MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân Đà Nẵng sáng tạo cùng Trúc Chỉ. Ảnh: TT

“Trúc Chỉ - Lời của sông” đến với người dân Đà Nẵng

Thùy Trang LDO | 08/10/2017 06:45

Không chỉ được ngắm nhìn, được nghe về nghệ thuật Trúc Chỉ mà nay người dân Đà Nẵng còn có cơ hội được tự tay làm nên các tác phẩm nghệ thuật tại triển lãm “Trúc Chỉ - Lời của sông” phiên bản 2017. Điều mà theo những người làm dự án là sau đôi lần lỡ hẹn, nay Trúc Chỉ đã đến gần hơn với người dân Đà Nẵng.

Trúc Chỉ - Lời của sông

Nhằm giới thiệu đến người yêu thích nghệ thuật thị giác một loại hình nghệ thuật mới lạ, thú vị, kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, đầu tháng 10 vừa qua, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng phối hợp với Dự án Trúc Chỉ Việt Nam tổ chức triển lãm nghệ thuật với chủ đề “Trúc chỉ - Lời của sông” phiên bản 2017.

Bước vào không gian Trúc Chỉ tại Đà Nẵng, nhiều khán giả bất ngờ với dòng sông “Trúc Chỉ” được giăng trên bầu trời. Đi cùng đó là những hình ảnh về thành cổ, về những nét văn hoá Chăm Pa rất miền Trung. Bên trong không gian của triển lãm là 12 mô hình trụ đứng gợi hình ảnh chiếc áo tơi thân thuộc của người Việt Nam cùng với hệ thống các tác phẩm treo tường, kết hợp với hiệu ứng ánh sáng tự nhiên, âm thanh hỗ trợ khiến bất kì ai cũng ngỡ ngàng.

“Tôi đã bị xiêu lòng bởi một nghệ thuật rất mới, được sáng tạo bởi những người rất trẻ”, nhà báo, nhà phê bình Mỹ thuật Nguyễn Trọng Chức chia sẻ tại buổi khai mạc.

Đến với Đà Nẵng lần này, cùng mang tên “Lời của sông” nhưng với những người làm dự án, dòng sông Trúc Chỉ khi chảy về miền Trung đã mang một màu sắc rất khác.

“Hình tượng dòng sông ý chỉ sự vận động không ngừng nghỉ, bao gồm cả sự dung dưỡng và huỷ diệt để làm mới mọi thứ. Điều này rất tương xứng với thuộc tính của sáng tạo trong nghệ thuật là luôn thay đổi để làm nên những điều mới mẻ. Đặc biệt, dòng sông trong văn hoá Việt là biểu tượng của người mẹ. Với quy mô số lượng và chất lượng gấp 3 lần với phiên bản 2016, triển lãm tại Đà nẵng là cơ hội để chúng tôi giãi bày, kể về câu chuyện dòng sông Thạch Hãn với những tín hiệu về thành cổ, bom đạn, cây lá vằng. Không chỉ vậy, khi vào đến Đà nẵng, dòng sông Trúc Chỉ còn mang theo cả những văn hoá Chăm Pa, tín ngưỡng phồn thực của mảnh đất nơi này”, hoạ sỹ Hải Bằng, người sáng lập dự án chia sẻ.

Quả thật, được định danh từ năm 2012, nghệ thuật Trúc Chỉ đã được giới nghệ thuật tán dương khi thổi hồn vào khái niệm giấy thủ công. Từ tre trúc đến các nguyên liệu sẵn có tại địa phương nay đã mang một tinh thần mới, một tinh thần của sáng tạo. Cũng bằng việc sử dụng áp lực nước để tạo độ dày mỏng trên tấm giấy đang ướt đã được thực hiện ở nhiều nơi trên thế giới, tuy nhiên Trúc Chỉ đã đẩy kỹ thuật này đi xa hơn là thay vì một lớp thì các hoạ sỹ tạo rất nhiều lớp, thành nhiều hệ thống sắc độ, mang ngôn ngữ riêng.

Để từ đó, giấy không chỉ là một vật liệu làm nền cho các tác phẩm nghệ thuật mà tự thân nó cũng là một tác phẩm, có hồn, có giá trị như những gì khán giả Đà Nẵng đang được chiêm ngưỡng.

Dòng sông Trúc Chỉ chảy về miền Trung. Ảnh: TT

Ngắm nhìn, sáng tạo cùng nghệ thuật Trúc Chỉ

Đến với Đà Nẵng lần này, Trúc Chỉ không chỉ dừng lại ở các hoạt động trò chuyện với các hoạ sỹ, trưng bày các tác phẩm,... những người làm dự án còn mang đến cơ hội cho khán giả, người quan tâm, đặc biệt các bạn sinh viên, học sinh, nghệ sỹ cơ hội trải nghiệm thực tế với nghệ thuật Trúc Chỉ.

“Khán giả sẽ được tự tay thể hiện một tác phẩm theo ý tưởng cá nhân với sự hỗ trợ phương tiện kỹ thuật từ dự án. Các tác phẩm này sẽ được trưng bày cùng với bộ tác phẩm của triển lãm, sau đó sẽ được trả về cho các tác giả”, đại diện bảo tàng cho hay.

Em Khánh Tường, một công dân nhỏ của thành phố Đà Nẵng có cơ hội được sáng tạo với Trúc Chỉ ngay đêm khai mạc, em chia sẻ: “Em rất vui và hồi hộp vì sợ mình làm sai nhưng may mắn là các anh chị của dự án đã ở bên cạnh hướng dẫn. Bức tranh của em cũng được trưng bày ngay ở buổi khai mạc. Em từng vẽ bằng nhiều loại màu, giấy nhưng đây là lần đầu tiên được biết đến một cách khác biến một tờ giấy thành tác phẩm”.

Nghệ thuật Trúc Chỉ là một cái tên đã được nhiều người biết đến, thậm chí nói không quá lời thì giới nghệ thuật thế giới cũng đã nghe tiếng. Tuy nhiên, đây lại là lần đầu tiên, người dân Đà Nẵng được đến gần với Trúc Chỉ đến vậy dù cái nôi của nghệ thuật này chỉ cách đó 100 km.

“Sự đón nhận của người dân Đà Nẵng, của các anh chị em hoạ sỹ tại thành phố này sẽ là niềm động lực rất lớn, thúc đẩy nghệ thuật Trúc Chỉ tiến xa hơn trong tương lai. Nhiều người hỏi rằng tại sao không phải là Huế mà chọn Đà Nẵng làm nơi tổ chức triển lãm. Rất khó để trả lời nhưng dù là Huế hay Đà Nẵng thì đó cũng là miền Trung thương yêu”, hoạ sỹ Phan Hải Bằng, người sáng lập dự án chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn