xứ Thanh ngày càng tự hào, tin yêu hơn mảnh đất cha ông và chung tay vì một Thanh Hoá phát triển bền vững.

Phát huy sức mạnh toàn dân xây dựng nông thôn mới

Công cuộc xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực. Trong năm đã công nhận 1 huyện, 45 xã và 248 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới, nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh lên 158 xã, đạt 27,6%, vượt kế hoạch đề ra. Việc xây dựng nông thôn mới ngày càng đi vào thực chất, giảm đáng kể việc chạy theo thành tích, huy động đóng góp dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản lớn. Công cuộc xây dựng nông thôn mới đã phát huy được vai trò tích cực, chủ động của cộng đồng. 
Theo Văn phòng Điều phối xây dựng NTM Thanh Hóa, giai đoạn 2011-2016, toàn tỉnh đã đầu tư xây mới và nâng cấp được 4.952km đường giao thông nông thôn các loại, trong đó: 1.367km đường xã, liên xã; 2.016km đường thôn, xóm; 1.569km đường nội đồng; 1.557km kênh mương nội đồng; nâng cấp, mở rộng các công trình điện nông thôn, đến nay, 100% số xã đã có điện lưới quốc gia, 97,2% hộ dân được sử dụng điện thường xuyên; xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp 764 trường học; 239 công sở, 286 trạm y tế, 120 Trung tâm văn hóa - thể thao xã,  1.266 nhà văn hóa - khu thể thao thôn; 207 chợ nông thôn; chỉnh trang và xây mới hơn 57.000 nhà ở dân cư; hoàn thành và đưa vào sử dụng 44.066 công trình cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn...
Toàn tỉnh hiện có 180/573 xã đạt chuẩn NTM, 1 huyện đạt chuẩn NTM, 51 thôn/bản đạt chuẩn NTM được các huyện công nhận. Bình quân trong toàn tỉnh, mỗi xã đạt 13 tiêu chí.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn