MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân tranh thủ làm thêm ban đêm để trang trải cuộc sống - Ảnh: L.TUYẾT

Một viễn cảnh... hụt hơi!

Võ Thị Bích LDO | 21/08/2017 11:00

Hội đồng Tiền lương quốc gia vừa thống nhất phương án đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2018 tăng là 6,5% so với lương tối thiểu vùng 2017, tương đương mức tăng từ 180.000 đồng đến 230.000 đồng mỗi vùng.

Mức điều chỉnh này chỉ bằng một nửa so với phương án mà Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất. Mức tăng không như mong đợi đã khiến chúng tôi thất vọng bởi đời sống người lao động chẳng cải thiện được bao nhiêu. 

Vậy là một mong ước cuộc sống được cải thiện, có tiền tích lũy, bớt cảnh giật gấu vá vai hay đơn giản được sống trong một nhà trọ khang trang hơn, không chần chừ trước việc chọn mua một miếng thịt hay miếng đậu phụ… tắt ngúm!

Cứ mỗi lần họp điều chỉnh lương tối thiểu vùng, công nhân chúng tôi lại mong chờ, hy vọng rồi thất vọng. Bao nhiêu năm rồi, riết rồi thành quen, chai lì cảm xúc, chỉ có điều, sau mỗi lần tăng lương, một viễn cảnh hụt hơi lại kéo dài ra nữa.

Tiền lương tối thiểu năm 2018 được áp dụng cho vùng I như vậy là 3.980.000 đồng và nhà nước khuyến khích chủ doanh nghiệp áp dụng lương cơ bản cao hơn. Nhà nước chỉ “khuyến khích” thôi chứ không bắt buộc, vậy doanh nghiệp có thể không làm.

Đặt trường hợp doanh nghiệp áp dụng đúng mức lương 3.980.000 đồng vào tiền lương cơ bản, không có các khoản phụ cấp khác, không có tăng ca, công nhân chúng tôi sẽ sống thế nào đây, nếu cho rằng, mức lương tối thiểu này đủ đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu. Hai vợ chồng công nhân với tổng thu nhập là 7.860.000 đồng, có hai đứa con thì sẽ sống ra sao với tiền lương đó.

Tôi xin liệt kê những khoản chi cố định như tiền nhà trọ cho cả gia đình sống tạm được vào khoảng 2 triệu đồng/tháng với điều kiện nhà trọ không có máy lạnh, không có máy giặt, không có bếp điện… nói chung phải tiết giảm tối đa những vật dụng tiết kiệm điện mới có thể gói ghém trong khoảng 2 triệu đồng. Tiếp đến là tiền học của hai đứa con. Nếu con còn nhỏ, phải gửi trẻ, ít nhất phải 1,5 triệu đồng/đứa/tháng.

Nếu hai đứa, tiền học cho con cũng ngót nghét 2,5 triệu đồng/tháng. Còn lại chi cho tiền ăn. Cả gia đình 4 người, cho rằng hai vợ chồng tôi ăn cơm ở nhà xưởng thì cũng còn hai bữa ở nhà đó là sáng và tối. Mỗi bữa ăn của mỗi người, tiết kiệm lắm thì cũng phải 15.000 đồng/bữa/người.

Như vậy, mỗi tháng 30 ngày cho bốn người là 1.800.000 đồng/tháng, chưa kể, các ngày chủ nhật ở nhà, thêm các bữa cơm trưa. Sau khi trừ tiền nhà, tiền học cho con, tiền ăn, số tiền chúng tôi còn lại là 1.560.000 đồng.

Với 1.560.000 đồng, chúng tôi phải chi cho tất cả các khoản còn lại bao gồm tiền gas, mắm, muối, gạo, dầu gội, sữa tắm, bột giặt, ma chay, hiếu hỉ.... Và tất nhiên, chúng tôi không được phép ốm. Sẽ ra sao nếu chúng tôi ốm? Chỉ một trận ốm là chúng tôi nợ đầy đầu, làm quần quật không trả nổi. Ốm nhẹ thì nhịn ăn vài tháng sẽ có dư để trả, ốm nặng thì sao?

Để cho cuộc sống tạm đủ, chúng tôi trông chờ vào các khoản phụ cấp của công ty, hay tăng ca. Thế nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có phụ cấp, doanh nghiệp nào cũng có tăng ca… Cho nên cái căn bản vẫn là tiền lương tối thiểu. Thế nhưng mỗi lần tăng lương là mỗi lần chúng tôi thất vọng bởi cuộc sống sẽ còn lắm lo toan, hụt hơi dài dài.

Mức đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu năm 2018 đã chốt, chúng tôi lại tiếp tục chờ đợi, lại tiếp tục hy vọng vào mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu năm 2019, hy vọng mọi thứ sẽ dễ thở hơn!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn