MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lãnh đạo Thành ủy TPHCM chia sẻ, tặng quà cho CN bị tai nạn lao động - Ảnh: An Nhiên

Chăm lo cho người lao động kém may mắn!

A.Nhiên - Q.Thiên LDO | 14/05/2017 11:00
Trong chuỗi hoạt động Tháng Công nhân và Tháng hành động về an toàn - vệ sinh lao động, LĐLĐ TPHCM đã tổ chức gặp gỡ, tặng quà, thăm hỏi, động viên công nhân (CN) bị tai nạn lao động, CN là người dân tộc thiểu số đang sinh sống và làm việc trên địa bàn TP có hoàn cảnh khó khăn.

Lãnh đạo Thành ủy, Thành phố và LĐLĐ TP HCM đã có những cuộc thăm hỏi, chia sẻ với những CN không may mắn, còn nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Chính sự quan tâm đó đã phần nào động viên anh chị em CN cố gắng, làm tốt công việc của mình, đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp, TP.

Được gặp bạn bè là vui!

Buổi họp mặt CN bị tai nạn lao động do LĐLĐ TPHCM tổ chức mới đây diễn ra trong không khí ấm áp thân tình. 350 CN có mặt trong buổi họp mặt, mỗi người một hoàn cảnh nhưng ai cũng mang những vết tích của tai nạn. Có người mất một cánh tay, một chân, một mắt hoặc mang rất nhiều vết thương bên trong. Được vợ đưa đến, ông Châu Văn Minh (58 tuổi), trước đây là CN Cty Công trình đường sắt 3 (thuộc Tổng cục đường sắt Việt Nam) bày tỏ: “Đây là dịp hiếm hoi tôi gặp lại các anh chị em, thăm hỏi nhau và vui mừng khi thấy mọi người vẫn khỏe, vẫn đến được với buổi họp mặt”.

Vào năm 1987, khi đó đang là CN làm đường, trong một lần ngồi xe ca, xe bị trật đường ray, ông Minh bị rơi xuống đường. Cú rơi làm ông té đập đầu xuống đường và bị chính xe ca cán nát 2 ngón tay trái. Vụ tai nạn làm ông phải nằm viện hơn 1 năm và đi hết Bệnh viện Chợ Rẫy đến Chấn Thương Chỉnh Hình rồi Điều Dưỡng. Bàn tay cánh tay trái tuột hết da tay, bác sĩ phải lấy da bụng rồi da đùi đắp lên tay trái cho ông. Vụ tai nạn làm sức khỏe ông suy yếu, xếp loại 2/4.

Sau vụ tai nạn vì không đủ sức khỏe, ông Minh phải nghỉ làm. Nhưng khi ấy vợ ông dạy mầm non, lương tháng chẳng bao nhiêu, ông phải tìm việc làm thêm để phụ vợ nuôi con. Làm bao nhiêu nghề, cuối cùng, ông Minh chọn chạy xe ôm để làm kế sinh nhai. “Năm nào tôi cũng cùng ông nhà đến để gặp gỡ mọi người. Vợ chồng tôi rất vui khi được tổ chức Công đoàn quan tâm, thăm hỏi hằng năm” - Bà Sansunuisa, vợ ông Minh, chia sẻ.

Đến tận từng bàn, thăm hỏi từng người, bà Trần Kim Yến, Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, mong muốn các anh chị bị tai nạn lao động tích cực rèn luyện để vượt qua khó khăn của bản thân, cùng vươn lên trong cuộc sống, vượt qua chính mình để tiếp tục làm việc, sống vui, sống khỏe. Bà Yến cũng mong lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp quan tâm, chú trọng hơn về công tác bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường, thường xuyên nhắc nhở và chấn chỉnh kịp thời các hành vi vi phạm gây mất an toàn của người lao động. Tổ chức CĐ các cấp cần hành động thiết thực, thể hiện trách nhiệm cao nhất đối với công việc đang phụ trách, phối hợp thường xuyên trong việc đào tạo và huấn luyện cho người lao động, vận động người lao động thực hiện tốt các quy định về bảo hộ lao động, rà soát kiểm tra các quy định, quy trình lao động sản xuất để đảm bảo an toàn…

Như một gia đình

Buổi họp mặt 200 CN dân tộc thiểu số do LĐLĐ TP và Ban Dân tộc TP tổ chức mới đây cũng tràn ngập niềm vui dù không khí lúc ban đầu có hơi yên ắng. Là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Tháng CN lần thứ 9 năm 2017 do LĐLĐ TPHCM tổ chức và Ban Dân tộc TP duy trì nhiều năm qua, buổi gặp mặt là sự chăm lo của tổ chức CĐ đối với người lao động, không phân biệt dân tộc, vùng miền. Đến với buổi họp mặt, ngoài được nhận những phần quà gồm nhu yếu phẩm thiết yếu, anh chị em CN còn được thưởng thức văn nghệ của các dân tộc anh em.

Buổi họp mặt năm nay sôi nổi và “nóng” hơn khi chương trình hát karaoke có thưởng bắt đầu. Thay cho sự e ngại lúc ban đầu, nhiều CN đã dạn dĩ bước lên sân khấu để hát, múa, thể hiện tài năng của mình. Với nhiều anh chị em, đây là lần đầu tiên họ được tham dự một chương trình giao lưu văn nghệ, điều đặc biệt hơn, người biểu diễn chính là đồng nghiệp của mình.

Anh Long Văn Nam (nhân viên Cty CP Thương mại - Dịch vụ Bảo vệ Long Hải) quê ở tận Bắc Giang, là người dân tộc Nùng. Trước khi vào TPHCM, anh Nam cũng đã làm việc ở nhiều nơi. Sáu năm trước, mẹ anh quyết định vào Nam làm việc, không muốn mẹ một mình bươn chải nên anh quyết định theo cùng. Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, mẹ con anh nhanh chóng thích ứng với cuộc sống mới. Mẹ anh làm tạp vụ ở một đơn vị tư nhân, còn anh vào làm việc tại Công ty CP Thương mại - Dịch vụ Bảo vệ Long Hải. Hiện cuộc sống mẹ con anh cũng tạm ổn.

Anh chia sẻ, khi mới vào TPHCM tìm việc, anh có chút lo lắng vì TPHCM không chỉ là đất khách quê người, mà khác biệt về văn hóa bởi anh là người dân tộc Nùng. Tuy nhiên, sau 6 năm làm việc ở TP, anh hòa nhập tốt, nơi anh làm việc dần trở thành gia đình lớn của anh.

Ông Lacob năm nay 55 tuổi, người dân tộc Chăm, là người cao tuổi nhất tại Hợp tác xã Ba Nhất. Tuy vậy, ông vẫn nhanh nhẹn, vui vẻ. Công việc hằng ngày của ông là đóng khung giỏ để đan bằng lục bình từ 7h30 sáng đến 11h30, chiều từ 1h đến 5h. Nhắc lại 15 năm gắn bó với công việc tại Hợp tác xã, ông mỉm cười hài lòng: “Từ An Giang lên Sài Gòn kiếm sống với 6 đứa con biết bao khó khăn nhưng bây giờ mọi thứ đã ổn, các con tôi trưởng thành, tôi mua được căn hộ ở một chung cư tại quận Bình Thạnh. Tuổi cao nhưng tôi khỏe mạnh, Cty mua bảo hiểm xã hội cho tôi từ lúc tôi vào làm việc đến nay. Mỗi khi ốm đau, hay nhìn về tuổi già phía trước, tôi không thấy lo lắng gì vì đã có bảo hiểm lo”.

Bên cạnh chương trình họp mặt, các cấp Công đoàn TPHCM đã chia sẻ với gia đình và bản thân người lao động bị tai nạn lao động trong sản xuất như chăm sóc sức khỏe, tặng sổ tiết kiệm, tặng quà, thăm hỏi, các chương trình giải trí…


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn