MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các khó khăn trong đầu tư xây dựng cần được giải toả để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư và người lao động.Ảnh: HẢI NGUYỄN

Xử lý nghiêm lợi ích nhóm, tiêu cực trong đầu tư xây dựng

TRỊNH XUÂN LDO | 27/08/2018 06:49
Ngay tại cuộc họp Thường trực Chính phủ bàn về tháo gỡ khó khăn trong đầu tư xây dựng, ngày 25.8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Nghị quyết về vấn đề trên.

Thời điểm ký ban hành nghị quyết đã cho thấy tầm quan trọng cần kíp phải có ngay những giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng – vốn đang bị người dân, doanh nghiệp phàn nàn nhiều thời gian qua.

12 luật và 20.000 tiêu chuẩn

Theo Bộ Xây dựng, thời gian qua, hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng được hoàn thiện, song số lượng thủ tục đầu tư xây dựng còn nhiều, phức tạp, thời gian thực hiện còn dài; một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, chưa thống nhất.

Các hoạt động đầu tư xây dựng chịu sự điều chỉnh của khoảng 12 luật khác nhau và rất nhiều Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thông tư hướng dẫn các bộ, ngành và hơn 20.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật từ khâu xác định chủ trương đầu tư, nhu cầu vốn đầu tư, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư xây dựng và kết thúc đầu tư.

Đơn cử, trên thực tế, nhiều dự án đầu tư tại địa bàn có di tích quốc gia đặc biệt có quy mô nhỏ, kỹ thuật đơn giản vẫn phải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư vì loại dự án này được xếp vào dự án nhóm A (quy định tại điểm a, b và c khoản 1 Điều 8 Luật Đầu tư công) dẫn tới phát sinh thủ tục hành chính, qua nhiều cấp quản lý, mất nhiều thời gian để chuẩn bị và thực hiện.

Liên quan đến Luật Đất đai, Luật Đầu tư, tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng thường bị kéo dài. Thời gian hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng bình quân mất khoảng 20 tháng, đặc biệt nhiều dự án bị kéo dài từ 5 đến 10 năm do đơn giá đền bù đất, công trình trên đất chưa theo cơ chế thị trường; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa theo quy hoạch được duyệt làm tăng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Tăng thủ tục hành chính

Theo Bộ KHĐT, còn nhiều vướng mắc phát sinh liên quan đến tiêu chí phân loại, thẩm quyền quyết định, các điều chỉnh đối với chương trình, dự án đầu tư công trong Luật Đầu tư công. Đơn cử, trình tự lập, thẩm định và quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư có sử dụng vốn ngân sách cấp tỉnh do cấp huyện, cấp xã quản lý được quy định thành các quy trình khác nhau.

Theo đó, quy định này làm tăng thủ tục hành chính, ảnh hưởng tiến độ thực hiện dự án vì một dự án có thể có 3 cấp quyết định chủ trương đầu tư trong khi nội dung chủ trương đầu tư cũng chỉ gồm mục tiêu, quy mô, tổng mức đầu tư, địa điểm, thời gian, tiến độ thực hiện. Bộ này cũng chỉ ra sự chưa thống nhất giữa Luật Đầu tư công và các luật chuyên ngành có liên quan.

Trong đó, Bộ KHĐT cho biết, chưa có sự thống nhất giữa Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư và Luật Bảo vệ môi trường về quy định Báo cáo đánh giá tác động môi trường trong lập, thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư dẫn đến vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án đầu tư, nhất là đối với các dự án có quy mô lớn, dự án quan trọng quốc gia.

Chính phủ đã quyết nghị những gì?

Tại Nghị quyết 110/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng, Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các luật: Xây dựng, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản và Quy hoạch đô thị để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, thực hiện cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.

Bộ KHĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng cường phân cấp, tính chủ động trong lập, thẩm định, giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm, bảo đảm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi pháp luật đầu tư công, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

Bộ TNMT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai theo hướng thống nhất về thời gian chậm triển khai thực hiện dự án bị thu hồi đất giữa Luật Đất đai và Luật Đầu tư… báo cáo Chính phủ trong quý I/2019.

Xử lý nghiêm vi phạm về đầu tư xây dựng, lợi ích nhóm, tiêu cực

Chính phủ cũng yêu cầu kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân, lãnh đạo, cán bộ, công chức vi phạm quy định pháp luật và cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ thực hiện dự án, công trình đầu tư xây dựng. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, trình độ, suy thoái đạo đức, gây nhũng nhiễu, tiêu cực.

Chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc triển khai các quy định về đầu tư xây dựng; công khai hóa danh sách các bộ, ngành và địa phương gây cản trở hoặc chậm trễ trong việc thực hiện giải ngân theo quy định của pháp luật. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đầu tư xây dựng, lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, nhất là đối với một số vụ việc dư luận quan tâm và bức xúc.XQ

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn