MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hòa nhã với đồng nghiệp, thể hiện chính kiến trong công việc là cách để bạn khẳng định mình. (Ảnh nguồn: VJL)

Hướng dẫn đàn em chính là giúp công việc của mình trôi chảy

Ngân Hà LDO | 01/10/2017 06:30

Mấy đứa nhỏ mới vào không biết gì thì các em hướng dẫn, sao lại bỏ mặc thế?” – Chị trưởng phòng Kế toán gắt gỏng khi nhìn bảng báo cáo mắc nhiều lỗi. Cả nhóm cúi mặt, không dám nói lời nào, lẳng lặng mang bản báo cáo về, rà soát lại từ đầu.

My và Hồng là hai nhân viên kế toán mới của phòng. Cả hai đều tốt nghiệp đại học ở những trường lớn, văn bằng thuộc hàng khá giỏi. Tuy nhiên, vì công việc còn khá mới mẻ nên My và Hồng đều khá bỡ ngỡ, nhiều lần gặp sai sót. Nếu xét về thời điểm tuyển dụng thì phòng kế toán hiện có 5 thế hệ, thế hệ “cao niên” nhất là kế toán trưởng, trên My và Hồng còn 3 thế hệ là những người giữa 8X, cuối 8X và đầu 9X.

Chị kế toán trưởng bộc bạch, truyền thống của phòng là người đi trước chia sẻ, hướng dẫn công việc cho đàn em, những người được tuyển dụng vào sau mình, chưa quen việc hoặc chưa có kinh nghiệm. Công ty hoạt động gần 20 năm, truyền thống đó luôn được duy trì, đó cũng là cách để cho các hoạt động của công ty được diễn ra suôn sẻ, hợp tác bởi công ty muốn mạnh, trước hết người trong công ty mà cụ thể là mỗi phòng, ban phải đoàn kết. Thế nhưng, hai năm trở lại đây, chị thấy truyền thống đó đang dần bị mai một, đặc biệt các bạn trẻ mới được tuyển dụng vào tỏ ra thờ ơ với thế hệ sau mình!

“Mình không thể cầm tay chỉ việc cho tất cả những người mới nên mới giao cho những bạn làm việc trực tiếp, người đi trước hướng dẫn người đi sau. Khi mình giao việc, dù trước mặt mình các em miệng thì “dạ, vâng” nhưng sau lưng thì toàn làm điều ngược lại. Mấy đứa em nhân viên mới là sinh viên mới ra trường, dù tốt nghiệp loại giỏi nhưng chưa quen việc, chưa quen với những phần mềm kế toán của công ty thì rất cần được hướng dẫn, vậy mà mỗi lần hỏi đến, mấy đứa cứ ậm ừ rồi lơ” – Chị kế toán trưởng bực dọc.

Thế nhưng nói đi thì cũng nói lại, một nhân viên lí nhí phản ứng: “Các em mới vào mà thái độ học hỏi chẳng giống tụi em ngày trước gì cả. Vào công ty, ở cùng phòng mà không giao lưu với chị em, rảnh là lên mạng, ăn cơm cũng ngồi lướt Facebook chứ không nói chuyện chị em thân tình như mình trước kia. Muốn học hỏi, học tập gì thì cũng phải có thái độ cầu thị chứ, đằng này mặt mũi cứ bơ bơ sao mà mình có tâm huyết để hướng dẫn”.

Nghe hai bên trình bày, chị kế toán trưởng quyết định họp phòng. Chị giải thích: “Mỗi người đều có lý do của mình để không hợp tác với nhau. Vậy mọi người có nghĩ hậu quả cuối cùng của việc này là gì không? Chính là tiền lương của tất cả chúng ta sẽ giảm, là chính mình bị thiệt”. Kết quả công việc là công trình của tập thể không phải như cô thợ may tự may một cái áo, xấu đẹp gì cô ấy là người tự chịu trách nhiệm, khách không mua, mình cô ấy thiệt nhưng công trình tập thể, chỉ cần một người làm sai là coi như vứt luôn sản phẩm đó.

Chị kế toán trưởng nhấn mạnh với cả phòng: “Như báo cáo hôm nay, chỉ cần My và Hồng mắc lỗi thì nó sẽ phát sinh lỗi dây chuyền, kết quả cuối cùng là chúng ta làm lại từ đầu, trong khi đó thời hạn lãnh đạo công ty giao đã hết. Vậy thiệt hại này ai chịu, nếu không có báo cáo này, lãnh đạo không ký được hợp đồng, liệu chúng ta có còn được nhận đủ lương không? Cho nên hợp tác với nhau, hỗ trợ nhau chính là hỗ trợ chính mình”. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn