MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá lọ Milk Thistle 1.300mg trên website GNC Mỹ khoảng 25USD (chụp màn hình).

Thực phẩm chức năng GNC nâng giá “cắt cổ” tại Việt Nam

Thế Lâm LDO | 19/11/2017 08:00
Những khách hàng sở hữu “Gold Card” của hệ thống cửa hàng bán thực phẩm chức năng (TPCN) thương hiệu GNC (Mỹ) tại Việt Nam lâu nay được giảm giá 20% cho 7 ngày đầu tháng nhưng họ đâu ngờ rằng, mức giá đã được giảm trừ vẫn thuộc hàng đắt đỏ, còn đối với khách hàng không có thẻ thì phải chịu mức giá “cắt cổ”.

Người tiêu dùng phải chịu mức giá đắt đỏ ra sao?

Theo website https://gnc-livewell.com.vn, Cty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Kim Linh (giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế số: 0305093390) là pháp nhân hợp pháp đại lí chính thức và duy nhất tại Việt Nam nhận chuyển nhượng thương hiệu GNC Live Well của Hoa Kỳ ( GNC Master Franchise).

Cho đến nay, Kim Linh đã xây dựng được chuỗi gồm 8 cửa hàng tại TP.HCM và 3 cửa hàng tại Hà Nội. Cách bán sản phẩm thương hiệu GNC của Kim Linh vừa trên website vừa tại cửa hàng, trong đó Cty này mở chính sách thẻ thành viên (Gold Card) với chi phí mở thẻ lần đầu và duy trì thẻ, bù lại thành viên sẽ được giảm giá 20% cho đơn hàng 7 ngày đầu tháng và 25% cho tháng sinh nhật.

Tuy nhiên, chỉ đối với những người ít chịu khó tìm tòi trên mạng hoặc không biết thì mới tưởng là Kim Linh “giảm giá sâu” cho người tiêu dùng. Bởi kì thực đó chỉ là một chiêu thức đánh vào tâm lí của những khách hàng thiếu thông tin vì sản phẩm TPCN GNC được Kim Linh nhập về Việt Nam và niêm yết với giá trên trời, thậm chí “cắt cổ”.

Đơn cử, 1 lọ GNC Herbal Plus Milk Thistle 1.300mg với 60 viên, trong khi giá niêm yết trên website www.gnc.com Mỹ chỉ có 24,99USD, tương đương khoảng 570.000 đồng, nhưng được Kim Linh niêm yết giá bán trên website tại Việt Nam cũng như bán tại cửa hàng lên đến 1.513.000 đồng. Nếu cộng thuế nhập khẩu khoảng 15% và VAT khoảng 10%, thì giá mỗi lọ khoảng 710.000 đồng.

Cần biết rằng, trên website https://fado.vn chuyên bán TPCN nhập về Việt Nam từ nguồn Amazon, thì giá của lọ sản phẩm trên đến tay người tiêu dùng chỉ khoảng 784.000 đồng.

Một trường hợp khác là viên uống tinh nghệ GNC Herbal Plus Turmeric Sport, giá bán tại Việt Nam của Kim Linh là 1.544.000 đồng. Nhưng nên biết rằng, giá trên website GNC Mỹ chỉ 29,99USD. Nếu tính cộng các khoản như trường hợp ở trên thì giá mỗi lọ tinh nghệ này chỉ khoảng 855.000 đồng.

Trang fado.vn nhập về bán tại Việt Nam đến tay người tiêu dùng là 928.000 đồng. Với mức giá này chưa hề tính khấu trừ khoản chiết khấu phân phối từ GNC Mỹ cho nhà phân phối Kim Linh tại Việt Nam.

Thỉnh thoảng sản phẩm GNC tại Việt Nam có những đợt giảm giá đối với sản phẩm cận đát hoặc các dịp lễ lạc, nhưng so ra vẫn còn cao hơn giá bán từ các nguồn khác như Amazon, hay fado.vn hoặc từ chính website GNC Mỹ.

Giá trên Amazon + với phí trung gian của Fado.vn khi vận chuyển về Việt Nam đến tay khách hàng là 784.000 đồng (chụp màn hình).
Trong khi giá bán niêm yết trên website của GNC Việt Nam cũng như tại cửa hàng lên đến 1.513.000 đồng (chụp màn hình).

Đừng để mất tiền nhiều hơn cho GNC Việt Nam!

Như đã nói, chuỗi GNC Live Well tại Việt Nam được Cty Kim Linh quản lí, điều hành và phân phối sản phẩm. Và một lần nữa có thể thấy, ngành kinh doanh TPCN tại Việt Nam hiện là một ngành hái lợi nhuận ở mức… khủng khiếp mà người tiêu dùng xoay trở thế nào cũng “dính chấu” về giá. Mà hầu hết trong các trường hợp, người tiêu dùng phải gánh chịu mức giá quá đắt đỏ so với mua từ các website thương mại điện tử của nước ngoài hoặc một số trang thương mại điện tử tại Việt Nam.

Người tiêu dùng nếu không tỉnh táo, chắc chắn dần dà ngày càng tốn tiền nhiều hơn cho các chuỗi bán như GNC Việt Nam hay các chuỗi khác. Trong khi ngược lại, nếu chịu khó tìm hiểu, mày mò thì hoàn toàn có thể tiết giảm được chi phí từ 30%-50%.

Vậy cách để tránh bị “chặt chém” là như thế nào? Sau một thời gian tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện có không ít người hợp đồng với các hãng chuyển phát nhanh lớn của Mỹ (thị trường TPCN Mỹ nhộn nhịp nhất thế giới), sau khi mua hàng trên các trang online tại Mỹ sẽ nhờ giao về hãng chuyển phát nhanh, sau đó hãng chuyển phát nhanh sẽ vận chuyển hàng về Việt Nam giao tận nhà. TPCN thường gọn nhẹ cho nên mức phí vận chuyển xuyên quốc gia dù bằng đường hàng không nhưng cũng không quá đắt đỏ.

Cách thứ hai có thể đặt hàng thông qua một số website thương mại điện tử trung gian, hoặc mua sản phẩm từ các trang thương mại điện tử Việt Nam có liên kết với chính hãng ở Mỹ và có mức giá không quá chênh lệch. Bằng những cách như thế, người tiêu dùng tránh được tình trạng bị “hút máu” chi phí đắt đỏ.

Cho dù sản phẩm thuộc loại gì hay lĩnh vực nào, thì cũng có mức giá trị thực, hay nói cách khác là mức giá chấp nhận được chứ không thể cao chất ngất, trường hợp như tại GNC Việt Nam. Tình trạng chung hiện nay là vì tại Việt Nam không nhiều người tiêu dùng am tường lĩnh vực TPCN và các mạng lưới bán hàng.

Trong khi tỉ lệ người dân sử dụng TPCN tại Mỹ khoảng 40% dân số, các nước Châu Âu và Nhật cũng hai con số, đã rất phổ biến, cho nên giá cả ở mức ổn định, thậm chí rẻ. Trong khi đó tại Việt Nam mới chỉ hơn 5% dân số sử dụng TPCN, và loại sản phẩm này đang bị các Cty sản xuất, phân phối đẩy giá lên cao vô tội vạ, cao gấp nhiều lần so với giá trị thực và so với mức giá tại các quốc gia phát triển. Trong đó, trường hợp mức giá sản phẩm TPCN tại GNC Việt Nam là một điển hình dễ thấy nhất. Chính vì thế, người tiêu dùng càng bị chịu chi phí một cách vô lí.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn