MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trường vụ sập cầu Long Kiển vào tối 19.1. Ảnh: M.Q

Thót tim đi qua những cây cầu nguy cơ sập ở Sài Gòn

Minh Quân LDO | 26/01/2018 12:30

TPHCM hiện có khoảng 30 cầu yếu, không đồng bộ do Sở GTVT quản lý và nếu tính luôn tại các khu dân cư, thuộc các quận, huyện quản lý, thì TP có đến 200 cầu yếu, 55 cầu không đồng bộ tải trọng. Sau vụ cầu Long Kiển (huyện Nhà Bè) bị sập vì xe quá tải, người dân không khỏi lo lắng khi ngày ngày phải “nín thở” đi qua những cây cầu có thể sập bất cứ lúc nào.

Vừa đi vừa run

Khoảng 21h40 phút ngày 19.1, tài xế Nguyễn Thanh Lâm (30 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai), điều khiển xe ben chở đá có khối lượng khoảng 15 tấn (quá tải trọng gấp 5 lần tải trọng của cầu) đã gây sập cầu Long Kiển (nối xã Phước Kiển và Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TPHCM). Xe ben và một xe máy đi cùng chiều rớt xuống sông, rất may tài xế và một người điều khiển xe thoát được, chỉ bị thương nhẹ.

Sự cố này làm giao thông trên đường Lê Văn Lương nối giữa 2 xã Phước Kiển và Nhơn Đức bị đứt đoạn. Sở GTVT TPHCM đã tổ chức lộ trình thay thế qua khu vực trên trong lúc chờ khắc phục cầu. Tuy nhiên, việc di chuyển theo lộ trình thay thế dài khoảng 10km khiến người dân nơi đây khổ sở, nhất là việc đưa đón con đi học.

Theo ông Bùi Xuân Cường - GĐ Sở GTVT TPHCM, các đơn vị trực thuộc Sở cùng các lực lượng thuộc huyện Nhà Bè đang khẩn trương xử lý hiện trường để tiến hành khắc phục sự cố sập cầu Long Kiển. Theo ông Cường, việc trục vớt chiếc xe ben cùng nhiều bộ phận của cầu bị rơi xuống rạch Long Kiển đã hoàn thành. Các đơn vị đang tập trung vật tư, sử dụng sà lan vận chuyển lên khu vực này để thi công 7 hạng mục, nối nhịp cầu mới. Hệ trụ ở 2 bên cầu sẽ được gia cường trước khi lắp đặt các bộ phận khác, bảo đảm tải trọng của cầu Long Kiển khi hoàn thành ở mức 3,5 tấn. Việc khắc phục sự cố này được thực hiện theo cơ chế cấp bách. Các đơn vị vừa khảo sát vừa thiết kế và thi công nên chậm nhất sẽ hoàn thành vào ngày 1.2.2018.

Theo ghi nhận, trên tuyến đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè) từ đại lộ Nguyễn Văn Linh (quận 7) đến giáp ranh huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An), ngoài cầu Long Kiển bị sập tối 19.1, còn có 3 cầu sắt cũ khác là cầu Rạch Đĩa, Rạch Tôm và Rạch Dơi được xây dựng trước năm 1975. Những cây cầu này có kết cấu dạng Bailey, Eiffel, khổ cầu rộng 3-3,3 m, lưu thông 2 chiều và không có lề bộ hành, tải trọng khai thác chỉ 1-3,5 tấn. Sau hàng chục năm khai thác, hiện các cây cầu này đang xuống cấp nghiêm trọng: trụ cầu, bệ đỡ bê tông bị nghiêng; những thanh thép, hành lang bảo vệ lưới thép, mặt nền cầu đều đã mục gỉ sét, gãy…

Điển hình cầu Rạch Dơi dài 128 m cấm xe ôtô tải do cầu không bảo đảm khả năng chịu lực. Mỗi khi các phương tiện qua đây, trên cầu phát ra tiếng kêu rầm rầm. Những cây cầu sắt còn lại cũng là nỗi ám ảnh của người dân mỗi khi qua đây. Bề rộng mặt cầu chỉ cho phép một lượt xe ba gác hoặc xe ôtô qua nên các phương tiện phải xếp hàng để được qua cầu. Vì lẽ đó, cảnh kẹt xe diễn ra hằng ngày, nhất là giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều. Đáng lo ngại, những lúc kẹt xe cả trăm xe và người đứng ở trên cầu, tải trọng lúc này cả chục tấn khiến cầu có thể sập bất cứ lúc nào. Ngoài ra, do tĩnh không cầu thấp, các trụ cầu xuống cấp nên cầu luôn đối mặt với nguy cơ bị tàu thuyền, sà lan lưu thông bên dưới va chạm, tông vào cầu. Phải đi qua cầu Rạch Tôm mỗi ngày, chị Nguyễn Thị Thanh (xã Nhơn Đức) cho biết vừa đi vừa run, nhiều khi phải xuống xe dắt bộ vì cầu quá hẹp, nhất là những khi trời mưa, mặt cầu trơn.

Cầu Rạch Đỉa cũng xuống cấp khiến cơ quan chức năng phải cắm biển cấm tụ tập. Tuy nhiên, những lúc kẹt xe, các phương tiện dồn ứ trên cầu rất nguy hiểm. Ảnh: M.Q

Năm 2020 sẽ xóa hết cầu yếu?

Theo ông Bùi Xuân Cường, trên quy mô toàn TPHCM hiện có khoảng 30 cầu yếu, không đồng bộ do Sở GTVT quản lý. Sở đang có kế hoạch tập trung triển khai xóa cầu yếu, trong đó có 4 cầu trên đường Lê Văn Lương, cầu Bà Hom (Q.6), cầu Tân Kỳ Tân Quý (Q.Bình Tân), cầu Ông Nhiêu (Q.9)… Theo kế hoạch chung, từ nay đến hết năm 2020, TP sẽ đồng bộ tải trọng (xóa cầu yếu) toàn bộ công trình. Nếu tính luôn tại các khu dân cư, thuộc các quận, huyện quản lý, thì TP có đến 200 cầu yếu, 55 cầu không đồng bộ tải trọng.

Lãnh đạo Sở GTVT TPHCM khẳng định, tất cả 4 cầu yếu trên đường Lê Văn Lương đều có nhân viên Công ty cầu phà TP trực gác 24/24. Tuy nhiên, vừa qua, như tối 19.1 vẫn có tình trạng xe quá tải cố tình qua cầu. Cụ thể, như cầu Long Kiển, một chốt trực được bố trí nhân viên gác ở đầu cầu hướng lưu thông từ Long An về TPHCM. Trong khi đó, xe tải gây sập cầu lưu thông hướng từ TPHCM về phía Long An. Mặc dù lúc đó, nhân viên gác trực đã phát tín hiệu, rọi đèn pin yêu cầu tài xế không được qua cầu nhưng tài xế vẫn không dừng xe. “Giải pháp ngăn chặn sắp tới, ngành giao thông sẽ tăng cường chỉ đạo, phối hợp lực lượng thanh tra GTVT, CSGT, UBND huyện kiểm tra, trực gác” – ông Cường nói.

Cũng theo ông Bùi Xuân Cường, trong số 4 cây cầu sắt yếu hiện hữu trên đường Lê Văn Lương, một số dự án cầu được Sở phê duyệt từ năm 2011. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có cây cầu nào trong số trên được thi công xây dựng mới. Về lý do chậm trễ, ông Cường cho biết, một số dự án lúc phê duyệt thì theo thiết kế cũ, khi triển khai xây dựng đã không còn phù hợp, buộc phải điều chỉnh lại thiết kế. Đồng thời, phải thay đổi quy mô, mở rộng diện tích giải phóng mặt bằng... nên không cân đối được nguồn vốn.

Vừa qua đã có nhà đầu tư (doanh nghiệp) đề xuất đứng ra đầu tư xây dựng cầu mới theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng). Thế nhưng, phương án hoàn vốn vẫn chưa xác định, kể cả phương thức lựa chọn nhà đầu tư, tìm ra quỹ đất... Vì vậy, khi đánh giá lại, nếu làm cầu mới theo hình thức BT có thể còn kéo dài thời gian hoàn thành hơn các phương án khác, chẳng hạn như đầu tư công.

Theo ông Bùi Xuân Cường, sau khi cân nhắc, TP đã chọn phương pháp đầu tư bằng vốn ngân sách. Theo đó, sẽ có 2 cầu gồm Rạch Tôm và Rạch Dơi được khởi công trong năm 2019. Riêng cầu Long Kiển và Rạch Đĩa sẽ được đầu tư nhanh hơn. Cầu Long Kiển sẽ khởi công quý 2.2018 theo lệnh khẩn cấp, tức là vừa thiết kế vừa thi công để đẩy nhanh thời gian hoàn thành.

Dự án xây dựng cầu Long Kiển mới dài 318 m (chưa tính phần đường vào cầu), bề rộng 15 m, khổ thông thuyền 5 x 30 m với tổng mức đầu tư 557 tỉ đồng. Trong đó, vốn xây lắp 265 tỉ đồng, đã được hoàn tất các thủ tục và chuẩn bị đấu thầu, chờ UBND huyện Nhà Bè bồi thường giải phóng mặt bằng, dự kiến hoàn thành sau 18 tháng thi công. Cầu Long Kiển hiện hữu sẽ được dùng để đảm bảo giao thông khi xây dựng cầu mới. Do đó, việc khôi phục nhịp cầu bị sập phải đảm bảo sử dụng cho tối thiểu trên 2 năm nữa.

Theo chuyên gia giao thông TS Phạm Sanh, sau vụ sập cầu Long Kiển có thể thấy cách quản lý của ngành giao thông thành phố có sự tắc trách và không khoa học. Khi cầu sập thì đổ thừa: do quá tải, dự án trình cả chục năm không được duyệt hoặc duyệt rồi thì vướng giải tỏa, hoặc giải tỏa rồi thì vướng thay đổi phương án thiết kế. Về cách quản lý cầu yếu, TS Phạm Sanh cho rằng hiện nay rất đơn giản và thủ công. Chẳng hạn cầu Long Kiển dài hàng trăm mét mà chỉ có một chốt trực bên đầu cầu. Khi xe quá tải bất chấp chạy qua từ hướng ngược lại thì nhân viên xử lý không kịp. Ngoài ra, việc cấm xe 3,5 tấn qua cầu, trong khi tải trọng xe đã gần 3 tấn. TS Phạm Sanh đặt câu hỏi sao không đặt luôn biển cấm xe tải và làm thanh chắn ngang không cho xe tải qua cầu.

Cũng theo TS Phạm Sanh, trong khi vốn làm cầu mới rất lớn và thành phố chưa bố trí được thì có thể sử dụng giải pháp công nghệ mới để gia cường cầu, tuy không phải cầu mới nhưng vẫn có thể chịu được tải trọng 15-20 tấn. “Sở GTVT đừng ngồi chờ đợi các dự án lớn hàng trăm tỉ mà trước mắt bảo trì phải có những biện pháp thông minh như kêu gọi các nhà khoa học để hiến kế cách tăng cường, sửa chữa lại cầu với vật liệu mới nhanh và rẻ” – TS Phạm Sanh-nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn