MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ bệnh viện Trưng Vương TPHCM phẫu thuật "giải quyết hậu quả" cho một bệnh nhân tiêm chất làm đầy vào mặt. Ảnh: K.Q

Trùng tu nhan sắc - hậu quả đau lòng chưa chấm dứt

K.Quỳnh - L.Hà LDO | 09/10/2017 07:25

Nhu cầu làm đẹp tăng lên tỷ lệ thuận với tai biến. Những lời cảnh báo về làm đẹp không an toàn liên tục được đưa ra nhưng chị em vẫn không đề phòng. Chỉ khi lĩnh hậu quả mới tìm đến cơ sở y tế đảm bảo chất lượng để “cầu cứu”.

Tan nát nhan sắc vì “nghiện” làm đẹp

GS.TS Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Xanh pôn, Hà Nội kể lại, chính tay bác sĩ đã giải quyết hậu quả cho bệnh nhân bị tan nát mũi sau khi tiêm chất làm đầy tại một cơ sở không đảm bảo tại Hà Nội. Nạn nhân là chị Phùng Thị B (17 tuổi, ở Quảng Ninh). Sau Tết, B ra Hà Nội chơi và được giới thiệu tới làm đẹp tại một thẩm mỹ viện ở phố Trung Kính, Hà Nội. Trước khi quyết định làm đẹp tại đây, B được giới thiệu, một mũi tiêm giá 3 triệu đồng được quảng cáo giúp làm đầy mũi, có nguồn gốc từ Hàn Quốc. Lời quảng cáo có cánh khiến thiếu nữ 17 tuổi “mê tít” nên đã tiêm liền 3 mũi. Hậu quả là sau đó B bị tắc mạch khiến nhiễm trùng, có dấu hiệu hoại tử.

B cho biết, người tiêm cho B ở thẩm mỹ viện tự nhận là y tá, có theo học một bác sĩ thẩm mỹ trong TPHCM. B được tiêm 3 mũi dọc theo sống mũi. Ngay sau khi tiêm, B thấy xuất hiện một đường trắng từ gốc mũi chạy lên trên trán. Vệt trắng này không lâu chuyển sang màu đỏ tím kết hợp với tình trạng đau rát vùng mũi. Sang ngày thứ 2 sau khi tiêm, vết bầm tím dần dần lan xuống dưới và bao trùm toàn bộ đầu mũi, xuất hiện hoại tử cánh mũi trái và các bọng nước ở tháp mũi, đầu mũi. Sau đó, B phải tới cơ sở y tế giải quyết hậu quả vì mũi có dấu hiệu hoại tử.

GS.TS Trần Thiết Sơn lo lắng, có rất nhiều tai biến có thể xảy ra nếu làm đẹp hay thường gọi phẫu thuật thẩm mỹ không đảm bảo. Mỗi thời điểm lại có những công nghệ mới đáp ứng nhu cầu của chị em. Trước đây, những cảnh báo về tiêm silicon đã được nói nhiều và cũng có nhiều tai biến. Giờ đây, tiêm chất làm đầy đang là xu hướng mới. Và dĩ nhiên, tai biến khi tiêm chất làm đầy cũng xảy ra.

Cũng trong tháng 9 vừa qua, chính tay GS.TS Trần Thiết Sơn cũng đã khắc phục biến chứng cho bệnh nhân 29 tuổi ở Hà Nội tiêm silicon lỏng độn mông ở một cơ sở thẩm mỹ tại Hà Nội. Năm 2015, bệnh nhân đã đặt chất liệu độn mông thể tích 300cc tại một cơ sở làm đẹp tư nhân. Chưa thỏa mãn cơn khát làm đẹp, tháng 8.2016 bệnh nhân tiêm silicon lần thứ nhất vào mông. Đến tháng 5.2017, bệnh nhân tiếp tục tiêm silicon lần thứ hai. Cả hai lần bệnh nhân đều thực hiện ở cơ sở y tế tư nhân. Tháng 8.2017, bệnh nhân phải đến “cầu cứu” bác sĩ trong tình trạng mông sập sệ, sờ thấy túi độn, nằm tư thế ngửa túi bè sang hai bên, tổng thể tích silicon tiêm sau 2 lần lên tới 1000cc, silicon nhiều và cần được xử lý.

GS.TS Trần Thiết Sơn kể lại: “Với ca này, tôi phải tháo chất liệu túi cũ, xử lý một phần silicon và đặt chất liệu túi mới có thể tích 390cc đồng thời sắp xếp lại khoang chứa túi độn cho bệnh nhân”. Phẫu thuật độn mông là phương pháp hiệu quả giúp chị em sở hữu vòng 3 đầy quyến rũ. Tuy nhiên cần thận trọng lựa chọn phương pháp an toàn, được thực hiện bởi những bác sĩ có chuyên môn, tại cơ sở đáp ứng đủ điều kiện. GS.TS Sơn khuyến cáo.

Khi mạng xã hội trở thành “cơ sở làm đẹp”

Hiện nay, quảng cáo tiêm chất làm đầy xuất hiện tràn lan trên mạng, nhất là trên các trang mạng cá nhân. Đáng lo ngại hơn, thông tin trên những trang này không hề được kiểm duyệt bởi cơ quan chức năng. Thế nhưng, với những hình ảnh đẹp lung linh, nhiều chị em phụ nữ nhẹ dạ đã tin tưởng và liên hệ ngay với chủ trang mạng cá nhân để được sắp lịch…làm đẹp.

Mới đây, tại khoa Bỏng tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương đã tiếp nhận nạn nhân của kiểu làm đẹp trên. Nạn nhân là một cô gái chỉ mới 17 tuổi. Cô nhập viện trong tình trạng chiếc mũi sưng tím, đầy mủ. Vùng xung quanh mũi cũng có dấu hiệu nhiễm trùng nặng. Các bác sĩ cho biết, nếu bệnh nhân nhập viện muộn thì có thể dẫn tới hoại tử. Bệnh nhân đã phải trải qua liệu trình điều trị nhiễm trùng bằng kháng sinh và kháng viêm trong một thời gian dài. Chi phí điều trị cáo gấp 4-5 lần chi phí cô bỏ ra cho “thẩm mỹ viện” chui - nơi cô đã tới làm đẹp.

BS Phạm Trịnh Quốc Khanh - Trưởng khoa Bỏng tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương cho biết, 3 ngày trước nhập viện, bệnh nhân đã tới một chung cư ở quận 5, TPHCM để tiêm chất làm đầy vào mũi với giá 1,5 triệu đồng/lần tiêm. Cô biết đến “lò” làm đẹp này từ mạng xã hội. Chủ tài khoản ban đầu quảng cáo là nơi cung cấp mỹ phẩm, chất làm đầy xách tay Hàn Quốc. Sau đó, trang cá nhân này đã giới thiệu luôn là có thể tiêm chất làm đầy giúp xóa nhăn cho gương mặt, nâng mũi, căng da mặt… Cô gái trẻ đã liên hệ với chủ trang mạng cá nhân để làm đầy mũi và được chỉ tới chung cư ở quận 5. Nơi đây không hề treo bảng hiệu hay bất cứ một giấy phép, chứng chỉ hành nghề nào. Ngay sau khi tiêm, cô gái đã phải lãnh đủ hậu quả. Mũi cô trở nên sưng to, thâm tím và chảy mủ phải nhập viện vì nhiễm trùng.

Cùng thời điểm nhập viện với cô gái 17 tuổi, khoa Bỏng tạo hình thẩm mỹ của bệnh viện Trưng Vương tiếp nhận nữ bệnh nhân 35 tuổi nhập viện trong tình trạng áp xe vùng má sau khi cắt má lúm đồng tiền. Bệnh nhân cũng cho biết, nhờ mạng xã hội , cô biết được một cơ sở nhận học viên học về thủ thuật nhấn mí và cắt má lúm tại TPHCM. Cô đăng ký học với học phí khá “mềm”, thời gian đào tạo nhanh và đặc biệt không đòi hỏi bằng cấp đầu vào. Tức là bất kì ai muốn học chỉ cần đóng 20 triệu đồng là có thể nhập môn.

Sau một vài tuần vào học cắt má lúm, các học viên được thực hành bằng cách tự thực hiện thủ thuật cắt má lúm cho nhau. Kết quả là sau khi được bạn học cắt má lúm, người phụ nữ 35 tuổi này phải nhập viện vì vùng má sưng lên, có áp xe mủ. Bệnh nhân phải dùng kháng sinh, kháng viêm để giải quyết vùng áp xe này.

Kiểu làm ăn lợi dụng mạng xã hội này không xa lạ. Trên trang cá nhân của một nickname tên A.H tung lên hình ảnh những khách hàng được bàn tay “ma thuật” của cô chủ cơ sở thẩm mỹ tại nhà (tạm gọi là cơ sở thẩm mỹ - PV) "biến hóa". Theo lời quảng cáo trên trang thông tin này, các dịch vụ tiêm cằm, môi, mũi được thực hiện nhanh chóng, khách hàng không sưng, không đau, nhanh chóng trang điểm, ăn uống mà không ảnh hưởng gì. Giá thành cũng khá hợp lý. Chủ tài khoản trang mạng cá nhân đó còn “rủ” các khách nên tiêm cùng nhau cho tiết kiệm chi phí. Bởi nếu tiêm cùng nhau thì chi phí là 6 triệu đồng/lần tiêm cằm hoặc mũi. Còn tiêm lẻ là 8,5 triệu đồng cho mỗi bộ phận. Nhiều nickname đã bình luận một cách nhiệt tình hỏi về phương pháp làm đẹp. Không ít người đã đặt lịch hẹn làm đẹp trên trang mạng cá nhân này.

Chiếc mũi suýt hoại tử của một bệnh nhân ở Hà Nội sau khi tiêm chất làm đầy ở một thẩm mỹ viện chui. Ảnh: T.L

Trị “bệnh liều” của khách hàng

Về những biến chứng từ tiêm chất làm đầy, BS Nguyễn Thanh Thái, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình-hàm mặt, bệnh viện Việt Nam-Cu Ba, Hà Nội, khẳng định, những kỹ thuật tiêm làm đẹp phải do các bác sĩ được cấp phép thực hiện. Tiêm chất làm đầy thực chất là tiêm vào cơ thể chất giữ nước tạo gel nhưng nó sẽ tự tiêu trong vòng 18-24 tháng. Trong thành phần chất làm đầy có thêm thuốc tê và kháng sinh. Đối với ngành phẫu thuật thẩm mỹ, chất làm đầy không mới nhưng hiện nay có nhiều sản phẩm khác nhau. Ngay cả bác sĩ tay nghề kém tiêm không đúng cũng có thể gây tai biến chứ chưa nói đến người tiêm không phải là bác sĩ.

GS.TS Trần Thiết Sơn cho biết, nếu thực hiện tiêm tại các cơ sở không có bác sĩ được phép tiêm, dễ dẫn đến tai biến, không an toàn. Vì khi sử dụng kim tiêm sắc nhọn, sẽ làm tổn thương mạch máu, là điều kiện thuận lợi để chất đó làm thuyên tắc mạch máu, có thể gây hoại tử vùng da và mô mềm do mạch máu đó nuôi dưỡng. Hơn nữa, mọi người cần thăm khám kỹ trước khi tiêm, bởi những người mắc bệnh mạn tính như cao huyết áp, tiểu đường không nên thực hiện.

Tiêm chất làm đầy có thể gặp những biến chứng nhẹ bao gồm: dị ứng, sưng tấy, phù nề, tụ máu và cảm giác khó chịu. Các biến chứng nặng như nhiễm trùng, tạo u hạt và tắc mạch (biến chứng nặng nề và nguy hiểm nhất). Tắc mạch xảy ra ở bất cứ động mạch nào trên mặt nếu như tiêm chất làm đầy vào lòng mạch. Các động mạch ở trán, má, môi, mắt dễ bị tổn thương, hậu quả dẫn tới hoại tử vùng da dọc theo đường đi của động mạch. Hoại tử không hồi phục vùng môi, mũi, má, thậm chí mù mắt hoặc nhồi máu não là những biến chứng đã được cảnh báo.

Lời khuyên của bác sĩ cho những người có nhu cầu tiêm chất làm đầy để làm đẹp là nên chọn các bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ để thực hiện; không nên thực hiện ở những cơ sở chui. Trước khi tiến hành phẫu thuật, cần trao đổi lại với bác sĩ bệnh sử và cả tiền sử dùng thuốc để tránh sốc phản vệ cũng như các biến chứng nguy hiểm. 

BS Phạm Trịnh Quốc Khanh thì cho rằng, hiện nay, quá nhiều dịch vụ thẩm mỹ không phép hoạt động tràn lan, hỗn loạn. Vì thế, bệnh nhân có nhu cầu làm đẹp nên đến các cơ sở uy tín. Theo đó, cơ sở phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ phải treo công khai giấy phép hoạt động cũng như chứng chỉ hành nghề của phẫu thuật viên. Bản thân người làm đẹp cũng phải tìm hiểu và hỏi kỹ chất tiêm vào cơ thể là chất gì…Bên cạnh đó, với một số người có nhu cầu học nghề thẩm mỹ cần chú ý. Đây không phải là nghề ai cũng học được mà đòi hỏi một trình độ và cơ sở đào tạo chính quy. Hiện nay, tại TPHCM, chỉ có Đại học Y dược TPHCM và Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch được cấp phép đào tạo về phẫu thuật thẩm mỹ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn