MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sa thải là hình thức kỷ luật lao động nặng nhất đối với NLĐ. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Lạm dụng… sa thải!

Lê An Nhiên LDO | 30/09/2016 06:00
Sa thải là hình thức xử lý kỷ luật lao động nặng nhất mà người sử dụng lao động (NSDLĐ) dành cho người lao động (NLĐ) và được pháp luật quy định rất rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều chủ doanh nghiệp (DN) đã lạm dụng hình thức kỷ luật sa thải đối với NLĐ, điều này không chỉ gây thiệt hại cho NLĐ mà còn khiến NLĐ bị sốc, khó xin được việc khi đi làm ở nơi khác.

“Bị Cty sa thải là không dám ngẩng mặt nhìn ai”

Chị Nguyễn Thị Hải, nhân viên phòng kinh doanh Cty Đ.T (Bình Dương) với thời hạn HĐLĐ 36 tháng. Trong quá trình làm việc, tôi bị trưởng phòng nhắc nhở miệng 2 lần với lý do không làm tốt công việc được giao. Một vài lần khác, trưởng phòng cũng nhắc nhở tôi rằng vi phạm nội quy công ty nhưng không nói cụ thể và không lập biên bản về việc vi phạm này. Sau đó, trưởng phòng đình chỉ công việc của tôi, trả tôi về phòng nhân sự.

“Sau 3 ngày ở nhà để đợi quyết định của ban giám đốc, phòng nhân sự thông báo tôi bị Cty sa thải vì liên tục không hoàn thành nhiệm vụ. Tôi không hiểu Cty căn cứ vào đâu để nói tôi không hoàn thành nhiệm vụ, hàng quý, hàng năm đều có đánh giá KPI, nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì KPI phải thể hiện rõ. Đột ngột mất việc với lý do sa thải, tôi không dám ngẩng mặt nhìn ai” – Chị Hải nói.

Cũng bị sa thải dù có 15 năm gắn bó với Cty, ông P.K.Vinh làm tại bộ phận an ninh của 1 khách sạn tại TP.HCM cho biết: Theo hồ sơ vụ việc, ngày 6.11.2013, trong ca làm việc, khi đi vệ sinh, ông Vinh gặp một nhân viên tạp vụ của khách sạn. Người này bảo ông Vinh có 2 đầu cá hồi đã lóc hết thịt nhưng còn tươi bị bỏ vào thùng rác và hỏi ông Vinh muốn lấy về thì người này sẽ nhặt lại và gửi ở căng-tin. Vì nghĩ đây là phần thực phẩm khách sạn bỏ đi sau khi chế biến nên ông Vinh đồng ý. Hết ca làm việc, vào khoảng 23 giờ, ông Vinh vào căng-tin để lấy, có sự chứng kiến của các nhân viên tại đây. Ra cửa, ông Vinh cũng báo cáo với nhân viên bảo vệ. Mọi việc diễn ra công khai với nhiều người. Tuy nhiên, đến ngày 13.12.2013, ông Vinh bị công ty lập biên bản xử lý kỷ luật sa thải với lý do “có hành vi lấy tài sản (đầu cá hồi) ra khỏi khách sạn mà chưa được trưởng bộ phận hoặc ban giám đốc cho phép”.

“Tôi hoàn toàn không chủ động lấy đồ mà có người gợi ý cho, giá trị tài sản cũng không đáng để phải đánh đổi danh dự, công việc, thu nhập của mình. Đã lớn tuổi, với quyết định kỷ luật như vậy xem như đời tôi bế tắc, không xin việc ở đâu được nữa” - Ông Vinh nói.

Pháp luật quy định rất rõ ràng về hình thức kỷ luật sa thải!

Theo luật sư Trần Mạnh Thắng (Đoàn Luật sư TP.HCM), Điều 126 Bộ luật Lao động 2012 quy định hình thức xử lý kỷ luật sa thải được NSDLĐ áp dụng trong những trường hợp sau đây: NLĐ có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của NSDLĐ; Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm. Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật theo quy định tại Điều 127 của Bộ luật này; Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng.

Theo luật sư Thắng, nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật phải căn cứ Điều 123, theo đó: NSDLĐ phải chứng minh được lỗi của NLĐ; Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở; NLĐ phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; trường hợp là người dưới 18 tuổi thì phải có sự tham gia của cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật; Việc xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản.

“Như vậy, Cty khi xử lý kỷ luật lao động thì ngoài việc phải chứng minh được lỗi, còn cần phải có sự tham gia của NLĐ và việc xử lý kỷ luật cần phải được lập thành biên bản. Đối với trường hợp của chị Hải, Cty ra quyết định sa thải chị Hải là không đúng theo trình tự, quy định của pháp luật. Đối với trường hợp của ông Vinh, hành vi của ông Vinh không phải là trộm cắp vì được thực hiện công khai trước sự chứng kiến của nhiều người. Mặt khác, với 2 đầu cá hồi bị thải bỏ, khách sạn không xác định được giá trị tài sản nên không có căn cứ để nói đây là hành vi “gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản của DN” để sa thải” – Luật sư Thắng nhận định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn