MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
NLĐ được nghỉ 12, 14, 16 ngày phép/năm tùy điều kiện làm việc. Ảnh: Nam Dương

Luật sư trả lời: Giáo viên dạy giỏi có được nghỉ việc?

Nam Dương LDO | 30/10/2016 06:00
Tôi là giáo viên đã dạy ba năm tại một trường, nay xin chuyển công tác theo gia đình. Hiệu trưởng không đồng ý với lý do tôi là giáo viên giỏi đang bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi, nên phải ở lại phục vụ nhà trường thêm 2 năm nữa. Lý do hiệu trưởng đưa ra đúng hay sai? Vì sao? Phuongthoa…@gmail.com

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời:

Do bạn không nói rõ bạn là viên chức làm việc theo Hợp đồng làm việc hay là người lao động (NLĐ) làm việc theo HĐLĐ, nên chúng tôi trả lời bạn như sau:

- Trường hợp bạn là NLĐ làm việc theo HĐLĐ và HĐLĐ của bạn là không xác định thời hạn, thì bạn có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ sau khi đã báo trước cho nhà trường 45 ngày mà không cần bất kỳ lý do nào theo khoản 3, Điều 37, BLLĐ 2012. Nhà trường có trách nhiệm phải làm thủ tục chấm dứt HĐLĐ, chốt, trả sổ BHXH, trợ cấp thôi việc cho bạn (nếu có).

- Nếu HĐLĐ của bạn là xác định thời hạn, thì bạn chỉ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo các điều kiện cần và đủ dưới đây:

1. NLĐ làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:

a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong HĐLĐ;

b) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong HĐLĐ;

c) Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động;

d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện HĐLĐ;

đ) Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước;

e) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền;

g) NLĐ bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục.

2. Khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo quy định tại khoản 1 Điều này, NLĐ phải báo cho người sử dụng lao động (NSDLĐ) biết trước: Ít nhất 3 ngày, 30 ngày tùy HĐLĐ là mùa vụ hoặc xác định thời hạn...

Trường hợp bạn là viên chức, làm việc theo Hợp đồng làm việc, thì căn cứ vào điểm d, khoản 2, Điều 38 Nghị định 29/2012/NĐ-CP “Về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức” thì viên chức chưa được cho thôi việc nếu vì yêu cầu công tác và chưa bố trí được người thay thế.

Căn cứ vào các quy định trên, bạn đối chiếu với trường hợp của mình để biết có được nghỉ việc hay không.

Tháng 8.2016, tôi làm việc đúng 10 năm. Vậy ngày phép của tôi được tính thế nào?

phankim…@gmail.com

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời:

Các điều 111,112 BLLĐ 2012 quy định về ngày nghỉ phép như sau:

Điều 111. Nghỉ hằng năm

1. NLĐ có đủ 12 tháng làm việc cho một NSDLĐ thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo HĐLĐ như sau:

a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

b) 14 ngày làm việc đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống khắc nghiệt theo danh mục do Bộ LĐTB&XH chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành hoặc lao động chưa thành niên hoặc lao động là người khuyết tật;

c) 16 ngày làm việc đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt theo danh mục do Bộ LĐTB&XH chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.

2. NSDLĐ có quyền quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho NLĐ.

3. NLĐ có thể thoả thuận với NSDLĐ để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 3 năm một lần.

4. Khi nghỉ hằng năm, nếu NLĐ đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 2 ngày thì từ ngày thứ 3 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 1 lần nghỉ trong năm.

Điều 112. Ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc: Cứ 5 năm làm việc cho một NSDLĐ thì số ngày nghỉ hằng năm của NLĐ theo quy định tại khoản 1 Điều 111 của Bộ luật này được tăng thêm tương ứng 1 ngày.

Do đó, nếu bạn làm việc liên tục cho một NSDLĐ (DN) được 10 năm và trong điều kiện bình thường, thì đến nay bạn được nghỉ 14 ngày; 16 ngày nếu công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và 18 ngày nếu công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn