MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những người lao động có hoàn cảnh khó khăn ăn cơm với giá 2.000 đồng ở Hội quán Nụ cười.

Tình người nơi quán cơm 2.000 đồng tại Phú Yên

Phố Nhơn LDO | 27/11/2017 06:30
Hoạt động từ tháng 9.2016 đến nay, Hội quán Nụ Cười (ở 67 Nguyễn Du, phường 7, TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) là điểm hẹn quen thuộc của những người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Thông qua việc bán cơm từ thiện 2.000 đồng/đĩa, hội quán đang giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, góp phần ươm mầm sống đẹp cho cộng đồng… 

Ở hội quán 2.000 đồng

Bán cơm 2.000 đồng/đĩa là mô hình không mới tại các thành phố lớn trong nước, nhất là TP.HCM. Tuy nhiên, cơm 2.000 đồng/đĩa của Hội quán Nụ Cười lần đầu tiên có mặt tại Phú Yên. Đến TP.Tuy Hòa, nhiều người sẽ được nghe những người chạy xe ôm, bán vé số rỉ tai nhau về một quán cơm từ thiện đặc biệt.

Khi đến với hội quán, khách hàng không những được ăn cơm với giá rẻ, mà còn được mua sắm cũng với giá 2.000 đồng/vật dụng.

Đúng 10h trưa, Hội quán Nụ Cười bắt đầu bán phiếu. Một nhóm phụ hồ quần đầy vôi trắng, chỉ kịp phủi ống tay áo dính đầy bụi xi măng đứng ngay ngắn xếp hàng; chị bán vé số mặt mày còn đỏ ửng nắng trưa; một cụ già mù, một bà lão đi xe lăn… tất cả họ đều cầm trên tay những tờ tiền lẻ, được vuốt kỹ phẳng phiu. Như cách để trân trọng những người đã mang đến bữa ăn ngon lành, mang đến chút hạnh phúc, ấm áp và sự sẻ chia đầy tình người.

Ông Nguyễn Văn Hùng (55 tuổi, làm nghề phụ hồ) kể, lần đầu tiên bước chân vào Hội quán Nụ Cười, tần ngần đứng trước cửa, không dám vô. “Hôm đó tôi còn có 5.000 đồng thôi, cầm tới quán mà run ghê gớm luôn. Đâu có dám vô, mới hỏi nhân viên: “Này cô ơi, có thiệt là cơm 2.000 đồng không?”.

Cô nhỏ đó nói: “Dạ, 2.000 thôi chú ơi”, rồi từ tốn mời tôi vào ăn cơm. Nói thật, từ nhỏ đến lớn, người nghèo như tôi mới có cảm giác được phục vụ ân cần như vậy”, ông Hùng bộc bạch.

Ngồi kế bên ông Hùng, bà Nguyễn Thị Nhàn (62 tuổi, bán vé số) gật đầu bảo: “Người nghèo như tụi tôi, đi đến đâu cũng chỉ mong người ta tôn trọng mình thôi. Mình nghèo chứ mình đâu có làm gì sai. Mà ở Hội quán Nụ Cười này, đã ăn cơm rẻ như cho rồi, mà từ người lớn đến người nhỏ coi tụi tôi như “thượng đế”, khách quý, ngỡ ngàng không tin được luôn. Nhiều khi ước mình nhà giàu rồi tới đây ủng hộ lại người ta”.

Cụ Nguyễn Văn Nam (80 tuổi, bán vé số) chia sẻ, dù suất cơm chỉ 2.000 đồng nhưng rất sạch sẽ, có đầy đủ cả 3 món gồm thịt hoặc trứng, đồ xào và canh, nhìn rất bắt mắt và ăn rất ngon.

“Các cháu phục vụ thương tôi lắm. Các cháu thường múc thêm cơm và  “bắt” tôi phải ăn nhiều mới đủ sức đi bán vé số cả ngày”, cụ Nam vui vẻ cho biết.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thuận (55 tuổi) tâm sự: “Gia đình tôi thuộc diện cận nghèo. Chồng bị bệnh, vì thế tôi là lao động chính trong nhà, bán vé số chỉ thu nhập khoảng 100.000 đồng/ngày. Khi biết nơi này bán cơm từ thiện 2.000 đồng/đĩa là tôi ghé ngay. Gia cảnh khó khăn nên tiết kiệm được khoản nào hay khoản đó”.

Không những được ăn cơm giá rẻ, những người nghèo đến với Hội quán Nụ Cười còn được mua sắm quần áo, giày dép, vật dụng sinh hoạt với giá thống nhất 2.000 đồng/cái. Đây là quần áo, giày dép cũ mà tình nguyện viên của hội quán vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đóng góp. Sau hơn một năm hoạt động, Hội quán Nụ Cười đã trở thành ngôi nhà chung của những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Tâm (61 tuổi, quê ở thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) tâm sự, từ khi có hội quán, vừa được ăn cơm vừa được mua quần áo, vật dụng sinh hoạt với giá 2000 đồng, cuộc sống của bà bớt chật vật đi nhiều, mỗi ngày tiết kiệm được mấy chục ngàn đồng để gửi về quê.

“Tôi cảm động lắm, bởi xã hội vẫn còn nhiều người dành sự quan tâm cho những người cơ cực giống như tôi”, bà Tâm bộc bạch.

Chị Nguyễn Thị Oanh (39 tuổi) chia sẻ, dù là quần áo cũ nhưng còn mới và đẹp hơn nhiều so với quần áo chị ở nhà. Chị còn hớn hở khoe rằng từ ngày có tủ quần áo này, chị đi bán vé số không còn sợ nắng nữa nên rất vui. Chị không ngờ ở một tỉnh lẻ như Phú Yên lại có một hội quán từ thiện với cơm ngon, nhiều quần áo đẹp và vật dụng sinh hoạt gia đình như vậy.

Nhìn nụ cười rạng rỡ trên môi của những người lao động nghèo, chúng tôi cảm giác như những khó khăn mệt nhọc ngoài kia đều tan biến khi họ cùng nhau ngồi trên bàn ăn trò chuyện rôm rả. Sau bữa ăn, họ lại ra phía trước chọn cho mình những bộ quần áo, những chiếc rổ, đôi dép… Hóa ra, hạnh phúc bình thường và giản dị đến vậy.

Sống là để cho

Hội quán Nụ Cười đi vào hoạt động là tâm huyết và nỗ lực không biết mệt mỏi của vợ chồng anh Trần Thanh Long và chị Nguyễn Thị Hằng. Ròng rã hơn 1 năm, cặp vợ chồng trẻ này lên ý tưởng, kế hoạch, tìm nguồn tài trợ và cơ sở vật chất để hình thành hội quán.

Anh Long bảo, thông qua mạng xã hội và các phương tiện truyền thông, anh đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều người có tâm. Hiện tại đã có 7 người tài trợ thường xuyên để hội quán bán cơm từ thiện cho người nghèo vào các trưa thứ 7, chủ nhật hàng tuần.

Chị Võ Thị Kim Ngân (kinh doanh tại khu phố Phú Hiệp 3, thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên), tâm sự: “Trong suy nghĩ thường nhật, tôi luôn hướng đến người nghèo. Tuy nhiên, tôi không biết cách nào để giúp đỡ bà con và may mắn là Hội quán Nụ Cười đã gợi ý, giúp tôi hoàn thành tâm nguyện của mình. Tôi sẽ hỗ trợ kinh phí lâu dài cho việc bán cơm 2.000 đồng/đĩa của hội quán. Hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều người cùng chung tay với hội quán để nơi đây thực sự là điểm đến của tình yêu thương vì người nghèo”.

Ngoài nguồn hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, hội quán còn bán trà sữa, bánh ngọt, quần áo cũ vào chiều tối hàng ngày nên mỗi tháng thu về khoảng 1,5 triệu đồng. Cộng với sự trợ giúp của các tình nguyện viên, hiện nay Hội quán có thể đảm bảo được việc bán cơm 2.000 đồng/đĩa theo lịch trên.

Để hội quán được hoạt động hiệu quả, một trong những nguồn lực hỗ trợ đắc lực là đội ngũ tình nguyện viên. Đó là những sinh viên của các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh Phú Yên, tìm đến hội quán với mong muốn góp sức chung tay giúp những người có hoàn cảnh khó khăn.

Trò chuyện với chúng tôi, Lê Thị Hồng Mến (sinh viên Khoa Giáo dục tiểu học - Mầm non, Trường đại học Phú Yên), cho biết. “Ngoài lịch học, tôi sắp xếp thời gian đến phụ giúp công việc tại hội quán. Lúc thì phụ nấu cơm, lúc thì phụ bán trà sữa, bánh ngọt để mang nguồn quỹ về phục vụ bữa cơm cho người nghèo. Tôi thấy công việc mình làm rất có ý nghĩa và vui vì đây là một hoạt động hướng về cộng đồng rất bổ ích”.

Theo anh Long, thời gian tới, nếu có được sự cộng hưởng cao hơn từ xã hội, hội quán sẽ bán cơm từ thiện tất cả các ngày trong tuần. “Từ hiệu quả ban đầu, tôi tin rằng Hội quán Nụ Cười đang đi đúng hướng. Tôi đang xây dựng “Chương trình ngày của bạn”, tức là một tổ chức, nhà hảo tâm nào đó có thể yêu cầu chúng tôi nấu theo các món mà họ yêu cầu. Một gia đình nào đó có thể cùng chúng tôi hoặc trực tiếp nấu cơm phục vụ cho người nghèo để hiểu được cảm giác giúp đỡ người khác có ý nghĩa thế nào”, anh Long cho biết.

Một hành động tử tế, dù là nhỏ thôi, cũng đủ để thay đổi cuộc đời một con người. Vậy nên, hãy luôn rộng lòng trao gửi những điều tốt đẹp và tử tế đến với người khác. Bởi điều tử tế sẽ sinh ra những điều tử tế và sẽ tạo ra những điều tốt đẹp khác cho cuộc đời.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn