MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Hóa tận tình hướng dẫn, truyền nghề cho những người cùng chung nghịch cảnh.

Viết tiếp ước mơ dang dở từ... tăm tre

P.LONG – M.LINH LDO | 26/11/2017 10:00
Tai họa ập đến sau một vụ tai nạn đã khiến anh Lê Văn Hóa (44 tuổi, trú thôn Phúc Tự Đông, xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) bị liệt 2 chân, mọi hoạt động đều phụ thuộc vào người thân và chiếc xe lăn. Nhưng rồi anh đã đứng dậy và vượt qua nghịch cảnh.

3 năm nằm liệt giường...

Sinh ra vốn lành lặn như bao người khác, có sức khỏe, có đam mê và cũng là trụ cột chính của gia đình. Bỗng tại họa ập đến chỉ sau một vụ tai nạn khiến anh Hóa phải nằm bệnh viện hơn 6 tháng trời, các bác sỹ cho biết anh bị chấn thương tủy sống và không thể hồi phục, hai chân bị liệt. Nghĩ lại về sự trớ trêu của tạo hóa, đôi mắt anh đượm buồn kể về những khó khăn khi mình phải tập quen với đôi chân bị liệt, vượt lên mọi mặc cảm của bản thân và xã hội để có được ngày như hôm nay.

Hoàn cảnh gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn từ trước khi tai họa ập đến. Vợ chồng anh có hai con nhỏ, còn phải chăm mẹ già và người chị bị tật nguyền bẩm sinh trong khi nhà chỉ có 3 sào ruộng. Năm 2005, thấy nhiều người đi xuất khẩu lao động ở Qua-ta, anh cũng quyết định học tiếng để đi nhằm hy vọng đổi đời và có tiền trang trải cho gia đình. Khi mọi thủ tục đã xong, đúng 1 tuần trước khi xuất cảnh thì anh Hóa bị tai nạn và liệt 2 chân cho đến bây giờ.

Mắt rơm rớm nghĩ về chuyện xưa, anh tâm sự “khi đó mình mới 28 tuổi, cái tuổi sức trẻ đang còn đầy mình thế mà lại phải nằm một chỗ, cứ nghĩ cuộc đời mình sao bất hạnh quá, bi đát quá, chỉ muốn được chết đi để đỡ khổ cho bản thân, cho gia đình. Lúc ấy, mọi bộ phận trên cơ thể đều bình thường nhưng khi đôi chân không đi được thì cũng như không, mọi thứ hoàn toàn sụp đổ”.

Trong 3 năm nằm liệt giường mọi hoạt động của anh điều phải có người phục vụ. Thương vợ, thương con nhưng lúc ấy cũng chẳng biết làm gì để phụ giúp gia đình. “Nhiều lúc nghĩ quẩn, đã không giúp được gì cho gia đình nay lại thêm gánh nặng, mình chỉ muốn chết. Nhưng nghĩ về con, nghĩ về gia đình, mình phải gắng sống, gắng vượt qua nghịch cảnh vì tương lai phía trước”.

Để tự động viên mình, anh tìm cách kết nối với những người có chung hoàn cảnh thông qua các chương trình trên tivi và đài radio. Anh nói, “tìm ra một người bạn có chung nghịch cảnh như mình để tâm sự và cùng chia sẻ là rất khó. Mình thì nghèo, làm gì có điện thoại để liên lạc.

Vì vậy thông qua các chương trình trên ti vi và radio mình ghi lại các địa chỉ và viết thư để chia sẻ về hoàn cảnh của bản thân. Rồi thư có hồi đáp, thư qua thư lại đã giúp chúng tôi có động lực hơn để sống, để vươn lên, cùng nhau vượt qua nghịch cảnh của cuộc đời”.

Vượt qua nghịch cảnh

Trong một lần xem chương trình “Chúng tôi là chiến sỹ” trên VTV, thấy anh chiến sỹ tặng cho bạn gái một món quà lưu niệm bằng tăm tre, anh Hóa chợt nghĩ ra một hướng đi mới cho đời mình và cơ duyên với nghề đã bắt đầu từ đó. 

Bằng sự cần mẫn, tỉ mỉ, phù hợp với hoàn cảnh thực tại cùng với đôi bàn tay khéo léo, anh Hóa đã tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo từ vật liệu là cây tre.

Những sản phẩm đầu tiên, anh gửi tặng những người bạn có chung nghịch cảnh ở xa mà chưa bao giờ gặp mặt. Nhận được quà, qua trao đổi, mọi người đóng góp ý kiến, dần dần chất lượng các sản phẩm ngày càng được nâng cao. Mọi người động viên anh làm ra các sản phẩm rồi đem bán để có thu nhập.

Rồi “cơ sở sản xuất hàng mỹ nghệ tăm tre Lê Văn Hóa” ra đời, chuyên làm các món quà lưu niệm độc đáo từ tăm tre. Kể từ đó anh bắt đầu kiếm được tiền giúp gia đình sau những tháng ngày dài đằng đẵng nằm liệt giường vì tai nạn.

Năm 2012, anh Hóa tham gia vào Hội khuyết tật tỉnh Quảng Bình. Biết anh đang chế tác những sản phẩm từ cây tre, Hội khuyết tật tỉnh đã tạo điều kiện cho anh quảng bá sản phẩm thông qua các hội chợ, đồng thời được trưng bày tại triển lãm nhằm giúp người dân tiếp cận nhiều hơn với những sản phẩm do anh tạo ra.

Nhanh chóng thích nghi với thời đại, anh đã tận dụng lợi thế của internet để quảng bá các sản phẩm và bán hàng online, đồng thời liên lạc với những bạn bè ở xa để thiệu đầu ra cho sản phẩm cho mình.

Theo thời gian, các sản phẩm của anh ngày càng đa dạng, tinh xảo và bắt mắt hơn. Bước đầu khởi nghiệp khá thuận lợi, các sản phẩm bán được, anh có thêm nguồn thu. Cầm những đồng tiền kiếm được từ mồ hôi nước mắt trên tay, vợ chồng anh chảy nước mắt vì vui mừng, gia đình phần nào bớt khổ cực hơn.

Trong ngôi nhà nhỏ, những sản phẩm của anh mang đầy tâm huyết, lắng đọng tình yêu quê hương, yêu tổ quốc như hình tượng Lăng Bác, nhà sàn Bác Hồ, chùa Một Cột, Văn Miếu, Quảng Bình quan…

Ngày chúng tôi đến, anh đang ngồi trên xe lăn tận tình hướng dẫn, truyền nghề cho một bạn trẻ khác cũng ngồi trên xe lăn như mình. Anh Hóa tâm sự, anh muốn càng nhiều hơn những người có cùng chung nghịch cảnh như mình có được nghề để vươn lên trong cuộc sống, có thêm thu nhập. Vì vậy, anh luôn sẵn sàng truyền nghề miễn phí bằng cả tấm lòng của mình.

“Có nhiều bạn bị khuyết tật ở xa muốn về để xin học nghề, nhưng mình đành phải từ chối vì đơn giản là về đây không có phòng để ở. Vì vậy mình hướng dẫn họ qua mạng. Mình sẵn sàng lo luôn việc ăn uống cho các bạn nhưng vì không có chỗ ở nên đành chịu” – anh Hóa ngâm ngùi.

Vì điều kiện khó khăn, không có kinh phí để đầu tư nên cơ sở của anh còn nhỏ và làm thủ công, hoàn toàn không có các máy móc hỗ trợ vì vậy hiệu quả công việc không cao và thu nhập cũng có mức độ. Nói về mong ước trong tương lai, anh Hóa cho biết muốn tiếp nhận, truyền nghề được nhiều hơn cho những người có chung nghịch cảnh.

Kinh phí hiện tại cũng có hạn, nên anh cũng mong muốn có nhà hảo tâm tài trợ để có thể mua sắm thêm máy móc, từ đó làm ra những sản phẩm tinh tế hơn, sắc sảo hơn để phục vụ khách hàng, đồng thời mong muốn mở rộng cơ sở để những người ở xa có thể đến ở lại học nghề.

Hiện tại, đầu ra cho sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn nên anh Hóa có ý định sắm một chiếc xe và đi bán dạo để mọi người có thể biết đến nhiều hơn những sản phẩm của mình. Trước khi chia tay, anh tâm sự “để làm nghề đã khó, nhưng để giữ lửa cho nghề thì cần cả một quá trình làm việc không ngừng nghỉ. Mình hy vọng có đủ sức khỏe để tiếp tục truyền cảm hứng, đam mê và nhiệt huyết vào những tác phẩm mình sáng tạo ra”. 

Anh Lê Văn Hóa đã đạt nhiều giải thưởng từ các sản phẩm mỹ nghệ của mình như UBND tỉnh Quảng Bình chứng nhận bộ sản phẩm hàng mỹ nghệ bằng tăm tre được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Bình năm 2014; Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam tặng bằng khen “thanh niên khuyết tật tiêu biểu năm 2016”…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn