MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khi TƯLĐTT thỏa mãn quyền lợi cho cả hai bên thì mối quan hệ lao động sẽ được giữ hài hòa, ổn định (Ảnh minh họa - Ảnh: L.TUYẾT).

Người lao động chưa thực sự hưởng lợi từ thỏa ước lao động tập thể!

Lê An Nhiên LDO | 08/04/2017 12:58
Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ) tại doanh nghiệp (DN). Tổ chức công đoàn (CĐ) khuyến khích các CĐ cơ sở khi ký kết, cần đàm phán, đưa những điều có lợi hơn so với luật vào TƯLĐTT để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho NLĐ.

Tuy nhiên, tại hội nghị sơ kết Thư viện TƯLĐTT và kết quả thực hiện chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả TƯLĐTT” được tổ chức mới đây, LĐLĐ TP HCM cho rằng, hiện vẫn còn rất nhiều thỏa ước chỉ là chép lại luật, thậm chí còn thỏa thuận những điều trái với luật!

DN ngại đưa vào thỏa ước những điều có lợi

Ông Giang Văn Nam, Trưởng ban Chính sách pháp luật (LĐLĐ TP), cho biết: Hiện số CĐCS ngoài nhà nước đã ký kết TƯLĐTT và nộp báo cáo về LĐLD TP trên 7.000 bản, tỷ lệ 54,5%; trong đó, ký mới là 5.000 bản, sửa đổi bổ sung hơn 500 bản, thỏa ước còn hiệu lực trên 2.000 bản. Bên cạnh một số thỏa có chất lượng với nhiều nội dung có lợi hơn cho NLĐ như thưởng lương tháng 13, thưởng sáng kiến, thưởng lễ, Tết, các khoản phụ cấp, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, tham quan nghỉ mát, ma chay hiếu hỉ, tiền ăn giữa ca, hỗ trợ vé xe về quê ăn Tết cho NLĐ đã được một số đơn vị quan tâm đưa vào TƯLĐTT; thì vẫn còn rất nhiều DN ngại đưa các điều khoản có lợi cho NLĐ vào thỏa ước, một số đơn vị còn sao chép luật, thậm chí trong TƯLĐTT còn có những điều khoản bất lợi cho NLĐ.

Theo báo cáo của LĐLĐ TP, hiện nay, số lượng thỏa ước đạt loại A chỉ 5%-9% (ít nhất 10 nội dung cao hơn luật có lợi cho NLĐ). Trong khi đó, thỏa ước loại C và D chiếm đến 73% (rất ít nội dung có lợi cho NLĐ). Những bản thỏa ước này không cụ thể hóa được mức độ chăm sóc NLĐ mà chỉ thể hiện chung chung là “DN sẽ chăm lo tùy tình hình tài chính”. Đáng chú ý, có đến 3% thỏa ước không thể đánh giá, phân loại do sao chép luật, hết hạn nhưng không ký mới, có nội dung trái luật, người ký không đúng thẩm quyền... Cụ thể như tại quận 12, số DN có thỏa ước chiếm tỉ lệ rất cao (trên 90%), nhưng thỏa ước đạt loại A chỉ 6%.

“Nhiều DN vẫn giữ tư tưởng là làm cho có nên nội dung thỏa ước phần lớn là sao chép luật” - Ông Phan Thanh Tùng, chuyên viên chính sách - pháp luật LĐLĐ quận 12, chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Dân, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Tân thì cho rằng, trên địa bàn quận nhiều DN vừa và nhỏ không quan tâm lắm đến TƯLĐTT, còn lại đại đa số là sao chép luật. Nhiều DN, thậm chí còn “sợ” không dám đưa điều khoản có lợi cho NLĐ cao hơn luật vào TƯLĐTT. Ví dụ: Công ty Duy Tân trên địa bàn quận làm rất tốt, có nhiều chính sách có lợi cho NLĐ, nhưng lại không có trong TƯLĐTT. Nhiều DN cho rằng, không đưa vào vì DN còn phụ thuộc vào điều kiện sản xuất, kinh doanh, lỡ nếu như đưa vào mà không làm được thì lại khổ!

“Một số DN chăm lo tốt cho NLĐ nhưng không đưa vào thỏa ước mà chỉ đưa vào nghị quyết hội nghị NLĐ. Lý do là DN sợ tranh chấp bởi một khi đã đưa vào thỏa ước thì không thay đổi được, còn nếu chỉ đưa vào nghị quyết hội nghị thì có thể thay đổi theo từng năm, tùy vào tình hình sản xuất - kinh doanh của đơn vị” - bà Dân giải thích.

Đại diện các LĐLĐ quận, huyện còn cho biết, hiện nay, việc thực hiện ký kết TƯLĐTT, đặc biệt là tại các DN vừa và nhỏ còn rất nhiều khó khăn. Theo đại diện LĐLĐ quận 8, cái khó trên địa bàn chính là số DN chỉ có từ 5-7 lao động rất nhiều. Khi được yêu cầu, nhiều DN đã từ chối hoặc e ngại không chịu ký hoặc nhiều DN ký nhưng chủ yếu là “chép luật” nên quyền lợi cao hơn cho NLĐ không nhiều.

Chế tài chưa đủ mạnh

Về việc còn nhiều đơn vị không xây dựng thỏa ước hoặc chỉ làm để đối phó, nhiều cán bộ CĐ cho rằng, một phần do pháp luật không có chế tài đối với các DN trốn tránh ký kết hoặc khiến DN làm ngơ với việc ký kết TƯLĐTT. Theo quy định, DN chỉ bị xử phạt khi đã ký kết nhưng không nộp cho cơ quan quản lý lao động, còn đối với các đơn vị không ký kết thì không có biện pháp chế tài nên nhiều chủ DN “làm lơ”. Theo ông Phạm Văn Hoa, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Thạnh, nếu DN chưa tự giác thực hiện thì luật cần có chế tài mạnh hơn.

Ngoài ra, thủ tục phiền hà cũng khiến nhiều DN e ngại xây dựng TƯLĐTT. Đại diện LĐLĐ quận 7 kiến nghị, nên có cơ chế giảm sự phiền hà cho DN và CĐCS. Ví dụ: khi bản TƯLĐTT gửi lên ngành LĐTBXH để báo cáo, nếu không đạt lại bị trả về chỉnh sửa, chỉnh xong lại phải qua LĐLĐ quận xin chữ ký của chủ tịch, rồi quay trở lại nộp qua nhiều bước rất khó khăn. Còn theo ông Nguyễn Vũ Hạnh Phúc, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận 8, việc nhận, quản lý thỏa ước đã được phân cấp cho Phòng LĐTBXH nhưng mỗi cán bộ hướng dẫn mỗi khác.

“Việc thiếu thống nhất về mẫu TƯLĐTT là một cái khó. Có cán bộ chấp nhận thỏa ước chỉ thể hiện những điều khoản cao hơn luật nhưng có người lại yêu cầu phải đưa những điều khoản của luật vào nội dung thỏa ước. Điều này khiến DN phải đi lại nhiều lần, kết quả là họ làm để cơ quan quản lý nhà nước “cho qua” chứ không phải vì muốn cam kết với NLĐ” - ông Phúc nói.

Ông Giang Văn Nam – Trưởng ban chính sách – pháp luật LĐLĐ TP cho rằng: Ký kết TƯLĐTT là thước đo, phản ánh mức độ chăm lo của người sử dụng lao động. Vì vậy, việc thương lượng, ký kết thỏa ước là nội dung rất quan trọng, cũng là nhiệm vụ mà CĐ cơ sở cần tập trung thực hiện nhằm bảo vệ đoàn viên. Đề án “Thư viện TƯLĐTT” do Tổng LĐLĐ Việt Nam triển khai nhằm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về TƯLĐTT trong hệ thống CĐ; giới thiệu cho các cấp CĐ những bản TƯLĐTT có chất lượng tốt đã được ký kết và đang thực hiện, qua đó giúp đội ngũ cán bộ CĐ, các cấp CĐ thuận lợi trong việc chia sẻ thông tin trong quá trình thương lượng tập thể. Ký kết, thương lượng TƯLĐTT phải là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của các cấp CĐ để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn