MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân Cty CP APT- KCN Tân Tạo an tâm về chất lượng bữa ăn giữa ca.

Bài 1: Ngại xây dựng bếp ăn vì tốn kém

QUỐC THIÊN LDO | 06/10/2016 11:39
Theo quy định, thức ăn từ khi nấu xong đến lúc ăn không được quá 2 giờ. Nếu quá thời gian này, vi khuẩn sẽ phát sinh và có thể gây ngộ độc.

Khi biết chúng tôi đang tìm hiểu về bữa ăn giữa ca của công nhân (CN), một quản lý của Cty T.P (KCN Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP HCM) cho phép chúng tôi vào ăn cơm với CN. Cty T.P sản xuất thực phẩm nhưng lại không có bếp ăn tập thể mà đặt cơm từ nhà thầu bên ngoài.

Đầu tư bếp ăn tốn vài trăm triệu đồng

Đúng 10 giờ chiếc xe tải nhỏ chở cơm trưa vào tận nhà ăn Cty T.P. Từng khay thức ăn công nghiệp (đã có thức ăn, rau) được đưa xuống xếp vào một góc bàn, cơm, canh được đựng trong những thùng nhựa to. Đến nơi, anh nhân viên bắt đầu bày từng khay thức ăn rồi bới cơm và múc canh vào. Ngày hôm ấy, thức ăn gồm có thịt kho trứng hoặc khô chiên, canh rau má và dưa leo xắt lát.

Khi chúng tôi hỏi: “Sao công ty không tổ chức bếp ăn ngay tại công ty mà mua bên ngoài làm sao kiểm soát được chất lượng bữa ăn, nguồn thực phẩm?”, chị quản lý thành thật: “Xây dựng một bếp ăn đúng quy chuẩn phải mất vài trăm triệu đồng. Chưa kể mỗi tháng phải tiếp đoàn kiểm tra ATVSTP đến rồi cho nhân viên bếp ăn đi học về ATVSTP, khám sức khỏe định kỳ... Tính ra rất tốn kém, đặt bên ngoài cho tiện vì công ty chỉ có hơn 100 CN thôi. Phòng hành chánh cũng đến công ty cung cấp suất ăn kiểm tra, thấy họ làm hợp vệ sinh. Vả lại, từ trước đến nay chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào hết”.

Chất lượng bữa ăn giữa ca quá kém cũng là nguyên nhân gây bức xúc dẫn đến ngừng việc tập thể tại một công ty 100% vốn nước ngoài tại KCX Tân Thuận vào đầu năm. Tiếp xúc với CN công ty, họ cho biết công ty thông báo bữa ăn giữa ca có giá 20.000 đồng nhưng chất lượng quá tệ, có ngày có 2 quả trứng và cùng vài lát cà chua, có ngày là mấy lát thịt bò bầy nhầy xào rau. Tuy có giá 20.000 đồng nhưng mỗi ngày nhà ăn chỉ nấu một món duy nhất, CN không ăn được món đó thì không có sự lựa chọn nào khác. Thỉnh thoảng, CN còn bắt gặp dòi, gián trong thức ăn. “Công ty đã từng xảy ra ngộ độc thực phẩm và CN ngừng việc để phản ứng. Sau vụ ngộ độc, công ty có chấn chỉnh, kiểm tra thì chất lượng có đỡ hơn nhưng sau đó đâu lại vào đấy”- một CN bức xúc.

Từ lúc nấu đến lúc ăn không được quá 2 giờ

Theo bà Nguyễn Võ Minh Thư, Trưởng phòng Lao động các KCX-KCN TP, tại các KCX-KCN TP có 3 dạng bữa ăn giữa ca: DN tự tổ chức, mua suất ăn sẵn từ bên ngoài hoặc phát tiền cho CN tự ăn. Các KCX-KCN hiện có 152 DN tự tổ chức bếp ăn tại công ty, đây là những đơn vị thuộc quyền kiểm tra của Sở Y tế TP HCM và Ban quản lý các KCX-KCN. Còn các DN mua suất ăn bên ngoài thuộc quyền kiểm tra của các trung tâm y tế quận, huyện. Để đảm bảo an toàn bữa ăn CN, Sở Y tế TP có kế hoạch thanh kiểm tra, xử lý đối với các bếp ăn tập thể trên địa bàn, thực hiện với phương châm kiểm tra 100% bếp ăn tập thể (1 lần/năm) suất ăn nấu sẵn (2 lần/năm). Hiện giá suất ăn tại các KCX-KCN TP bình quân 14.000 đồng đến 16.000 đồng/suất, một vài đơn vị có giá 20.000 đồng đến 30.000 đồng/suất.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Cục ATVSTP TP (thuộc Sở Y tế TP), cho biết trên 80% các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại các KCX-KCN, là từ các suất ăn nấu sẵn đưa từ ngoài vào. Đối với trường hợp này, chi cục có chế độ kiểm tra cao hơn, nâng từ 1 lên 2 lần/năm. Chi cục khuyến khích các công ty có trên 1.000 CN nên nấu ăn tại chỗ. ATTP là một chuỗi, bất cứ công đoạn nào bị hở cũng dẫn đến ngộ độc. Chuỗi này phải được đảm bảo an toàn về nguồn thực phẩm, quá trình chế biến, thời gian chế biến, quy trình bảo quản, dụng cụ đựng, bao gói, môi trường khu vực ăn…

Theo quy định, thức ăn từ khi nấu xong đến lúc ăn không được quá 2 tiếng đồng hồ, nếu quá thời gian này, vi khuẩn sẽ phát sinh trong thức ăn và có thời gian để nhân đủ số lượng có thể gây ngộ độc. Nếu nhà thầu nào làm vượt quá công năng của họ, sẽ khiến “đường đi” của thức ăn từ lúc chế biến xong đến khi ăn dài hơn. “Các cơ sở có từ 1.000 CN trở lên nên tự tổ chức nấu ăn tại chỗ, kiểm soát được nguồn nguyên liệu, nguồn nước, quy trình chế biến, hạn chế điều kiện thuận lợi cho ngộ độc xảy ra. Hâm thức ăn chỉ diệt được vi khuẩn, còn độc tố, hóa chất thì không phân hủy được, do đó, hâm thức ăn không phải biện pháp tối ưu”- bà Mai khuyến cáo.

Từ đầu năm đến nay, có 248 người bị ngộ độc thực phẩm

 Năm 2015, toàn TP xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm với 268 người mắc, không có trường hợp nào tử vong. Nguyên nhân: 3/6 vụ (50%) do vi sinh vật gây bệnh, 2/6 (trên 30%) do Histamin có trong thủy sản, 1 vụ không rõ nguyên nhân. Trong số 6 vụ ngộ độc, có 1 vụ với 16 người mắc xảy ra tại KX-KCN, 1 vụ xảy ra tại trường học còn lại là xảy ra tại các bếp ăn tập thể của DN bên ngoài các KCX-KCN TP.

Từ đầu năm đến nay, toàn TP xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm với 248 người mắc, không có trường hợp nào tử vong. Nguyên nhân: 2/5 (40%) do vi sinh vật gây bệnh, 2/5 không rõ nguyên nhân và 1 vụ đang được điều tra, làm rõ. Trong số 5 vụ ngộ độc, có 2 vụ xảy ra tại KCX-KCN, 2 vụ xảy ra tại trường học, 1 vụ tại hộ gia đình.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn