MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong 1 ngày và 48 giờ trong 1 tuần. Ảnh: Nam Dương

Trả lại chế độ phục viên để hưởng lương hưu có được không?

Nam Dương LDO | 26/06/2017 06:48
Trong tuần qua, Văn phòng Tư vấn pháp luật của Báo Lao động có nhận được một số câu hỏi liên quan đến chế độ về thai sản, trợ cấp thất nghiệp, chế độ làm thêm giờ… Báo Lao động trích đăng câu hỏi và câu trả lời.

Đang làm vẫn bị chốt, trả sổ BHXH

Bạn đọc số 01283321XXX, gọi đến số điện thoại tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961.360.559, hỏi: Tôi vẫn đi làm bình thường, nhưng Cty đã chốt, trả sổ BHXH cho tôi từ đầu năm. Tôi có đi đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) được không?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Theo quy định tại điều 49, điều 46 Luật Việc làm, thì trong vòng 3 tháng kể từ khi có quyết định chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc đúng luật, bạn có thể đi đăng ký hưởng TCTN. Nếu còn trong thời gian này, bạn có thể đi đăng ký để hưởng TCTN.

Tuy nhiên, điểm a, khoản 1, điều 2 Luật BHXH 2014 quy định: NLĐ là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm: Người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả HĐLĐ được ký kết giữa NSDLĐ với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động. Do đó, nếu bạn vẫn có HĐLĐ từ đủ 3 tháng trở lên và đi làm hưởng lương bình thường mà Cty tự ý chốt sổ BHXH là trái quy định. Bạn có thể làm đơn khiếu nại đến Phòng LĐTBXH hoặc LĐLĐ cấp huyện nơi Cty đóng trụ sở để yêu cầu Cty phải thực hiện đúng luật.

Sinh con có được hưởng tiền tã lót?

Bạn đọc số 0938318XXX, gọi đến số điện thoại tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961.360.559, hỏi: Nghỉ chế độ thai sản có được hưởng tiền tã lót?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Pháp luật về BHXH hiện hành quy định, nếu đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì NLĐ được hưởng 6 tháng tiền lương bằng 100% tiền lương của 6 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Trường hợp NLĐ đóng BHXH chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại điều 32, điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 điều 34, điều 37 của luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng BHXH; Mức hưởng một ngày đối với trường hợp quy định tại điều 32 và khoản 2 điều 34 của luật này được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày; Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng quy định tại điểm a khoản 1 điều này, trường hợp có ngày lẻ hoặc trường hợp quy định tại điều 33 và điều 37 của luật này thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày. Hiện không có quy định nào của pháp luật về tiền tã lót khi nghỉ hưởng chế độ thai sản.

Không được trả chế độ đã nhận để hưởng lương hưu

Bạn đọc số 0989996XXX, gọi đến số điện thoại tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961.360.559, hỏi: Tôi đi bộ đội 23 năm, đã hưởng chế độ phục viên, sau đó đi làm thêm được 16 năm. Nay tôi muốn trả lại chế độ phục viên để cộng dồn số năm đã đóng BHXH và số năm trong quân đội để hưởng lương hưu hàng tháng được không?

Bạn đọc số 01659621XXX, gọi đến số điện thoại tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961.360.559, hỏi: Tôi đi làm từ năm 1984 đến 1997 đã nhận chế độ một lần. Nay tôi muốn trả lại để đóng tiếp BHXH được không?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Khoản 6, điều 123 Luật BHXH quy định: NLĐ có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 1 tháng 1 năm 1995 nếu đủ điều kiện hưởng nhưng chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng BHXH. Việc tính thời gian công tác trước ngày 1 tháng 1 năm 1995 để hưởng BHXH được thực hiện theo các văn bản quy định trước đây về tính thời gian công tác trước ngày 1 tháng 1 năm 1995 để hưởng BHXH của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, quân nhân và công an nhân dân.

Do các bạn đã nhận chế độ phục viên và trợ cấp một lần khi nghỉ việc, nên thời gian đã đi bộ đội hay làm việc trước đó không được tính là thời gian đã tham gia BHXH nữa. Hiện pháp luật cũng không có quy định nào về việc cho trả lại chế độ phục viên hay một lần đã nhận để được tính là thời gian đã tham gia BHXH để được hưởng lương hưu hàng tháng.

Làm thêm 1 giờ/ngày mới được tính?

Bạn đọc số 0912447XXX, gọi đến số điện thoại tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961.360.559, hỏi: Tôi làm thủ kho của Cty Giấy B. Công việc thường xuyên phải làm thêm từ 25 đến 30 phút/ngày, nhưng không được tính là thời gian làm thêm. Khi chúng tôi hỏi thì Cty trả lời phải làm thêm từ 1 giờ/ngày trở lên mới được tính là thời gian làm thêm. Như vậy có đúng?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điều 104 BLLĐ 2012 quy định: Thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong 1 ngày và 48 giờ trong 1 tuần. NSDLĐ có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 1 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 01 tuần. Nhà nước khuyến khích NSDLĐ thực hiện tuần làm việc 40 giờ. Thời giờ làm việc không quá 6 giờ trong 01 ngày đối với những người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ LĐTB&XH chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.

Hiện cũng không có quy định nào của pháp luật quy định phải làm thêm từ 1 giờ/ngày trở lên mới được tính là giờ làm thêm. Nếu Cty có quy định như trên thì là trái luật và không có giá trị. Do đó, những giờ bạn phải là thêm (nếu có thỏa huận với NSDLĐ) thì phải được trả tiền làm thêm giờ theo nguyên tắc bằng 150% ngày thường, 200% ngày nghỉ hàng tuần và ít nhất bằng 300% vào ngày nghỉ lễ, Tết. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn