MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lao động nữ hiện nay đang chịu nhiều thiệt thòi.

Trăn trở khi “về hưu” ở tuổi 40

LÊ AN NHIÊN LDO | 03/11/2016 19:16
Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) đã cho người lao động (NLĐ) đặc biệt là lao động nữ… nghỉ hưu khi họ chỉ “ngấp nghé” tuổi 40. Về hưu ở cái tuổi… lưng chừng, nhiều nữ công nhân (CN) đối mặt với không ít khó khăn.
“Khi rời khỏi DN, những nữ CN sẽ mang theo 4-5 cái không: Không nhà cửa, không gia đình riêng, không việc làm, không tích lũy, không gì hết… Họ sẽ sống ra sao? Không ai chịu trách nhiệm cả!” – PGS.TS Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn, chia sẻ những trăn trở của mình đối với những CN bị “đào thải” ra khỏi thị trường lao động ở tuổi 40!
Giúp việc gia đình, người ta cũng cần trẻ!
Bị DN cho về… hưu non khi mới 42 tuổi, 4 năm qua, chị Nguyễn Thị Dung, quê Quảng Ngãi, chật vật với đủ thứ nghề mưu sinh. Từng là CN may, làm việc cho một Cty 100% vốn Đài Loan, KCX Linh Trung 1 (TPHCM), năm 2011, Cty lấy lý do tái cơ cấu, cho hàng loạt lao động tuổi từ 40 nghỉ việc. Chị kể: “Lúc đó, CN ngừng việc mấy ngày liền nhưng không thay đổi được gì vì Cty có làm phương án giảm lao động, thông báo cho CN. Sau khi mất việc, tôi có làm đơn xin việc ở một số nơi nhưng không nơi nào nhận”.
Không tìm được việc, chị Dung về quê được gần 1 năm nhưng tình cảnh càng bi đát hơn. Ruộng đất không có, bao nhiêu năm làm CN, vắt kiệt sức ở nhà máy, về quê chị không còn sức để làm việc đồng áng. Chị lại bỏ vào TPHCM, đi theo mấy chị em đồng hương bán bánh tráng trộn, xoài cóc, đồ ăn vặt ở các quán nhậu vào buổi tối, thu nhập đắp đổi qua ngày.
“Tôi thuộc trường hợp không phải nghỉ vì Cty sa thải hay chấm dứt HĐLĐ mà tôi chủ động xin nghỉ. Cty tăng ca thường xuyên, sức tôi thì có hạn, không theo kịp CN trẻ. Trong khi mình làm lâu năm, có thâm niên lương cao nên phòng nhân sự cũng chú ý soi mói. Chịu không nổi với áp lực công việc nên tôi chủ động xin nghỉ” – Chị Hoàng Thị Nga, quê Hà Tĩnh, chia sẻ. Rời nhà máy, qua một số người, chị được giới thiệu đi giúp việc nhà theo giờ cho các gia đình, thu nhập đủ để trang trải cuộc sống cho hai mẹ con. “Giúp việc gia đình coi vậy chứ không dễ. 50 tuổi, rời khỏi nhà máy, trông mình hom hem, nhiều người không muốn thuê, giúp việc nhà, người ta cần trẻ, khỏe, làm cho nhanh, mình già, làm chậm, người thuê trả nhiều tiền nên xót” – Chị Nga bộc bạch.
Theo chị Nga, đồng nghiệp của chị, một số người khi rời nhà máy thì đi mua rau củ về bán, một số thì gom góp làm cái xe nước, giúp việc nhà, bươn chải đủ thứ nghề hoặc về quê… nhiều người rất hụt hẫng vì bao nhiêu năm gắn bó với nhà máy, công xưởng, ra ngoài thấy cái gì cũng lạ!
Không chồng, không con, không nhà không cửa, về quê cũng không xong, chị Nguyễn Thị Huế (quê Triệu Sơn, Thanh Hóa) chọn ở lại TPHCM mưu sinh, sau khi Cty cho hàng loạt lao động nghỉ việc với lý do… sắp xếp lại tổ chức, công việc! “Ban đầu tôi đi giúp việc gia đình, được một gia đình khá giả thuê theo giờ nhưng thú thực, bao nhiêu năm làm CN, tôi không biết các máy móc hiện đại sử dụng ra sao. Dù nhà chủ đã hướng dẫn nhưng tôi vẫn không nhớ. Tôi làm hư một cái máy rửa chén của nhà chủ. May cho tôi là nhà chủ không bắt bồi thường, nhưng sau đó tôi đâm sợ giúp việc nhà, tôi nấu xôi bán cho CN ở cổng khu công nghiệp Linh Trung vào mỗi buổi sáng, như vậy cũng đủ sống” – Chị Huế nói.
“Mấy chục năm tới không biết sẽ sống ra sao”
Nhớ lại thời điểm Cty thông báo sẽ không tiếp tục ký HĐLĐ với mình, chị Trần Thị Hồng Kim, kể lại: Năm 2005, chị từ Khánh Hòa vào TPHCM làm việc, khi đó chị 20 tuổi. Chị nộp hồ sơ vào một Cty sản xuất linh kiện điện tử tại KCX Tân Thuận (TPHCM). Sau hai tuần thử việc, Cty ký HĐLĐ 3 năm với chị, liên tục sau đó, Cty ký tiếp 2 lần hợp đồng 3 năm. Sau khi hết hạn HĐLĐ thứ 3, phòng nhân sự gọi chị lên và thông báo Cty sẽ không tiếp tục ký HĐLĐ với chị nữa.
“Tôi luôn hoàn thành nhiệm vụ, thâm niên 9 năm làm việc tại Cty, không nề hà tăng ca, vậy mà Cty không ký tiếp HĐLĐ với tôi nữa. Mình ấm ức vậy thôi chứ Cty không sai. Nghĩ mình có kinh nghiệm, tôi nộp hồ sơ đi xin việc chỗ khác nhưng không nơi nào nhận” – Chị Kim nói. Không chỉ chị Kim mà từ nhiều năm nay, Cty đều có từng đợt cho CN nghỉ việc khi HĐLĐ hết hạn trong khi vẫn liên tục tuyển mới.
“90% CN ở Cty tôi là nữ. 15 năm làm việc ở Cty, số lần tôi được giao lưu với người khác giới đếm trên đầu ngón tay. Sáng sớm đi Cty, chiều tối về tới nhà, ăn vài ba miếng rồi ngủ, sáng mại lại đi, tối lại về… Cái vòng tuần hoàn ấy đã lấy đi của tôi 15 năm thanh xuân. Đến khi Cty cho nghỉ việc vì lý do tái cơ cấu lao động, nhìn lại mình chẳng còn gì trong tay. Không gia đình, không nhà cửa, không công việc, không tích lũy…” – Chị Phạm Bích Mỹ, quê Bình Thuận, 15 năm làm CN tại KCN Tân Bình (TPHCM) tâm sự.
20 tuổi, chị rời quê vào TPHCM kiếm việc, gánh trên vai mình là hai đứa em đang đi học, bố mẹ nay ốm mai đau. Là chị cả, chị Mỹ nhận trách nhiệm nuôi em ăn học. Lúc mới vào TPHCM, lương của chị gần 1 triệu đồng/tháng, trừ chi phí sinh hoạt các thứ vẫn còn dư được 500 ngàn đồng. Chị gửi về cho gia đình, phụ ba mẹ lo cho các em. 10 năm nuôi hai em ăn học, ra trường hai em chị lại không xin được việc làm, cuộc sống gia đình cũng chẳng khá hơn. Lúc này chị lại nhận trách nhiệm nuôi bố mẹ.
“Đầu năm 2015, Cty thay đổi cơ cấu, tôi mất việc. Gần một năm qua, tôi làm đủ thứ việc để sống qua ngày và hỗ trợ bố mẹ ở quê. Tôi đã làm thủ tục để nhận BHXH một lần. Số tiền nhận được cũng kha khá, tôi sẽ về quê, thử chăn nuôi lợn gà, ở với bố mẹ… Tính là tính vậy, tôi không biết có suôn sẻ không, thực tình, mấy chục năm tới, tôi không biết sẽ sống ra sao” – Chị Mỹ bần thần! Chị bần thần bởi nếu bây giờ nhận BHXH 1 lần, được cục tiền về quê, chẳng may có sự cố tiêu hết tiền thì sau này cuộc sống sẽ khốn khó vô cùng nhưng chờ đến tuổi hưu thì còn lâu quá!
Theo ông Lê Đình Quảng - Phó Ban Quan hệ Lao động – Tổng LĐLĐ Việt Nam, tình trạng DN “thay máu” lao động hiện nay là có thật. “Hiện nay, chế độ chính sách mới chỉ tính đến phương án là trợ cấp thôi việc, thất nghiệp, chứ chưa tính được các bài toán tiếp theo để giải quyết tình trạng xã hội này. Quỹ BHXH có Quỹ hưu trí và tử tuất là quỹ riêng. Quỹ ngắn hạn ốm đau, thai sản, trợ cấp thất nghiệp… thì có kết dư. Tuy nhiên, về lâu dài thì chắc chắn sẽ có ảnh hưởng, hơn nữa trợ cấp chỉ là ngắn hạn thôi còn quan trọng là phải giải quyết vấn đề về mặt xã hội” – Ông Quảng nói.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn